“Con số này dễ gây sốc, nhưng thực tế, có không ít doanh nghiệp huy động lãi suất thực tế cao hơn”, giám đốc IB một công ty chứng khoán nằm trong nhóm những công ty chứng khoán làm trái phiếu lớn nhất hiện nay ở Việt Nam chia sẻ.
Theo đó, thông thường, cách các doanh nghiệp làm là đưa ra một mức trần chi phí mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được, để phía đối tác huy động vốn tự đưa ra cấu trúc. Ví dụ, doanh nghiệp chấp nhận mức trần lãi suất 13%/năm, nhưng coupon công bố đôi khi chỉ chưa đến 10%, phần còn lại sẽ nằm ở mức phí thu xếp, phí bảo lãnh, phí quản lý tài sản, lưu ký. Ngược lại, có trường hợp công bố coupon 12%, nhưng chi phí lãi vay thực tế phần vốn có khi chỉ 12,5%/năm.
Hiện nay, trái phiếu được phát hành chủ yếu liên quan đến ngân hàng, nhất là các nhóm ngân hàng có công ty chứng khoán. Những người làm trái phiếu cho biết, tùy theo đặc thù ngân hàng và mối quan hệ mẹ - con, các doanh nghiệp trong cùng hệ thống, coupon trái phiếu và các loại phí sẽ khác nhau. Ðó là lý do nếu chỉ nhìn vào mức lãi suất công bố, không có cách nào thấy được mức chi phí thực của doanh nghiệp.
2 năm trước trên TTCK, báo cáo tài chính của 1 doanh nghiệp niêm yết cho biết, công ty này đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất 10%/năm trong năm đầu tiên, cộng biên 4% cho các năm tiếp theo. Thế nhưng, mức chi phí phát hành trái phiếu được phản ánh trên báo cáo tài chính là gần 9 tỷ đồng (bao gồm phí thu xếp, phí định giá tài sản đảm bảo…), tương đương 18%, ngoài ra còn có phí quản lý trái phiếu là 1%/năm.
Ở trường hợp khác, một doanh nghiệp công bố mức lãi vay 8% bằng USD, nhưng riêng phí thẩm định tài sản đảm bảo (từ doanh nghiệp do phía cho vay chỉ định) lên tới 1,5 triệu USD cho khoản vay 50 triệu USD, kỳ hạn 18 tháng!
Có nhiều ý kiến từng đưa ra về việc với mức lãi suất cao như vậy, vì sao doanh nghiệp vẫn phải lựa chọn vay trái phiếu thay vì vay vốn ngân hàng? Câu hỏi quan trọng hơn: doanh nghiệp sẽ làm gì để sinh lợi trên dòng vốn vay lãi suất cao? Thế nhưng, có đặt trong tình cảnh của doanh nghiệp đi vay mới hiểu, vay vốn ngân hàng cũng không hề đơn giản, ngay cả với những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo.
Báo cáo phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp mới đây cho thấy, để được nhận vốn vay qua trái phiếu phát hành cho ngân hàng, họ phải bảo đảm bằng tài sản với giá trị gấp nhiều lần vốn vay trái phiếu, thậm chí thêm cả 100% vốn góp của các cổ đông tại công ty. Những doanh nghiệp phát hành thuận lợi hàng nghìn tỷ đồng chỉ cho 1 - 2 đối tác là “doanh nghiệp A, B” mà không cần tài sản đảm bảo chỉ có thể là những mối quan hệ đặc biệt.
Ðể có vốn cho sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có 3 con đường. Vay qua phát hành trái phiếu với sự hỗ trợ của hệ thống trung gian tài chính; vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu cho chính ngân hàng. Những mức lãi suất được công bố ra thị trường chỉ thể hiện một phần chi phí. Trong sự kém minh bạch của thị trường trái phiếu hiện tại, không chủ thể nào có đủ thông tin về chi phí thực vay của các doanh nghiệp, nhưng lãi suất cao dần là điểm dễ thấy. Từ đây nảy sinh ra câu hỏi về tính bền vững trong tăng trưởng của các doanh nghiệp nếu hiện trạng này tiếp tục diễn ra.