Trong khi một số ngân hàng trung ương thường bỏ qua sự biến động trên thị trường năng lượng thì ngân hàng trung ương Canada và Anh lại phát đi tín hiệu rằng sẽ cần phải giải quyết rủi ro lạm phát do giá dầu và khí đốt tăng cao.
Tiff Macklem, thống đốc Ngân hàng trung ương Canada cho biết, hậu quả của cú sốc giá năng lượng có thể khó kiểm soát hơn do làn sóng lạm phát gần đây.
“Khi đã ở trên mức mục tiêu lạm phát trong hai năm, kỳ vọng cũng cao hơn mục tiêu và các doanh nghiệp đang vượt qua chi phí đầu vào một cách nhanh chóng, chúng ta phải thận trọng hơn. Nếu như chi phí vận chuyển cao hơn… chuyển giá nhiên liệu cao hơn sang giá hàng hóa và dịch vụ khác, đó sẽ là dấu hiệu chúng ta còn nhiều việc phải làm”, ông cho biết.
Những lập luận này trái ngược với khẳng định trước đây của một số ngân hàng trung ương rằng giá năng lượng tăng chỉ có tác động tạm thời đến lạm phát.
Trong báo cáo triển vọng lạm phát được công bố vào tuần trước, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng liệt kê khu vực Trung Đông và giá năng lượng là một trong những rủi ro đối với sự ổn định giá cả. Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, thế giới đã trải qua “liên tiếp những cú sốc nguồn cung lớn mà không có khoảng cách giữa chúng”.
Nhưng Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lại có quan điểm khác sau khi ngân hàng quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng trước.
Bà cho biết, khu vực đồng euro ngày nay là "một nền kinh tế hoàn toàn khác", so với thời điểm giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái khi các nước EU ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga. Lãi suất cao hơn và nhu cầu yếu hơn trong thời gian này sẽ hạn chế mọi áp lực giá phát sinh từ Trung Đông.
Diễn biến giá dầu Brent |
ECB đã phân biệt giữa căng thẳng thị trường và một cú sốc nguồn cung toàn diện có vấn đề hơn, chẳng hạn như nếu Iran cố gắng đóng cửa eo biển Hormuz, là nơi vận chuyển 1/3 khí tự nhiên hóa lỏng và 1/4 dầu.
Một sự kiện lớn như thế này sẽ tương đồng với lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập đối với Mỹ năm 1973, khiến giá dầu thô tăng gấp bốn lần. Cho đến nay, giá dầu vẫn ở dưới mức giá vào ngày 7/10, ngày xảy ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng vọt gần như ngay lập tức làm tăng lạm phát. Nhưng ở những nền kinh tế có nhu cầu suy giảm, giá dầu và khí đốt đắt hơn cuối cùng có thể làm suy yếu áp lực giá cả do thu nhập và sản lượng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ở những nền kinh tế có nhu cầu cao, chi phí năng lượng cao hơn có thể lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế khi người lao động và các công ty tăng chi phí lao động và giá bán sản phẩm.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan ở Mỹ, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuần trước tỏ ra thoải mái trước áp lực của giá năng lượng. Ông cho rằng, đến nay, giá dầu toàn cầu chưa phản ứng quá đáng kể với cuộc xung đột và không rõ liệu nó có “tác động kinh tế đáng kể” hay không. Điều quan trọng nhất là liệu xung đột có mở rộng ra hay không.
Tuy nhiên, Michelle Bowman, một trong những thống đốc Fed diều hâu hơn trong tuần này đã cảnh báo về nguy cơ giá năng lượng cao hơn có thể “đảo ngược một số tiến bộ đã đạt được nhằm giảm lạm phát chung”.
Vào thời điểm hiện tại, thị trường không cho rằng xung đột ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến lãi suất toàn cầu.
Marcelo Carvalho, người đứng đầu bộ phận kinh tế toàn cầu tại BNP Paribas cho biết, ngân hàng dự kiến giá dầu Brent sẽ dao động ở mức khoảng 100 USD/thùng. Với mức giá đó, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ phải xem xét cú sốc tiềm năng có thể xảy ra. Chỉ trong một kịch bản bất lợi, khi giá dầu tăng lên mức 120 USD/thùng, các nhà hoạch định chính sách mới bắt đầu lo lắng.
“Nếu như đang nói về một cú sốc dầu mỏ cách đây một hoặc hai năm, khi mọi thứ trong nước thực sự nóng, lạm phát tăng cao, kỳ vọng vượt quá tầm kiểm soát, giá thực phẩm tăng, lãi suất rất thấp... điều đó sẽ đáng lo ngại hơn đối với các ngân hàng trung ương”, ông nói.