Giao dịch điện tử, tranh chấp xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu lo ngại khi quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử chưa rõ ràng.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ sự lo ngại khi quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, từ Điều 35 đến Điều 39 khá chung chung, chưa cụ thể hóa cách thức xử lý và giải quyết.

“Điều này sẽ trở thành rào cản cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Bình, đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, cần bổ sung thêm các quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý như kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức.

Song song đó, đối với vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử cần được tiếp tục quy định cụ thể và chi tiết, vì hiện nay Luật Giao dịch điện tử còn quy định rất chung chung hoặc ít nhất cần quy định theo hướng trong trường hợp nào các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử.

Giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật nào, Luật Dân sự hay luật chuyên ngành nào khác có liên quan thì cũng cần được quy định rõ.

Ông cũng cho rằng, cần nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và cách mạng 4.0 trên thế giới.

“Ở nước ta, các tranh chấp chủ yếu được giải quyết thông qua phương thức trực tiếp, truyền thống như thương lượng, hòa giải, trọng tài hay tòa án, trong khi đó đặc trưng của giao dịch điện tử là hình thức giao dịch được thực hiện trên thị trường phi biên giới. Chủ thể tham gia giao dịch có thể từ bất kỳ một quốc gia nào trên bản đồ thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu và triển khai thực hiện tại nước ta”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình).
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình).

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng băn khoăn về giá trị pháp lý của giao dịch như giao kết hợp đồng. “Trong cùng một thời điểm khi một giao dịch được thực hiện song song cả giao dịch điện tử và giao dịch truyền thống thì giao dịch nào sẽ được chấp nhận và có giá trị sử dụng, khi có tranh chấp phát sinh từ các giao dịch này thì giao dịch dưới hình thức nào được ưu tiên chấp nhận để làm căn cứ giải quyết”.

Với điều kiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay của nước ta, giải pháp xây dựng cơ chế online được đánh giá là rất phù hợp. Việc giải quyết tranh chấp online hay giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể và cơ quan quản lý như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính chủ động.

Trên thế giới hiện nay, mô hình cơ quan giải quyết tranh chấp trực tuyến có thể triển khai theo 2 hướng. Một là, mô hình thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc sự chỉ đạo, điều hành của một cơ quan quản lý trong bộ máy nhà nước.

Hai là, pháp luật quy định các tổ chức tư vấn cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến hiện nay như đang áp dụng tại Mỹ. Các tổ chức này sẽ xây dựng website để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến với sự cộng tác của các hòa giải viên, trọng tài viên có chuyên môn cao.

Trong điều kiện nước ta, giải quyết tranh chấp thương mại điện tử trực tuyến còn rất mới mẻ. Việc quản lý đối với tổ chức cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Chính vì vậy, theo đề xuất của đại biểu Thạch Phước Bình, có thể lựa chọn việc xây dựng cơ chế online theo mô hình thứ nhất. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử sẽ nghiên cứu thành lập một cơ quan, đơn vị có sự quản lý nhà nước để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Cơ quan này sẽ thực hiện 3 phương thức để giải quyết tranh chấp trực tuyến, đó là hỗ trợ thương lượng trực tuyến, hòa giải trực tuyến và trọng tài trực tuyến. Cơ quan giải quyết tranh chấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống website, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết, tiến hành đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp trực tuyến có kiến thức chuyên môn vững vàng. Đồng thời, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ phối hợp với hòa giải viên hay trọng tài viên có uy tín của các trung tâm trọng tài lớn trong nước để triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp cho phù hợp.

“Chúng ta có thể nghiên cứu, chuẩn bị thêm các điều kiện cần thiết để áp dụng mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến khác, như giao cho các tổ chức tư được cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp”, đại biểu Thạch Phước Bình làm rõ kiến nghị.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị ban hành văn bản pháp luật dưới hình thức nghị định, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết tranh chấp trong giao dịch trực tuyến cũng cần được quan tâm.

Nghị định này sẽ quy định, hướng dẫn các nội dung của giải quyết tranh chấp như: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các phương thức giải quyết, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trực tuyến. Các quy định nền tảng này sẽ là điều kiện quan trọng để cơ quan có thẩm quyền, các bên tranh chấp nắm rõ, áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến một cách có hiệu quả.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục