Giới đầu tư bất ngờ nhận tin vui

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và Brexit giúp chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua.
Ảnh AFP

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần, giới đầu tư nhận thông tin không tích cực về kinh tế Mỹ khi sản lượng sản xuất của Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 2 và hoạt động của nhà máy ở bang New York yếu hơn dự kiến trong tháng này. Đây là bằng chứng rõ ràng hơn về sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế trong quý I của Mỹ.

Tuy nhiên, thông tin kém tích cực trên không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý nhà đầu tư khi họ nhận được thông tin tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết, Washington và Bắc Kinh đang đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại, tạo niềm tin cho nhà đầu tư sau khi có tin rằng một hội nghị thượng đỉnh nhằm ký kết thỏa thuận giữa hai bên sẽ không xảy ra vào cuối tháng 3.

Sau thông tin này, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh, kéo phố Wall tăng điểm trong phiên cuối tuần.

Bên cạnh đó, với dữ liệu kinh tế yếu kém càng củng cố khả năng Fed sẽ có tiếp cận thận trọng về việc tăng lãi suất của mình, qua đó cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Dow Jones tăng 138,93 điểm (+0,54%), lên 25.848,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tămg 14,00 điểm (+0,50%), lên 2.822,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,62 điểm (+0,76%), lên 7.688,53 điểm.

Sau tuần giảm mạnh trước đó, phố Wall đã phục hồi đồng loạt trở lại trong tuần vừa qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,57%, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp, chỉ số S&P 500 tăng 2,89%, lấy hết cả vốn lẫn lãi đã mất trong tuần trước đó, Nasdaq cũng tăng mạnh 3,78% sau khi mất 2,46% trong tuần trước đó.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh cuối tuần lên mức cao nhất 5 tháng sau những thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung và việc các nhà lập pháp Anh bỏ phiếu tiếp tục trì hoãn Brexit để tránh một cuộc ly hôn không thỏa thuận với EU.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,85 điểm (+0,60%), lên 7.228,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 98,22 điểm (+0,85%), lên 11.685,69 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 55,55 điểm (+1,04%), lên 5.405,32 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng mạnh trở lại sau tuần giảm đồng loạt trước đó. Trong đó, chỉ số FTSE tăng 1,74% sau 3 tuần giảm liên tiếp, chỉ số DAX tăng 1,99% sau khi điều chỉnh 1,24% tuần trước đó, còn chỉ số CAC 40 tăng mạnh 3,33% sau khi để mất 0,65% tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố các biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư, giúp các thị trường trong khu vực hồi phục trong phiên cuối tuần qua, trong đó chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng hơn 1%.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 163,83 điểm (+0,77%), lên 21.450,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,07 điểm (+1,04%), lên 3.021,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 160,87 điểm (+0,56%), lên 29.012,26 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,02% sau khi điều chỉnh 2,67% tuần trước đó, chỉ số Hang Seng hồi phục 2,78% sau 2 tuần giảm liên tiếp và chỉ số Shanghai Composite lấy lại đà tăng 1,75% sau khi điều chỉnh 2,03% trong tuần trước đó.

Trên thị trường vàng, dù chứng khoán tăng mạnh, nhưng với dữ liệu kinh tế yếu kém, khả năng Fed không tăng lãi suất và đồng USD có tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2018 đã giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 15/3, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD (+0,50%), lên 1.302,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,8 USD (+0,60%), lên 1.302,9 USD/ounce.

Phiên tăng mạnh cuối tuần đã lấy lại hết những gì đã mất trước đó, giúp giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng tương đương tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,35%, giá vàng tương lai tăng 0,33%.

Với những tín hiệu kém tích cực của kinh tế, cùng với việc đồng USD giảm, phân tích và nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn rất lạc quan với đà tăng của giá kim loại quý này, nhưng không còn lớn như tuần trước.

Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, chỉ có 9 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 64%, thấp hơn nhiều so với con số 86% của tuần trước; có 4 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 29%, cao hơn so nhiều so với con số 7% của tuần trước và 1 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 7%.

Tương tự, trong 484 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 270 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 56%, cao hơn so với con số 51% của tuần trước; 135 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 28%, thấp hơn so con số 33% của tuần trước và 79 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 16%.

Trên thị trường dầu mỏ, việc Ả Rập Xê út cho biết OPEC có thể kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến hết năm 2019 đã giúp giá dầu thô tăng mạnh lên mức cao nhất năm. Tuy nhiên, giá loại nhiên liệu này sau đó đã hạ nhiệt và đóng cửa giảm nhẹ sau dữ liệu kinh tế yếu kém, làm lo ngại ảnh hưởng đến sức cầu.

Kết thúc phiên 15/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,09 USD (-0,15%), xuống 58,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,10%), xuống 67,16 USD/thùng.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với đà tăng mạnh hơn nhiều tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 4,37% và giá dầu thô Brent tăng 2,16%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục