Sau phiên hoảng loạn hôm thứ Ba do lo ngại cuộc khủng hoảng tại Italia sẽ lan rộng ra khu vực đồng euro, giới đầu tư phố Wall bất ngờ bình tâm trở lại trong phiên thứ Tư khi đặt niềm tin vào đợt bầu cử lại của quốc gia hình chiếc ủng này.
Ngoài ra, việc giá dầu thô hồi phục mạnh kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh theo cũng hỗ trợ tích cực để phố Wall lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/5.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ số Dow Jones tăng 306,33 điểm (+1,26%), lên 24.667,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,15 điểm (+1,27%), lên 2.724,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 65,86 điểm (+0,89%), lên 7.462,45 điểm.
Tương tự phố Wall, sau phiên bán tháo hôm thứ Ba do lo ngại cuộc khủng hoảng tại Italia sẽ lan rộng, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư bình tâm trở lại trước cuộc bầu cử lại tại quốc gia này. Trong đó, chứng khoán Đức tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ từ Bayer khi hãng này được Mỹ cho phép tiếp cận để mua Monsanto, tạo ra cho đến nay là nhà sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chứng khoán Pháp vẫn chưa thể hồi phục do đà giảm mạnh của Vivendi khi công ty con của tập đoàn này là Canal+ chưa có được bản quyền World Cup 2018.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 56,93 điểm (+0,75%), lên 7.689,57 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 117,25 điểm (+0,93%), lên 12.783,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,70 điểm (-0,20%), xuống 5.427,35 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại cuộc khủng hoảng tại Italia lan rộng ra khắp khu vực đồng euro khiến các thị trường chính trong khu vực châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần, chứng khoán xuống mức thấp nhất 3 tuần, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên giảm mạnh nhất hơn 2 tháng.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 339,91 điểm (-1,52%), xuống 22.018,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 427,79 điểm (-1,40%), xuống 30.056,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 79,02 điểm (-2,53%), xuống 3.041,44 điểm.
Trong phiên thứ Tư, với nỗi lo Italia được dẹp sang một bên, giá vàng lình xình theo xu hướng giảm trong suốt phiên châu Âu, nhưng bất hồi phục trở lại khi bước sang phiên Mỹ và đóng cửa tăng nhẹ nhờ đồng USD đảo chiều giảm mạnh sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 30/5, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,19%), lên 1.300,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 2,5 USD/ounce (+0,19%), lên 1.301,5 USD/ounce.
Sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp do thông tin Nga và Ả Rập Xê út sẽ bàn về việc tăng sản lượng trong tháng 6 này, giá dầu thô đã hồi phục mạnh trong phiên thứ Tư khi Ngân hàng Trung ương Nga bày tỏ thận trọng về kế hoạch tăng nguồn cung. Trong khi đó, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra cho thấy, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 1 triệu thùng so với mức dự báo là giảm 525.000 thùng.
Kết thúc phiên 30/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,48 USD (+2,17%), lên 68,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,11 USD (+2,72%), lên 77,50 USD/thùng.