Lợi suất trái phiếu kho bạc đã yếu đi, trong bối cảnh kỳ vọng rằng Fed đã kết thúc chiến dịch tăng lãi suất, giúp S&P 500 và Nasdaq ghi nhận chuỗi tăng dài nhất của họ trong hai năm vào thứ Ba.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện đang dự báo việc cắt giảm lãi suất trong tháng 5/2024, với tỷ lệ dự báo cắt giảm ít nhất 0,25% đã tăng lên gần 49%, so với khoảng 41% một tuần trước đó.
Tuy nhiên, những bình luận thận trọng từ một số quan chức ngân hàng trung ương trong vài ngày qua đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, với Thống đốc Fed Michelle Bowman đánh dấu khả năng tăng lãi suất hơn nữa do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh với những dữ liệu gần đây.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell không bình luận về chính sách tiền tệ trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thống kê ngân hàng trung ương Mỹ. Ông Powell dự kiến sẽ phát biểu tại một hội nghị khác vào thứ Năm.
"Thật khó để thấy Fed chuyển sang cắt giảm lãi suất thực tế trong nửa đầu năm tới", Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Charles Schwab cho biết.
"Lạm phát không đạt mục tiêu của Fed và thị trường lao động, mặc dù yếu hơn trong tháng 10, nhưng không xấu đi đáng kể. Nền kinh tế dường như vẫn có một số lực kéo mạnh”, Liz nói thêm.
Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Dow Jones giảm 40,33 điểm (-0,12%), xuống 34.112,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,40 điểm (+0,10%), lên 4.382,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,56 điểm (+0,07%), lên 13.650,41 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi đà tăng của cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, trong khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá một loạt dữ liệu kinh tế và bình luận từ các ngân hàng trung ương để tìm tín hiệu về lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,28% lên 444,07 điểm.
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của khu vực đồng euro giảm như dự báo trong tháng 9, trong khi một cuộc khảo sát khác cho thấy người tiêu dùng khu vực đồng euro đã nâng kỳ vọng lạm phát của họ trong năm lên 4%.
ECB cần thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn nữa về lạm phát giảm tốc và các công ty cùng với các chính phủ cần phải tham gia để ngăn chặn việc thắt chặt chính sách nhiều hơn, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương cho biết.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Michelle Bowman cũng cảnh báo khả năng tăng lãi suất hơn nữa do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Phiên này, cổ phiếu lĩnh vực ô tô và bán lẻ dẫn đầu mức tăng trong ngày, cả hai đều tăng 1,1% mỗi ngành.
Trái lại, cổ phiếu tiện ích giảm 1,1%, với nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu, E.ON giảm 0,8% do dự kiến lợi nhuận quý IV bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại bộ phận bán lẻ.
Về báo cáo kết quả kinh doanh, cổ phiếu của công ty sản xuất tuabin gió Đan Mạch Vestas đã tăng 9,8% sau khi lợi nhuận và doanh thu hoạt động quý III tốt hơn dự kiến.
Cổ phiếu nhà bán lẻ Marks &; Spencer của Anh tăng 8,4% nhờ lợi nhuận nửa đầu năm tăng 75%, mức cao hơn dự báo.
Trong khi đó, cổ phiếu Swiss Life Holding AG giảm 5,9% sau khi cắt giảm triển vọng cả năm về thị trường bất động sản và tập đoàn siêu thị Ahold Delhaize giảm 7,2% sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2023 và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tại ở Mỹ.
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm, khi các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu giá trị, mặc dù mức tăng của cổ phiếu tăng trưởng đã hạn chế đà giảm của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,33% xuống 32.166,48 điểm, sau khi mở cửa tăng 0,75%. Chỉ số Topix mất 1,16% xuống 2.305,95 điểm.
"Các nhà đầu tư đã bán chốt lời cổ phiếu chu kỳ hoặc cổ phiếu giá trị khi họ chuẩn bị cho sự suy thoái kinh tế ở nhiều nơi trên toàn cầu", Ikuo Mitsui, nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities, cho biết.
"Có một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu chuyển mục tiêu sang các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu liên quan đến chip, do lo ngại việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Thị trường hôm nay phản ánh động thái đó", Mitsui nói thêm.
Phiên này, cổ phiếu các nhà máy lọc dầu mất 6,11% và là nhóm hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành. Chỉ số ngân hàng, một thước đo khác cho hiệu suất của các cổ phiếu giá trị, mất 4,75%.
Cổ phiếu Fast Retailing, một trong những cổ phiếu tăng trưởng đã nhích 1,22% và là cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 1,93%.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Mazda Motor tăng 10,39% sau khi nhà sản xuất ô tô này nâng dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm nhờ đồng yên suy yếu.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại về việc thắt chặt lãi suất toàn cầu, trong khi các công ty bất động sản tăng vọt sau báo cáo của Reuters về các biện pháp mới nhất của Trung Quốc để hỗ trợ lĩnh vực này.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,16% xuống 3.052,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,24% xuống 3.611,07 điểm.
Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Bảo hiểm Ping An nắm cổ phần kiểm soát tại Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất quốc gia, bốn người quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters. Tuy nhiên, Ping An đã phủ nhận thông tin.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, một ngày trước khi có báo cáo của chính phủ có thể cho thấy giá tiêu dùng và sản xuất ở Trung Quốc đã giảm vào tháng 10.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,58% xuống 17.568,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,78% xuống 6.039,91 điểm.
Đáng chú ý là cổ phiếu bất động sản Đại lục tăng 2,7%, với Cổ phiếu của Country Garden đóng cửa tăng 12%, trong khi Evergrande và Sunac tăng khoảng 30% mỗi cổ phiếu.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên, bị kéo lùi bởi các nhà sản xuất pin, trong bối cảnh thị trường biến động mạnh hơn do lệnh cấm bán khống mới được ban hành gần đây.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,34 điểm, tương đương 0,91% xuống 2.421,62 điểm.
Đã có sự biến động gia tăng trên thị trường kể từ khi chính phủ tái áp đặt lệnh cấm bán khống từ thứ Hai.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc hôm thứ Ba đã bảo vệ lệnh cấm bán khống, nhưng đã bị các nhà phân tích chỉ trích, những người nói rằng động thái này có thể làm tổn hại đến sức hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Các cổ phiếu pin tiếp tục giảm, với LG Energy Solution giảm 1,24%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation giảm lần lượt 3,43% và 3,81%.
Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 105,34 điểm (-0,33%), xuống 32.166,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,90 điểm (-0,16%), xuống 3.052,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 101,70 điểm (-0,58%), xuống 17.568,46 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 22,34 điểm (-0,91%), xuống 2.421,62 điểm.
Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 8,32 điểm (-0,11%), xuống 7.401,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 76,96 điểm (+0,51%), lên 15.229,60 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 47,93 điểm (+0,69%), lên 7.034,16 điểm.
Giá dầu tiếp tục giảm, do có ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng vọt gần 12 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/11, gấp gần 9 lần so với mức tồn kho của tuần trước đó.
Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,04 USD/thùng (-2,60%), xuống 75,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,07 USD/thùng (-2,5%), xuống 79,54 USD/thùng.