Chứng khoán ngập ngừng, vàng, dầu “bốc hơi”

(ĐTCK) Dù nhận được thông tin kinh tế tích cực tác động, nhưng phố Wall kết thúc trái chiều trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng của cổ phiếu năng lượng. Trong khi đó, việc đồng USD bay cao đã khiến giá vàng và dầu “bốc hơi” trong phiên giao dịch thứ Ba.
Bị cổ phiếu năng lượng níu, phố Wall không thể tăng điểm dù nhận được thông tin tích cực - Ảnh: Reuters Bị cổ phiếu năng lượng níu, phố Wall không thể tăng điểm dù nhận được thông tin tích cực - Ảnh: Reuters
Phố Wall bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới sau 1 ngày nghỉ lễ lao động với thông tin tích cực. Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 8 tăng lên mức 59, mức cao nhất 3 năm rưỡi, trong khi chi tiêu xây dựng cũng tăng mạnh trở lại trong tháng 7, lên mức cao nhất 5 năm rưỡi.

Thông tin này giúp đồng USD tăng giá mạnh so với rổ tiền tệ chung. Đồng bạc xanh leo lên mức cao nhất gần 14 tháng, lên mức 83,039.

Dù nhận được thông tin kinh tế khả quan, nhưng phố Wall lại không thể bứt phá tăng điểm, mà lại lình xình quanh tham chiếu, trong đó, Dow Jones và S&P 500 còn giảm nhẹ. Nguyên nhân chính khiến phố Wall ngập ngừng dù có thông tin tốt hỗ trợ chính là do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng. Cổ phiếu năng lượng giảm mạnh theo đà lao dốc của giá dầu trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Dow Jones giảm 30,89 điểm (-0,18%), xuống 17.067,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,09 điểm (-0,05%), xuống 2.002,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,92 điểm (+0,39%), lên 4.598,19 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần khi giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào chính sách tiền tệ sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đa số nhà đầu tư kỳ vọng, ECB sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trong cuộc họp tuần này để vực dậy nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn và có nguy cơ đối mặt với giảm phát.

Chính niềm tin này giúp giới đầu tư châu Âu bở qua lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà phần thắng hiện đang nghiêng về phía quân ly khai thân Nga.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,86 điểm (+0,06%), lên 6.829,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 27,99 điểm (+0,30%), lên 9.507,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,89 điểm (+0,11%), lên 4.384,62 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 7 tháng khi đồng USD tăng mạnh so với đồng yên, hỗ trợ cho nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 192,00 điểm (+1,24%), lên 15.668,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 3,07 điểm (-0,01%), xuống 24.749,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 30,54 điểm (+1,37%), lên 2.266,05 điểm.

Trong khi đó, bở qua những căng thẳng địa chính trị và xung đột, giá vàng lại lao dốc không phanh trong phiên giao dịch thứ Ba, xuống mức thấp nhất 10 tuần khi đồng USD leo lên mức cao nhất 14 tháng. Cùng với đó, dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ cũng “lấy đi” ít nhiều vai trò trú ẩn an toàn của vàng, góp phần đẩy giá kim loại quý này “bốc hơi” trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/9, giá vàng giao ngay giảm 21,40 USD (-1,66%), xuống 1.265,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 22,4 USD (-1,74%), xuống 1.265,0 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc và châu Âu, đẩy giá dầu thô Brent xuống mức thấp nhất kể từ 31/5/2013, trong khi nguồn cung dầu có dấu hiệu tăng khiến giá dầu thô của Mỹ cũng lao dốc, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2014.

Dù có phiên lao dốc mạnh ngày 2/9, nhưng giới phân tích cho rằng, đây không phải là dấu hiệu cảnh báo đợt suy giảm của giá dầu, mà chẳng qua là sự điều chỉnh của giá nhiên liệu này sau chuỗi ngày tăng mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 2/9, giá dầu thô Mỹ giảm 3,08 USD (-3,32%), xuống 92,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,85 USD (-2,84%), xuống 100,34 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục