Giao dịch chứng khoán: Tiền đầu cơ phớt lờ yếu tố cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì mức cao và VN-Index trụ được mốc 900 điểm khiến nhiều nhà đầu tư vững tâm, tiếp tục tìm kiếm cơ hội, nhưng quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực.
Thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì mức cao 6.000 - 7.000 tỷ đồng/phiên trong tuần qua là tín hiệu tích cực Thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì mức cao 6.000 - 7.000 tỷ đồng/phiên trong tuần qua là tín hiệu tích cực

Chọn ngành miễn nhiễm với Covid-19

Châm ngôn của những nhà đầu tư ưa thích sóng ngắn hạn trong thời gian vừa qua là đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng”. Nhưng quý III sắp kết thúc, nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều đến câu chuyện chung của các doanh nghiệp hơn là hiệu quả kinh doanh trong kỳ.

Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, bức tranh kết quả kinh doanh quý III về cơ bản sẽ có nhiều điểm tương đồng với quý II khi nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lần hai từ cuối tháng 7, tương tự như thời điểm tháng 4.

Không ít doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, viễn thông, dược phẩm, thép, hóa chất, khu công nghiệp, bất động sản, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm - đồ uống, ngân hàng, điện nước... dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan.

Tuy nhiên, không ít ngành đã hạn chế được tác động tiêu cực hoặc ít bị tác động bởi bệnh dịch nên sẽ duy trì được hiệu quả kinh doanh như viễn thông, công nghệ thông tin, dược phẩm, thép, hóa chất, khu công nghiệp, xây dựng…

Ở thời điểm hiện tại, khối công ty chứng khoán có các ước tính kết quả kinh doanh quý III/2020 của không ít doanh nghiệp, bản thân một số doanh nghiệp cũng công bố ước tính doanh thu, lợi nhuận, đa phần là khả quan.

Song theo anh Dũng, nhà đầu tư cần có góc nhìn phân tích riêng, không nên chỉ tập trung vào con số lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty cổ phần FECON (FCN) cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 2.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 86 tỷ đồng.

Công ty có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 233 tỷ đồng, bởi quý IV là cao điểm trong hoạt động kinh doanh, thường đóng góp 40% doanh thu năm.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, FCN đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, tăng 9%, nhưng lợi nhuận sau thuế 35,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, quý III, FCN ước đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 50 tỷ đồng.

Trong quý IV, FCN dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu với mức giá tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động tối thiểu 480 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào các công ty con gồm FCP, FDB, FPL, PCPL1.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FCN tăng từ đầu tháng 8, từ dưới 9.000 đồng/cổ phiếu lên gần 11.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu khác trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng cũng tăng giá, bởi nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp hưởng lợi kép từ “sóng” đầu tư công và giá một số nguyên, nhiêu liệu đầu vào như than đá, dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ, thép cuộn cán nóng đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp xây dựng trong quý III năm ngoái khá thấp, đặc biệt là lĩnh vực thép, tôn thép như HPG, HSG, nên dự báo quý III năm nay, lợi nhuận tăng trưởng ở mức cao, tương đương 2 quý đầu năm.

Trong quý II/2020, HPG đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.700 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Một số công ty chứng khoán dự báo doanh nghiệp này có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 20 - 30% trong quý này.

Theo thống kê, phần lớn cổ phiếu vật liệu xây dựng hiện có mức tăng giá 20 - 50% so với mức đáy tháng 3, thậm chí HSG tăng trên dưới 100%.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Điều hành môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, thời gian tới, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn ở các nhóm cổ phiếu cũng như các cổ phiếu riêng lẻ có thông tin hỗ trợ riêng, tập trung vào những ngành dự báo đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Trong 68 mã cổ phiếu mà VCSC theo dõi (bao gồm VN30 và một số cổ phiếu khác) có 32 cổ phiếu được Công ty khuyến nghị mua, trong đó lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm - đồ uống có 5 mã, ngân hàng 5 mã, bất động sản, vật liệu xây dựng 8 mã, điện nước 6 mã...

MWG, VHM, STB, CII, PNJ, NLG… là những cổ phiếu đại diện riêng cho từng ngành, dự báo duy trì hiệu quả kinh doanh khả quan trong quý III và có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong quý IV/2020.

Dòng tiền cũng quan tâm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán khi thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan sẽ mang lại nguồn thu nhiều hơn cho các công ty chứng khoán.

Từ giữa tháng 9, dòng tiền tăng cường đổ vào các mã chứng khoán hàng đầu như SSI, HSC, VCI…, nhưng chưa đủ để tạo thành “sóng”.

Với lĩnh vực bất động sản, kết quả kinh doanh quý III có thể kém khả quan, nhưng đặc thù của lĩnh vực này là doanh thu, lợi nhuận thường dồn vào quý IV.

Tiền đầu cơ phớt lờ yếu tố cơ bản

Một số ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán hiện tại vẫn diễn biến theo quán tính của dòng tiền.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp và nhiều khả năng tiếp tục được điều chỉnh giảm thì xu hướng đầu tư vào các tài sản lỏng như chứng khoán đang cho thấy sức hấp dẫn.

Yếu tố hỗ trợ thị trường giữ được ổn định cả về thanh khoản lẫn điểm số chủ yếu đến từ nguồn tiền rẻ hơn nhiều hơn là kỳ vọng bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2020 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ sáng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp nối đà tăng, thể hiện sức chống đỡ tốt với áp lực bên ngoài khi thị trường Mỹ có 3 tuần giảm liên tiếp.

Theo MBS, nếu nhịp điều chỉnh của thị trường Mỹ và một số thị trường lớn khác chưa kết thúc thì đó cũng là rủi ro khi VN-Index đang ở vùng đỉnh về điểm số cũng như thanh khoản trong năm nay.

Có thể nhà đầu tư sẽ thận trọng trong giao dịch thời gian tới, chờ đợi tín hiệu vượt đỉnh rõ ràng.

Nhà đầu tư Nguyễn Anh Khoa chia sẻ, anh chọn chiến lược giao dịch bám sát dòng tiền, phân bổ danh mục đầu tư dài hạn và ngắn hạn. Danh mục ngắn hạn tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ có “sóng” như MBG, AMD, ROS…

Những cổ phiếu này liên tục có sóng, nhưng chỉ cần vào sai thời điểm thì cũng dễ bị “quật ngã”.

Đơn cử, cổ phiếu MBG sau thời gian tích lũy ở nền giá thấp đã có phiên tăng trần trong tuần qua lên 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng lịch sử giao dịch của MBG khiến nhà đầu tư phải cẩn trọng.

Nhà đầu tư lướt sóng không quan tâm nhiều đến lợi nhuận doanh nghiệp quý III sẽ như thế nào, dòng tiền ra vào cổ phiếu dựa chủ yếu trên các chỉ báo phân tích kỹ thuật. Vì thế, có hiện tượng một số doanh nghiệp thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá như VTR, VNG…

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ