Phố Wall tìm kiếm những tia hy vọng cuối cùng tại Washington, nơi Chính phủ và Quốc hội Mỹ đang chật vật để tìm được nói chung về gói kích thích kinh tế nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng đại dịch.
Thế những, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm thứ Tư cho biết, thỏa thuận về gói viện trợ nhiều khả năng không thể đạt được trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Đồng thời ông Mnuchin kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từ bỏ cách tiếp cận “hoặc là có tất cả hoặc là không có gì” của bà đối với các cuộc đàm phán về gói cứu trợ.
Tâm lý mong manh của thị trường càng bị đè nặng sau khi đã hoảng loạn trước loạt báo cáo tài chính quý III/2020 hỗn độn của các ngân hàng lớn trên Phố Wall.
Quý III/2020, Bank of America báo cáo tổng doanh thu đạt 20,34 tỷ USD, thấp hơn con số ước tính 20,8 tỷ USD và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lợi nhuận đạt 10,13 tỷ USD, giảm 17%.
Ngược lại, Goldman Sach lại báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi. Ngân hàng này báo cáo lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 3,48 tỷ USD, tổng doanh thu tăng 29,5% đạt 10,78 tỷ USD.
Ngoài ra, lo ngại về việc đại dịch lan rộng vào mùa thu và mùa đông ở Bắc bán cầu đang tăng lên.
Paris và 8 thành phố khác của Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm mới vào hôm thứ Tư nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, trong khi các thành phố châu Âu khác cũng đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tại Mỹ, các ca nhiễm mới gia tăng đột biến khiến các bệnh viện vùng Trung Tây và Tây Mỹ lâm vào tình trạng quá tải.
Thị trường tiếp lục lo lắng sau khi chỉ trong một ngày, hai cuộc thử nghiệm của hai hãng dược là Eli Lilly và Johnson & Johnson đều bị tạm dừng.
Eli Liiy đang thử nghiệm phương pháp điều trị bằng kháng thể, trong khi Johnson & Johnson đang thử nghiệm vắc-xin.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 165,81 điểm (-0,57%), xuống 28.514,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,26 điểm (-0,66%) xuống 3.488,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 95,17 điểm (-0,80%), xuống 11.768,73 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch ngày thứ Tư ảm đạm trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai tiếp tục diễn biến phức tạp khiến thị trường lo lắng về một đợt đóng cửa kinh tế dài hơi hơn. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường càng thêm tiêu cực với sự không chắc chắn về thỏa thuận thương mại Brexit.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,65 điểm (-0,58%), xuống 5.935,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,07 điểm (+0,07%), lên 13.028,06 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 5,94 điểm (-0,12%) xuống 4.941,66 điểm.
Không khí ảm đạm cũng bao trùm thị trường chứng khoán châu Á phiên giữa tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhưng tâm lý thị trường bị chùng xuống do ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực trên phố Wall. Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm khi nhóm cổ phiếu bất động sản đi xuống và áp lực chốt lời cổ phiếu nông nghiệp sau khi tăng mạnh gần đây.
Chứng khoán Hồng Kông mở cửa giảm điểm khá nhanh nhưng đã hồi nhẹ về cuối phiên, khi nhóm cổ phiếu công nghệ đứng vững sau bài phát biểu tại Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần 3 tuần khi một số thử nghiệm vắc xin Covid-19 bị tạm dừng và kỳ vọng về một gói cứu trợ khác của Mỹ phai nhạt.
Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,95 điểm (+0,11%), lên 23.626,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,97 điểm (-0,56%), xuống 3.340,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 17,41 điểm (+0,07%), lên 24.667,09 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,67 điểm (-0,94%), xuống 2.380,48 điểm.
Giá vàng phục hồi nhẹ sau khi giảm mạnh phiên hôm trước, trong bối cảnh đồng USD yếu đi và dòng tiền tìm về với tài sản trú ẩn an toàn trước những biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay tăng 9,50 USD (+0,48%), lên 1.901,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 12,80 USD (+0,68%), lên 1.907,30 USD/ounce.
Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Tư. Mặc dù, thị trường lo ngại nhu cầu nhiên liệu sẽ sụt giảm do làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát, song việc OPEC và các đồng minh tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu vào tháng 9 đã củng cố tâm lý giới đầu tư.
Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần gần nhất. Các nhà phân tích hy vọng dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) sẽ xác nhận kết quả này với một báo cáo chi tiết vào thứ Năm.
Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,84 USD (+2,09%), lên 41,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,87 USD (+2,05%), lên 43,32 USD/thùng.