Giao dịch chứng khoán sáng 9/9: Lực cầu bắt đáy hãm đà rơi thị trường

(ĐTCK) Dù không quá mạnh, nhưng lực cầu bắt đáy khi VN-Index lùi về gần mốc 880 điểm giúp thị trường hãm đà rơi trong phiên giao dịch sáng nay (9/9). 

Sau phiên lao dốc đột ngột chiều ngày thứ Hai, thị trường đã hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua (8/9) nhờ sự hỗ trợ của một số mã bluechip và kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ giải ngân mạnh thời gian tới sau thông tin Quỹ đầu tư CTBC Investments huy động 160 triệu USD ở nước ngoài, đã bắt đầu giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Diễn biến của phiên 8/9 phần nào đem lại an tâm cho nhà đầu tư, nhưng chỉ qua một đêm, tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi hoàn toàn.

Cụ thể, trong phiên giao dịch tối qua theo giờ Việt Nam, phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3, đặc biệt là 2 chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc mạnh trước đà bán tháo của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chuỗi đà bán tháo này khiến giới đầu tư ám ảnh về bong bóng dotcom năm 2020, nên tỏ ra rất thận trọng, qua đó ảnh hưởng thị trường chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên sáng nay khi đại đa số các thị trường chính trong khu vực điều giảm mạnh.

Dĩ nhiên, chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi thị trường mới bắt đầu mở cửa, lệnh bán mạnh với giá thấp đã được tung ồ ạt vào thị trường, đẩy hàng trăm mã giảm giá, kéo VN-Index xuống gần mốc 880 điểm. Trong đó, nhóm VN30 lúc đầu còn lác đác vài sắc xanh nhạt, nhưng sau đó toàn bộ sắc đỏ cũng đã biến mất, tất cả 30 mã đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 5,54 điểm (-0,62%), xuống 884,6 điểm với 105 mã tăng, trong khi có tới 281 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 156,5 triệu đơn vị, giá trị 2.941,8 tỷ đồng, giảm 13,6% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,5 triệu đơn vị, giá trị 306,6 tỷ đồng.

Ngoại trừ tân binh BCM vẫn duy trì đà tăng 3,09%, lên 48.450 đồng) (dù đã không còn sắc tím như trước và GVR tăng 1,64% lên 12.400 đồng, còn lại các mã bluechip đều đóng cửa giảm giá. Dù vậy, mức giảm không quá mạnh, chỉ trên dưới 1%.

Trong nhóm này, HPG là mã có thanh khoản nhất với hơn 6,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,61% xuống 24.500 đồng. Đây cũng là mã có thanh khoản lớn nhất sàn HOSE sáng nay.

Trong các mã vừa và nhỏ, cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức HAG – HNG đi ngược xu hướng thị trường khi cùng tăng với thanh khoản khá tốt. Trong đó, HAG tăng 4,34% lên 4.810 đồng với 6,39 triệu đơn vị được khớp, đứng sau HPG, còn HNG tăng 1,2% lên 12.650 đồng, khớp 2 triệu đơn vị.

Trong phiên sáng nay MHC và TEG gây chú ý khi đảo chiều ngoạn mục từ dưới tham chiếu lên mức trần 8.290 đồng và 4.830 đồng khi chốt phiên sáng. Cả 2 khớp trên 800.000 đơn vị và còn dư mua giá trần.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX và thị trường UPCoM khi số mã giảm nhiều gấp từ hơn 2 đến hơn 3 lần số mã tăng. Dù vậy, lực cầu bắt đáy đã giúp các chỉ số đầu quay đầu hồi phục.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,46%), xuống 124,23 điểm với 46 mã tăng, trong khi có 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,3 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 42,5 tỷ đồng.

Trong các mã lớn trên sàn HNX, chỉ 2 mã tăng giá là VCS tăng 1,49% lên 36.700 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị và VIF tăng 0,57% lên 17.600 đồng với chỉ 1 lệnh khớp duy nhất. Đa số các mã còn lại đứng giá tham chiếu như IDC, THD, NTP… Trong khi 3 mã vốn hóa lớn nhất đều giảm là ACB giảm 0,49% xuống 20.500 đồng, khớp 3,18 triệu đơn vị; SHB giảm 0,72% xuống 13.700 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; VCG giảm 1,08% xuống 36.700 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Bên cạnh đó, còn có PVS giảm 2,4% xuống 12.200 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị; NVB giảm 1,2% xuống 8.200 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Tương tự, chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,44%), xuống 58,56 điểm với 78 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14 triệu đơn vị, giá trị 187 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 31,8 tỷ đồng.

Thị trường này sáng nay chỉ duy nhất LPB khớp trên 1 triệu đơn vị (3,4 triệu) và đóng cửa ở mức tham chiếu 9.000 đồng. Các mã khác chủ yếu phân hóa với sắc xanh tại BVB, LTG, MSR, VEA, KLB, VOC…, trong khi BSR, VIB, OIL, VGI, CTR, ACV, VGT, VBB… giảm giá.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm điểm, trong đó 3 hợp đồng có mức giảm mạnh hơn VN30-Index, chỉ có hợp đồng đáo hạn 17/12 giảm nhẹ hơn VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,93% xuống 819,88 điểm, còn VN30F2009 đáo hạn 17/9 giảm 1,12% xuống 820,2 điểm với 118.227 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.237 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với 72 mã, trong khi chỉ có 11 mã tăng. Trong đó, CSTB2003 là mã có thanh khoản tốt nhất với 836.210 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 3,57% lên 290 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục