Giới đầu tư chán nản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/10) ảm đạm, kéo dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ ba liên tiếp.
Giới đầu tư chán nản

Chứng khoán Mỹ đang trong giai đoạn vật lộn với những lo ngại trước sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và hy vọng ngày càng mờ nhạt về bất kỳ biện pháp kích thích tài chính nào từ Quốc hội trước cuộc bầu cử tháng 11.

Tại châu Âu, làn sóng dịch bệnh thứ hai diễn biến tiêu cực khiến Pháp và Anh buộc phải áp đặt các lệnh giãn cách xã hội mới, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm hàng đêm ở các thành phố trên khắp đất nước.

Trong khi đó, tại Mỹ, giới đầu tư cũng đã nản lòng trước sự thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về gói kích thích kinh tế bổ sung.

Giữa lúc những buổi thảo luận bế tắc giữa ông Mnuchin và bà Pelosi vẫn được tiếp tục, Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhắc lại hôm thứ Năm (15/10) rằng, ông sẽ không đề xuất một gói kích thích lớn lên Thượng viện, cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cùng ngày, ông Trump cũng tuyên bố, ông sẵn sàng nâng đề xuất về giá trị gói cứu trợ theo đề nghị của phe Dân chủ, song ý tưởng này đã bị McConnell từ chối.

Hôm thứ Năm, ngân hàng cuối cùng trong số các ngân hàng lớn ở Phố Wall, Morgan Stanley MS, đã công bố lợi nhuận ròng quý thứ III đạt 2,72 tỷ USD, tổng doanh thu đạt 11,66 tỷ USD, lần lượt tăng 25,3% và 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Morgan Stanley được đưa ra sau Bank of America, JPMorgan Chase & Co., Citigroup và Wells Fargo & Co., hoàn thành một bức tranh hỗn độn về kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn trong quý vừa qua.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tuần qua đã tăng đột biến lên 898.000 người, thêm 53.000 người so với con số trong tuần trước. Mức tăng trên đã nâng số người thất nghiệp lên tương đương mức cuối tháng 8, và cao hơn so với tuần tệ nhất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2010.

Mặt khác, số liệu của các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực cho thấy sản xuất đang tiếp tục đà phục hồi sau khi bị tê liệt. Thăm dò của Fed New York cho thấy hoạt động sản xuất ở bang New York và nhiều nơi tại New Jersey và Connecticut đang tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất tăng với tốc độ nhanh nhất tại khu vực do Fed Philadelphia phụ trách khi chỉ số sản xuất tăng 17 điểm lên mức 32,3 trong tháng 10, cao hơn nhiều so với mức 13,5 điểm được kỳ vọng trước đó.

Cuối ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kaskari sẽ có bài phát biểu về triển vọng kinh tế của Mỹ tại trường Đại học New York.

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ cùng tham gia các phiên hỏi đáp riêng rẽ với cử tri do hai hãng tin NBC và ABC tổ chức đúng vào 20h ngày 15/10, vốn là thời điểm diễn ra cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên Tổng thống song đã bị hủy bỏ.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones giảm 19,80 điểm (-0,007%), xuống 28.494,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,33 điểm (-0,15%) xuống 3.483,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 64,86 điểm (-0,47%), xuống 11.713,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên lao dốc trong bối cảnh đại dịch quay trở lại một cách mạnh mẽ trên khắp lục địa, bên cạnh những hy vọng về các biện pháp kích thích tài khóa tại Mỹ phai nhạt dần.

Thị trường chứng khoán châu Âu đang trên đà phục hồi từ vùng đáy tháng 3 nhờ một loạt các biện pháp kích thích tài chính, nhưng tâm lý giới đầu tư gần đây đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng dịch bệnh thứ hai cũng như các dấu hiệu cho thấy kinh tế phục hồi chậm lại.

Ngoài ra, thị trường đang tìm kiếm các dấu hiệu tiến triển trong thỏa thuận thương mại Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 102,54 điểm (-1,73%), xuống 5.832,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 324,31 điểm (-2,49%), xuống 12.703,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 104,24 điểm (-2,14%) xuống 4.837,42 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng bị bao trùm bởi sắc đỏ. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc khi hy vọng dần tan về một đợt kích thích tài khóa mới của Mỹ sẽ được tung ra sớm, cùng tâm lý chán nản về một đợt sóng lây nhiễm Covid-19 mới châu Âu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu cho tiêu dùng yếu đi trong tháng 9, nhấn mạnh những thách thức dai dẳng đối với nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 119,50 điểm (-0,51%), xuống 23.507,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,60 điểm (-0,26%), xuống 3.332,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 508,55 điểm (-2,06%), xuống 24.158,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 19,27 điểm (-0,81%), xuống 2.361,21 điểm.

Giá vàng tiếp tục phục hồi, song bị hạn chế một phần bởi sự mạnh lên của chỉ số đồng USD. Thị trường chứng khoán đang trở nên hỗn loạn hơn trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn trong vòng chưa đầy ba tuần nữa khiến dòng tiền lại đang tìm tới tài sản trú ẩn an toàn.

Kết thúc phiên 15/10, giá vàng giao ngay tăng 8,40 USD (+0,43%), lên 1.909,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,60 USD (+0,08%), lên 1.908,90 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm nhẹ trong phiên 15/10 khi các hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan đại dịch Covid-19 tại các quốc gia châu ÂU làm mờ triển vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.

Cùng ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo, nhu cầu xăng dầu tại Mỹ tăng vào tuần trước giúp giảm lượng dự trữ dầu thô, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm mạnh nhất kể từ năm 2003 do cơn bão Delta khiến các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng dầu và đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở bờ Vịnh Mexico vào cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 15/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,2%), xuống 40,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,18 USD (-0,4%), xuống 43,16 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục