Chứng khoán Mỹ đêm qua chịu ảnh hưởng từ sự giằng co kéo dài trong các cuộc đàm phán của các nhà lập pháp tại Washington.
Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell hôm thứ Ba cho biết, các nhà lập pháp “vẫn đang tìm kiếm” con đường hướng tới thỏa thuận về gói viện trợ Covid-19, trong khi Hạ viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật tài trợ cho chính phủ thêm một tuần để có thêm thời gian đàm phán.
Mặt khác, nước Mỹ đang trải qua những ngày mùa đông tồi tệ. Bình quân hơn 200.000 người Mỹ xét nghiệm dương tính với Covid-19 mỗi ngày, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Mỹ đã chứng kiến có 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong 4 ngày, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên hơn 15 triệu ca.
Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo Cơ hội việc làm và Doanh thu lao động (JOLTS) do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư, tỷ lệ cơ hội việc làm tại Mỹ tăng nhẹ trong tháng 10, song tỷ lệ nhân viên bị sa thải lại tăng lên, cho thấy sự phục hồi lao động đang chậm lại.
Cụ thể, số lượng cơ hội việc làm đã tăng lên 6,65 triệu vào tháng 10 từ mức 6,49 triệu trong tháng trước. Trong khi đó, số lượng nhân viên bị sa thải tăng từ 243.000 lên 1,7 triệu, trong đó bao gồm 91.000 việc làm trong chính phủ liên bang, phần lớn là những nhân công được thuê tạm thời cho dự án Điều tra dân số năm 2020.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow Jones giảm 105,07 điểm (-0,35%), xuống 30.068,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,43 điểm (-0,79%), xuống 12.349,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 243,82 điểm (-1,94%), xuống 12.338,95 điểm.
Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Tâm lý thị trường đang ở trạng thái lạc quan xung quanh những bước tiến mới trong tiến trình tung ra vắc-xin Covid-19 và gói kích thích tài chính tại Mỹ.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng dồn sự chú ý hướng về các cuộc đàm phán xung quanh Brexit. Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc gặp với người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Brussels để ăn tối vào hôm 9/12, đây được coi là những nỗ lực cuối cùng để hai bên đạt được thỏa thuận.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, xuất khẩu của Đức trong tháng 10 tăng ở mức ít hơn so với dự kiến, song ngoại thương vẫn là yếu tố nâng đó nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào đầu quý IV khi nước này phải vật lộn để tránh rơi vào tình trạng suy thoái kép.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,87 điểm (+0,83%), lên 6.564,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 61,77 điểm (+0,47%), lên 13.340,26 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 13,85 điểm (-0,25%), xuống 5.546,82 điểm.
Chứng khoán châu Á phấn lớn diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.
Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trước tin tức mới xung quanh việc triển khai vắc-xin Covid-19 tại Anh, cùng với đó là kỳ vọng gói kích thích sắp tới của Mỹ sẽ tạo động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục ảm đảm khi nỗi ám ảnh về những căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục đeo bám tâm lý giới đầu tư.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 350,86 điểm (+1,33%), lên 26.817,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,21 điểm (-1,12%), xuống 3.371,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 198,28 điểm (+0,75%), lên 26.502,84 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 54,54 điểm (+2,02%), lên 2.755,47 điểm.
Giá vàng quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi giới đầu tư bắt đầu cân nhắc về triển vọng gói kích thích kinh tế mới từ Quốc hội Mỹ và chờ đợi xem, các nhà lập pháp có đạt được sự nhất trí đối với dự luật chi tiêu 1.400 tỷ USD hay không khi hạn chót 11/12 đã cận kề.
Kết thúc phiên 9/12, giá vàng giao ngay giảm 31,00 USD (-1,66%), xuống 1.839,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay giảm 36,40 USD (-1,94%), xuống 1.838,50 USD/ounce.
Giá dầu ít thay đổi trong phiên thứ Tư khi các nhà đầu tư cân nhắc trước sự tăng vọt bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ, bên cạnh những lạc quan xung quanh tiến trình triển khai vắc-xin Covid-19.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 15,2 triệu thùng lên 503,2 triệu thùng trong tuần trước, trong khi trước đó các nhà phân tích dự báo dự trũ sẽ giảm 1,4 triệu thùng.
Kết thúc phiên 9/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,3%), xuống 45,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 48,86 USD/thùng.