Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, ngoại trừ nước Mỹ, vẫn đang ở mức thấp hơn 25% so với mức đỉnh từng đạt được vào năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 80% trong giai đoạn này.
Theo giới quan sát, các thị trường chứng khoán bên ngoài nước Mỹ khó có thể chinh phục lại đỉnh cao từng đạt được trước khủng hoảng, thậm chí còn bị “khóa” trong xu hướng đi xuống. Chỉ số MSCI tất cả các quốc gia trên thế giới ngoại trừ Mỹ (MSCI ACWI ex USA Index) theo dõi tất cả các thị trường chứng khoán ngoài nước Mỹ đã giảm hơn 17% kể từ mức đỉnh gần nhất đạt được vào đầu năm 2018, thời điểm vẫn còn có sự phấn khích khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi và chiến tranh thương mại chưa diễn ra.
Sự trật nhịp giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới dường như khó giải thích, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Thông thường, những khó khăn mà châu Âu và châu Á đối diện cũng sẽ tạo vấn đề đối với nước Mỹ và ngược lại. Vậy lý do nào đang khiến cả thế giới cùng một guồng quay, ngoại trừ nước Mỹ?
Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ việc, nước Mỹ đang xử lý tốt các vấn đề hậu khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại châu Âu, đa phần các nền kinh tế vẫn đang vật lộn với các cuộc khủng hoảng nợ, chính sách thắt lưng buộc bụng hoặc chấp nhận các gói cứu trợ. Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục chìm sâu vào tình trạng giảm phát trong hơn 3 thập kỷ qua.
Tại Mỹ, GDP đã tăng trưởng 34% trong 10 năm qua, tính từ năm 2008 - thời điểm khủng hoảng diễn ra. Con số này vượt trội so với mức 7% của nền kinh tế Nhật Bản trong cùng thời kỳ. Chưa kể, trong giai đoạn này, GDP của khu vực châu Âu giảm 2%.
Diễn biến của chỉ số S&P 500 và MSCI ACWI ex USA.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không chỉ diễn biến dựa trên các số liệu về tăng trưởng kinh tế. Bởi nếu vậy, thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc (GDP tăng 244% trong cùng thời kỳ) hay Ấn Độ (tăng 117%) sẽ có màn biểu diễn vượt trội hơn. Vậy khoảng cách hiện tại giữa chứng khoán Mỹ và phần còn lại của thế giới còn bởi những nguyên nhân khác.
Một trong những lý do quan trọng khiến chứng khoán Mỹ vẫn phô diễn được sức mạnh, theo giới chuyên gia, là việc sở hữu FAANG - nhóm doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google và hiện tại có thêm Microsoft. Không có nhóm doanh nghiệp nào tại châu Âu hay Nhật Bản có thể so sánh với lực lượng này, trong khi những tên tuổi khác như Alibaba, Tencent… chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.
Nhiều số liệu cho thấy sức mạnh của FAANG là đáng kinh ngạc. Ví dụ, trong 5 năm qua, giá trị thị trường của Amazon đã tăng từ 151 tỷ USD lên hơn 900 tỷ USD (một số thời điểm vượt 1.000 tỷ USD). Trong khi đó, cùng thời kỳ, giá trị thị trường của tất cả các nhà bán lẻ tại các quốc gia phát triển được theo dõi bởi MSCI chỉ tăng từ mức 1 nghìn tỷ USD lên 1.200 tỷ USD.
Tất cả các doanh nghiệp đang thống trị Internet đều bắt đầu tại Mỹ, đây cũng được xem là động lực lớn đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Mặc dù vậy, ngay cả khi vắng mặt FAANG, chứng khoán Mỹ vẫn có màn biểu diễn khá thuyết phục. Trong 5 năm qua, chỉ số S&P 500 thiếu đi nhóm Facebook, Apple, Amazon, Microsoft, Netflix và Google vẫn tăng trưởng 34%, trong khi chỉ số MSCI EAFE, theo dõi các thị trường phát triển bên ngoài Bắc Mỹ giảm 7%.
Khó có thể lý giải sự lạc nhịp của chứng khoán Mỹ với phần còn lại của thế giới, nhưng ít nhất, giới đầu tư cũng có một điểm để đặt niềm tin trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định hiện tại.