Trong lần đầu xem xét lại toàn diện tình hình kể từ khi đồng ý gói cứu trợ khẩn cấp 17 tỷ USD hồi tháng 4, IMF đã cảnh báo về 2 rủi ro chính là xung đột leo thang ở miền đông và việc cắt nguồn cung khí đốt của Nga.
Nếu giao tranh tiếp diễn ở đông Ukraine với cùng mức độ như hiện tại qua năm sau, IMF cho biết thêm, Ukraine sẽ cần một gói cứu trợ bổ sung trị giá 19 tỷ USD để hỗ trợ cho kho dự trữ ngoại hối của nước này.
“Tôi e rằng, điều này sẽ trở thành tình thế cơ bản đối với IMF. Chương trình ban đầu của Quỹ được xây dựng dựa trên những giả định hoàn toàn không thực tế”, Tim Ash, nhà kinh tế của Standard Bank, viết trong một lưu ý gửi khách hàng. “Câu hỏi lớn mà các nhà đầu tư đặt ra là khi nào, chứ không phải là nếu, Ukraine bị buộc phải tái cấu trúc tỷ lệ nợ của mình”.
IMF nói rằng, Kiev đã duy trì được hầu hết các điều kiện để được cứu trợ, tính đến nay, và đã được chấp nhận giải ngân thêm 1,7 tỷ USD trong tuần qua. Quỹ cũng cho biết thêm, đợt giải ngân tới sẽ là khoảng 2,7 tỷ USD, vào trung tuần tháng 12, nếu các điều kiện được đáp ứng.
Theo IMF, Kiev đang đối diện với mức thâm hụt ngân sách khoảng 1,1 tỷ USD trong 12 tháng tới. Nhưng Quỹ cảnh báo rằng, tình hình đang trở nên tồi tệ ở các khu vực Donetsk và Lugansk - chiếm tổng cộng 1/6 sản lượng của Ukraine - sẽ dẫn đến suy thoái sâu hơn so với dự đoán trước đây.
Với giả định xung đột sẽ dịu đi trong những tháng tới, IMF dự đoán nền kinh tế Ukraine sẽ thu hẹp 6,5% trong năm nay, so với mức 5% trước đó. Tăng trưởng trong năm tới có thể chỉ đạt 1%, giảm so với mức 2% dự báo trước đó.
Tuy nhiên, nếu giao tranh kéo dài đến hết năm nay và sang năm 2015, nền kinh tế này sẽ suy giảm 7,4% trong năm nay và giảm thêm 4,2% trong năm tới.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, thời điểm IMF đồng ý về gói cứu trợ là nó được dựa trên những giả định lạc quan nhất, với việc các lãnh đạo chính trị phương Tây nóng lòng muốn hỗ trợ chính phủ mới ở Kiev. Nhưng quỹ này thừa nhận rằng, Ukraine giờ đây đã đối diện với “căng thẳng địa chính trị lên cao và khủng hoảng kinh tế trầm trọng”.
“Xung đột gia tăng ở miền đông và tranh cãi leo thang về vấn đề khí đốt với Gazprom, hai rủi ro chính ở thời điểm gói cứu trợ được yêu cầu, đã xảy ra trên thực tế”, IMF cho biết thêm. Những điều này ảnh hưởng đến “niềm tin, cán cân thanh toán, các hoạt động kinh tế và tình hình ngân sách” của Ukraine, và đã dẫn đến hiện tượng rút tiền gửi ồ ạt hơn, cũng như đồng tiền mất giá mạnh hơn.
“Chương trình cứu trợ phụ thuộc chủ yếu vào giả định rằng, xung đột sẽ bắt đầu lắng dịu trong những tháng tới”, IMF nói. Nếu giao tranh tiếp diễn, tấm đệm mỏng của Ukraine về dự trữ ngoại hối và biên khả năng trả nợ sẽ “nhanh chóng cạn kiệt, đòi hỏi một chiến dịch mới, trong đó có gói cứu trợ bổ sung từ bên ngoài”.
IMF nói rằng, các lãnh đạo mới của Ukraine và chính phủ nước này, kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị trục xuất hồi tháng 2, đã cho thấy những cam kết thẳng thắn về thực hiện cải cách, và Kiev đã cố gắng theo đuổi lộ trình cải cách, không bị rối trí bởi tình hình xung đột ở miền đông.
Nhưng Quỹ cũng nói rằng, 2 khu vực viễn đông Ukraine đó đang cho thấy sự suy giảm các hoạt động kinh tế sâu hơn so với miền Tây, với GDP miền Đông dự kiến sẽ giảm 15 - 20% trong năm nay.
Tuy nhiên, Kiev đã nhận được sự động viên hôm thứ Ba, khi Slovakia đồng ý mở một đường ông dẫn khí ở nước này, cho phép truyền dẫn khí đốt từ EU đến Ukraine.
Thủ tướng Arseniy Yatseniuk của Ukraine nói rằng, đường ống dẫn khí này có thể giúp cung cấp đến 20% nhu cầu của người dân Ukraine.