Liên tiếp nhận tin tiêu cực, giới đầu tư hoảng loạn thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay lại đà bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/10), chặt đứt mạch 4 phiên tăng liên tiếp khi thị trường phải đón nhận những tin tức tiêu cực liên tiếp.
Liên tiếp nhận tin tiêu cực, giới đầu tư hoảng loạn thoát hàng

Chứng khoán Mỹ ngày 13/10 chứng kiến ​​những dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm nước này đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình theo đuổi phương pháp điều trị Covid-19.

“Gã khổng lồ” dược phẩm Johnson & Johnson thông báo buộc phải tạm dừng tất cả các thử nghiệm vắc xin Covid-19 của mình do một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Cuối ngày, thử nghiệm lâm sàng cho một phương pháp điều trị kháng thể virus corona do hãng dược Eli Lilly thực hiện cũng đã bị tạm dừng vì “mối lo ngại tiềm ẩn về an toàn”.

Mặc khác, hy vọng về việc thông qua gói kích thích mới đã tan thành mây khói khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi một lần nữa từ chối đề xuất 1.800 tỷ USD từ Nhà Trắng. Bà Nancy cho rằng, con số này “thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu” trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái sâu. Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, Thượng viện sẽ bỏ phiếu về một gói kích thích quy mô nhỏ hơn và có mục tiêu rõ ràng vào thứ Hai tuần tới (19/10).

Trong khi đó, các bệnh viện ở một số vùng tại Mỹ đang chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng bệnh nhân Covid-19 trước mùa cúm. Theo báo cáo từ cơ quan chức trách, số ca nhập viện ở Mỹ ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 2/9 .

Những tin tức tiêu cực liên tiếp làm lu mờ dữ liệu kinh tế lạc quan. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 9 tăng 0,2%, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 5, cho thấy cú sốc từ đại dịch đối với giá hàng hóa và dịch vụ đang bắt đầu giảm dần, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ. Phần lớn mức tăng là do giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng mạnh nhất trong 51 năm.

Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 9 tăng 13,2%, sau khi giảm 2,1% vào tháng 8. Đây là mức tăng mạnh nhất của kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,3%.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones giảm 157,71 điểm (-0,55%), xuống 28.679,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,29 điểm (-0,63%) xuống 3.511,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 12,36 điểm (-0,10%), xuống 11.863,90 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào phiên ngày thứ Ba trước tin tức tạm dừng thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 của Johnson & Johnson. Tâm lý tiêu cực bao trùm giới đầu tư bởi bộ ba yếu tố đại dịch, Brexit và bầu cử Mỹ "lộn xộn".

Ngoài ra, tại Anh, Văn phòng thống kê quốc gia (ONS) hôm 13/10 báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong giai đoạn từ tháng 6 - 8/2020 tăng lên 4,5%, mức cao nhất trong hơn ba năm qua.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 31,67 điểm (-0,53%), xuống 5.969,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 119,42 điểm (-0,91%), xuống 13.018,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 31,68 điểm (-0,64%) xuống 4.947,61 điểm.

Chứng khoán Châu Á giao dịch ảm đạm phiên ngày hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ khi tâm lý giới đầu tư được cải thiện bởi đà tăng của các chỉ số tương lai phố Wall.

Chứng khoán Trung Quốc đã đảo ngược mức giảm từ sớm để đóng cửa tăng nhẹ khi tâm lý được nâng lên nhờ các hoạt động thương mại trong nước mạnh mẽ. Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp 8 phiên trước đó, khi nhận tin số ca nhiễm Covid-19 bất ngờ tăng vọt lên 3 con số, lần đầu tiên trong 6 ngày,

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 43,09 điểm (+0,18%), lên 23.601,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,28 điểm (+0,04%), lên 3.359,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,58 điểm (-0,02%), xuống 2.403,15 điểm.

Giá vàng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi phải chịu áp lực từ mức tăng vững chắc của chỉ số đồng USD Mỹ.

Kết thúc phiên 13/10, giá vàng giao ngay giảm 30,20 USD (-1,57%), xuống 1.891,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,40 USD -1,78%), lên 1.889,30 USD/ounce.

Hưởng lợi từ dữ liệu đầy hứa hẹn từ nền kinh tế Trung Quốc, giá dầu có phiên khởi sắc. Thị trường kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi chậm lại do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra cùng ngày đã cản trở giá dầu tăng mạnh hơn.

Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,81 USD (+2,05%), lên 40,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+175%), lên 42,45 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục