Việc đồng USD tăng lên mức cao nhất hơn 1 năm đã tác động đến các thị trường hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. Dầu tiếp tục chuỗi ngày giảm giá của mình và qua đó tác động đến nhóm cổ phiếu năng lượng.
Nhóm cổ phiếu năng lượng có nhiều phiên giảm mạnh cùng giá dầu và phiên giao dịch đầu tuần mới (8/9) cũng không phải là ngoại lệ. Chính sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu này đã ảnh hưởng tới Dow Jones và S&P 500, khiến cả 2 chỉ số này quay đầu giảm điểm sau phiên tăng cuối tuần trước, trong đó S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới. Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Yahoo với thông tin Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc do Yahoo nắm giữ 22,4% cổ phần sắp IPO với mức giá dự kiến khá cao.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Dow Jones giảm 25,94 điểm (-0,15%), xuống 17.111,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,17 điểm (-0,31%), xuống 2.001,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,39 điểm (+0,20%), lên 4.592,29 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Scotland tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Vương quốc Anh đã khiến đồng bảng Anh giảm giá mạnh so với đồng USD và tác động lên cả thị trường chứng khoán. Chứng khoán Pháp cũng có phiên điều chỉnh nhẹ sau tuần tăng mạnh trước đó, trong khi chức khoán Đức vẫn có vẻ hưởng lợi từ lệnh ngừng bắn ở Ukraine, dù lệnh ngừng bắn này đang rất “lung lay”.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, dù các bên đã đạt được lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, nhưng rủi ro và lo ngại vẫn chưa thoát hoàn toàn khỏi tâm trí nhà đầu tư. Ngoài lệnh ngừng bắn đang bị lung lay, việc phương Tây tăng thêm các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga bất chấp lệnh ngừng bắn cũng khiến mâu thuẫn Đông - Tây chưa thể giảm.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,33 điểm (-0,30%), xuống 6.834,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 11,01 điểm (+0,11%), lên 9.758,03 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 11,56 điểm (-0,26%), xuống 4.474,93 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới khi đồng USD tăng mạnh so với đồng yên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản và cả nền kinh tế vốn dựa nhiều với xuất khẩu này. Bên cạnh đó, việc thị trường lao động Mỹ yếu hơn dự kiến sẽ khiến FED chưa sớm vội tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến tâm lý tích cực của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Do đó, dù GDP của Nhật Bản được công bố giảm 7,1% trong quý II, thấp hơn rất nhiều so với mức công bố ban đầu, cũng không mấy ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8 với 49,8 tỷ USD, cao hơn kỳ vọng thị trường. Trong đó, xuất khẩu tăng 9,2% cùng kỳ, còn nhập khẩu giảm 2,4%. Chính nhờ các nguyên liệu như dầu giảm giá đã đóng góp đáng kể cho thặng dư thương mại của Trung Quốc, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 36,43 điểm (+0,23%), lên 15.705,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 49,70 điểm (-0,20%), xuống 25.190,45 điểm. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ lễ.
Trong khi đồng USD tăng giá mạnh hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Nhật Bản, thì việc này lại khiến các hàng hóa được định giá vàng đồng bạc xanh như vàng và dầu giảm mạnh.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch châu Á, Âu đầu tuần mới, giá vàng đã có xu hướng đi xuống và khi bước vào phiên Mỹ, giá kim loại quý này thực sự lao dốc và đóng cửa ở mức thấp nhất trong 3 tháng.
Việc đồng USD tăng giá, trong khi thứ Hai không có dữ liệu kinh tế Mỹ nào quan trọng được công bố khiến vàng chịu áp lực bán kỹ thuật.
Kết thúc phiên 8/9, giá vàng giao ngay giảm 12,90 USD (-1,02%), xuống 1.255,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 13 USD (-1,03%), xuống 1.254,3 USD/ounce.
Tương tự như giá vàng, giá dầu cũng có phiên giảm điểm ngay ngày đầu tuần mới. Giá nhiên liệu này đã chịu áp lực giảm mạnh từ tuần trước khi nhu cầu yếu và đồng USD tăng giá. Trong tuần trước, giá dầu đã giảm gần 3%.
Kết thúc phiên 8/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,63 USD (-0,68%), xuống 92,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,62 USD (-0,62%), xuống 100,20 USD/thùng.