Bấp bênh hiệu quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 bất ngờ tái phát vào cuối tháng 7 và hiện vẫn có diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Bấp bênh hiệu quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Khi dịch bệnh chưa xuất hiện, Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) từng lên kế hoạch tăng đội tàu bay đến cuối năm gần 90 chiếc, đồng thời mở rộng khai thác hơn 100.000 chuyến bay, vận chuyển 20 triệu lượt hành khách, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng tốc trong năm 2020.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, Đại hội đồng cổ đông VJC đặt mục tiêu công ty mẹ sẽ hoà vốn trong năm 2020.

VJC kỳ vọng, doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 24.600 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng (giảm 98% so với mức thực hiện năm 2019).

Song kế hoạch này được VJC đặt ra ở thời điểm dịch Covid-19 lần hai chưa xuất hiện với tâm điểm là Đà Nẵng, địa điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc VJC cho biết, dịch Covid-19 tái phát đã ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng, phát triển tàu bay, nhưng Công ty chưa đưa ra kế hoạch điều chỉnh, bởi phải nhìn nhận thêm diễn biến của thị trường trong tháng 9.

Thống kê kế hoạch kinh doanh năm 2020 của 1.368 doanh nghiệp - chiếm gần 97% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán, không bao gồm doanh nghiệp ngành tài chính của

FiinGroup cho thấy, lãi sau thuế dự kiến giảm hơn 23% so với năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp dầu khí dự kiến lãi giảm 59%; hàng cá nhân và gia dụng, tiện ích, hàng và dịch vụ công nghiệp giảm 30%.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2020 của VJC cho thấy, doanh thu vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% và mức lỗ trong hoạt động hàng không là 1.122 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VJC lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận dương 73 tỷ đồng nhờ có khoản thu đáng kể từ chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính.

Theo VJC, nguồn thu này chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện 388,4 tỷ đồng và thu nhập tài chính khác 597,79 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản thu nhập khác của VJC đạt 413 tỷ đồng, gấp 23 lần so với cùng kỳ.

Bước sang quý III/2020, VJC cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, du lịch đã có khởi đầu suôn sẻ, thậm chí ghi nhận tăng tốc mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do lượng khách tăng cao, nhưng dịch Covid-19 bất ngờ tái phát khiến viễn cảnh thay đổi.

Nếu như ở thời điểm quý II, nhiều doanh nghiệp xác định quý III là thời điểm vàng để tăng tốc, nhưng với tình hình hiện nay, đây lại là giai đoạn khó khăn.

“Tháng 7, hiệu quả kinh doanh của Công ty rất tốt, khó khăn bắt đầu từ tháng 8. Với những thông tin tích cực về việc kiểm soát dịch, cũng như thông tin về vắc-xin từ nhiều quốc gia có thể giúp thị trường tốt hơn trong tháng 9”, bà Phương nói và cho biết, điều đáng mừng là hầu hết khách hàng xin gia hạn thời gian bay, số lượng hủy vé không nhiều, cho thấy tiềm năng du dịch vẫn rất lớn.

Được biết, VJC đã triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đồng thời tập trung các giải pháp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, tối ưu hóa nguồn lực và các giải pháp tăng nguồn thu như chuyên chở các chuyến bay cargo (vận chuyển hàng hóa).

Cùng với VietJet, các doanh nghiệp hàng không khác như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Bamboo đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập.

Doanh nghiệp đương đầu với khó khăn

Là một doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, nhưng theo lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), dịch bệnh cũng như giá dầu giảm khiến một số dự án của Công ty phải tạm dừng, có thể dẫn đến doanh thu và lợi nhuận trong tháng 8 và tháng 9 dự kiến sụt giảm so với tháng 7.

Năm 2020, vật liệu xây dựng, du lịch - giải trí, dầu khí là những ngành được dự báo có lợi nhuận giảm mạnh nhất.

Dịch bệnh cũng là trở ngại đối với PVS trong việc gặp gỡ đối tác và các chuyên gia nước ngoài của Công ty gặp khó khăn trong việc đi lại để tư vấn, thẩm định các dự án…

Ngoài ra, Công ty còn đối mặt với nguy cơ thị trường dịch vụ, việc làm giảm sút, tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí cả trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, trong quý II/2020, một số doanh nghiệp lần đầu tiên báo cáo lỗ sau nhiều năm và dự kiến quý III tiếp tục thua lỗ.

Ghi chú: Số liệu tổng hợp từ 981/1662 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết / đăng ký trên 3 sàn (chiếm 97,2% vốn hóa nhóm) và được điều chỉnh loại ra những công ty con niêm yết mà được hợp nhất báo cáo tài chính vào công ty mẹ cũng niêm yết trong cùng 1 ngành. Nguồn: FiinPro Platform.

Ghi chú: Số liệu tổng hợp từ 981/1662 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết / đăng ký trên 3 sàn (chiếm 97,2% vốn hóa nhóm) và được điều chỉnh loại ra những công ty con niêm yết mà được hợp nhất báo cáo tài chính vào công ty mẹ cũng niêm yết trong cùng 1 ngành. Nguồn: FiinPro Platform.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN) ghi nhận lỗ 4,3 tỷ đồng trong quý II/2020, quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2009.

Với tình trạng khách đến khu vui chơi thưa thớt như hiện tại, DSN chia sẻ, doanh thu quý III/2020 đang lao dốc so với cùng kỳ, lợi nhuận nếu có cũng là con số không đáng kể. Thời điểm này, Công ty đang cố gắng cầm cự, mong sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khó khăn cũng xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các mảng khác. Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết, trong giai đoạn cuối quý II/2020, Công ty chịu ảnh hưởng rất lớn từ các đơn hàng tại thị trường Mỹ và Colombia sụt giảm, vì dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường khiến nhu cầu giảm cũng như khó khăn trong vận chuyển. Công ty nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, nhưng việc phát triển thị trường ở giai đoạn này rất khó.

Quý I/2020, GMC lãi hợp nhất sau thuế hơn 26 tỷ đồng, sang quý II/2020 ghi nhận lỗ hợp nhất hơn 8 tỷ đồng. Theo lãnh đạo GMC, lợi nhuận quý III nhiều khả năng tiếp tục là một con số âm. Hiện tại, các đơn hàng mới chưa ký được nhiều, trong khi Công ty vẫn phải duy trì hoạt động nhà xưởng với nhiều loại chi phí.

Bức tranh chung của doanh nghiệp niêm yết trong quý II cũng như nửa đầu năm 2020 là hầu hết các nhóm ngành có thực trạng kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp trên toàn cầu, quá trình hồi phục dự báo sẽ chỉ thực sự diễn ra từ đầu năm 2021, khi các biện pháp phòng ngừa, giãn cách xã hội, vắc-xin đem lại hiệu quả rõ nét hơn.

Theo FiinPro, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch trong quý II/2020 cho thấy, 9/18 ngành có lợi nhuận suy giảm do tác động của sự đứt gãy về cung hay cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu.

Trong đó, du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 67,2% và 376,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là dầu khí với lợi nhuận giảm 130,1%, ngoài nguyên nhân nhu cầu suy giảm thì các doanh nghiệp ngành này còn bị ảnh hưởng bởi giá dầu ở mức thấp (chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ).

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục