
Thị trường tiếp tục chứng kiến thêm một phiên “tàu lượn cao tốc”, đặc biệt là cú bật mạnh trong phiên chiều khi VN-Index leo dốc một mạch 30 điểm, từ mức 1.331,41 điểm lên mức chốt phiên xấp xỉ 1.361 điểm.
Trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật, với việc lấy lại được ngưỡng 1.350 điểm (Fib 127,1% sóng điều chỉnh 4) trong phiên 5/5 thì VN-Index lại bước vào sóng tăng 5 với target theo lý thuyết trong khoảng 1.530-1.550 điểm (Fib161,8% sóng điều chỉnh 4). Ngưỡng 1.350 điểm sẽ là điểm xoay chiều (pivot point) quan trọng cần quan sát.
Tuy nhiên, BSC đã đưa ra cảnh báo, đồ thị VN-Index đã xuất hiện nến "Hanging man" tại vùng kháng cự cũ 1.360 điểm, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong những phiên giao dịch tới.
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 6/5, diễn biến tiêu cực từ thị trường quốc tế đã ảnh hưởng lớn tới diễn biến chứng khoán trong nước khi thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ.
Ở thị trường quốc tế, Phố Wall đã có phiên lao dốc mạnh, với Nasdaq ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 và hiện đã ở mức thấp nhất từ tháng 11/2020, do giới đầu tư lo ngại việc Fed tăng lãi suất mới đây sẽ không đủ để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Cùng xu hướng trên, áp lực bán mạnh và lan rộng đã diễn ra trên toàn thị trường chứng khoán Việt ngay khi mở cửa. Trên bảng điện tử, sàn HOSE chỉ còn khoảng hơn 20 mã giữ được sắc xanh, trong khi số mã giảm tăng gấp hơn 10 lần, khiến VN-Index bốc hơi gần 30 điểm và rơi xuống mốc 1.333 điểm.
Điểm có phần tích cực là dù phần lớn các cổ phiếu trên thị trường đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, nhưng số mã nằm sàn khá ít, với sàn HOSE chỉ có 5-7 mã.
Sau gần 30 phút lao dốc mạnh, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, VN-Index chỉ hồi phục được khoảng 10 điểm rồi nhanh chóng giật lùi trở lại trong bối cảnh dòng tiền vẫn duy trì ở trạng thái ít ỏi.
Trong diễn biến chung thị trường chìm trong sắc đỏ, vẫn có những điểm sáng đáng chú ý. Điển hình là HSG, sau 4 phiên giảm liên tiếp, đặc biệt phiên 4-5/5 giảm sàn hoặc sát sàn, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trong phiên sáng nay giúp cổ phiếu này khởi sắc.
Dù mở cửa vẫn giảm khá mạnh nhưng lực cầu hấp thụ tích cực giúp HSG nhanh chóng có được sắc xanh và sau khoảng 1 giờ giao dịch đã tăng 2,2% lên mức 25.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt xấp xỉ 7,6 triệu đơn vị.
Dòng tiền tiếp tục cải thiện về cuối phiên giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 63 mã tăng (2 mã tăng trần) và 375 mã giảm (2 mã giảm sàn), VN-Index giảm 15,6 điểm (-1,15%), xuống 1.345,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 280 triệu đơn vị, giá trị 8.392,7 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng và tăng 12,57% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị gần 1.391 tỷ đồng.
Mặc dù thị trường chìm trong biển đỏ nhưng vẫn có những nhóm ngành lội ngược dòng thành công. Điểm sáng là nhóm cổ phiếu thép đã hồi phục tích cực sau những phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.
Đặc biệt là cổ phiếu HSG tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh trong nửa cuối phiên sáng, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần. Tạm chốt phiên sáng nay, HSG tăng 5,3% lên mức 25.950 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt lên vị trí dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 12,95 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó, các mã còn lại của ngành là HPG, TLH, NKG, POM cũng đều khởi sắc dù biên độ tăng có thu hẹp đáng kể sau cú tăng tốc trong nửa đầu phiên sáng. Trong đó, HPG tăng 1% lên 42.450 đồng/CP và đứng thứ 3 về thanh khoản trên HOSE, đạt 8,37 triệu đơn vị.
Một nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến tích cực trong phiên sáng ảm đạm là thủy sản. Sau phiên rung lắc và điều chỉnh hôm qua, đồng loạt các cổ phiếu trong ngành này đã hồi phục sắc xanh, trong đó cổ phiếu đầu ngành VHC tăng 4,7%, ANV tăng 4,4%, CMX tăng 2,5%, IDI tăng 2,2%...
Ngoài ra, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bảo hiểm cũng có phiên giao dịch khởi sắc, đáng kể là MIG có thời điểm tăng trần và chốt phiên tăng 6,3% lên 31.250 đồng/CP, cổ phiếu đầu ngành là BVH tăng 2,2% lên 65.400 đồng/CP, các mã khác như BIC, AIC, ABI, PGI, PVI, PGI đều giao dịch trên mốc tham chiếu.
Trái lại, dòng bank sau phiên khởi sắc hôm qua đã đồng loạt “quay xe” trong phiên sáng nay. Cụ thể, ngoại trừ duy nhất ACB kịp le lói sắc xanh, còn lại chủ yếu giảm trên 1%, đáng kể có OCB giảm 3,81%, các mã STB, SSB, EIB giảm hơn 2%.
Ở nhóm chứng khoán, sắc đỏ cũng phủ kín toàn ngành với các mã lớn như SSI giảm 2,6%, HCM giảm 3,4%, VCI giảm 4,4%, VND giảm 2,8%...
Nhóm bất động sản cũng không khả quan hơn. Bên cạnh các mã lớn như VHM, VIC, NVL giảm nhẹ, các mã ở top sau như DIG, PDR, KDH, VCG, KBC, BCG, TCH… cũng đồng loạt mất điểm.
Nếu xét ở nhóm cổ phiếu bluechip, rổ VN30 chỉ có 4 mã chốt phiên trong sắc xanh là BVH, HPG, ACB và GAS; trong khi có tới 25 mã điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, biên độ tăng giảm của nhóm này không quá lớn, chủ yếu trên dưới 1%.
Ở top cổ phiếu giảm, các mã giảm sâu hơn có STB giảm 2,8%, SSI giảm 2,6%, PNJ giảm 2,5%, VJC giảm 2,4%, PLX giảm 2,1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, FLC mở cửa sát giá sàn và chốt phiên giảm 4,5% xuống mức 7.470 đồng/CP với khối lượng khớp 8,37 triệu đơn vị; còn ROS và HAI cùng giảm hơn 2,5%, AMD đứng giá tham chiếu.
Trên sàn HNX, thị trường cũng cắm đầu lao dốc trước áp lực bán trên diện rộng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 7,05 điểm (-1,96%), xuống 351,7 điểm với 34 mã tăng (6 mã tăng trần) và 168 mã giảm (10 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,96 triệu đơn vị, giá trị 708,5 tỷ đồng, giảm 28% về lượng và 24,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,58 triệu đơn vị, giá trị đạt 51,78 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 là tác nhân chính của thị trường khi giảm tới gần 16 điểm, tương ứng hơn 2,5% khi có tới 25 mã giảm và chỉ còn 2 mã là LHC và TAR tăng nhẹ.
Trong số mã giảm, dẫn đầu danh mục vẫn chủ yếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng như L14 giảm 6,2%, L18 giảm 4,8%, HUT giảm 4,6%, DTD giảm 4%, CEO giảm 3,8%, IDC giảm 3,7%...
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm sâu như SHS giảm 3,7%, MBS giảm 3,6%, BVS giảm 1,9%, ART giảm 3%, APS giảm 3,7%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF kịp hồi nhẹ trước khi chốt phiên, với mức tăng 2,2% lên mức giá cao nhất trong phiên 4.700 đồng/CP và khớp 1,36 triệu đơn vị. Trong khi đó, BII, PVC, MBG, DL1, AMV, LIG… chốt phiên trong sắc đỏ.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều là các mã giảm điểm và thuộc nhóm HNX30. Trong đó, PVS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 4,84 triệu đơn vị; tiếp theo là SHS khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn CEO, IDC, HUT cùng khớp hơn 1,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng không thoát khỏi phiên giảm sâu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,65 điểm (-1,59%), xuống 102,17 điểm với 110 mã tăng và 132 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,78 triệu đơn vị, giá trị 323,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,52 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 75,68 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVX là điểm sáng của UPCoM trong phiên sáng nay. Dù không giữ được sắc tím nhưng chốt phiên PVX vẫn tăng mạnh 12,2% lên sát mức giá trần 5.500 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 4,77 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, AVF chốt phiên đứng tại mức giá trần 1.200 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt hơn 1,22 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,76 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu lớn diễn biến khá tiêu cực như BSR giảm 1,8%, VGT giảm 3,8%, VGI giảm 3,8%, OIL giảm 2,1%, MSR giảm 3,5%...
Hay các cổ phiếu trong nhóm vua – ngân hàng cũng đều mất điểm như NAB giảm 1,7%, VAB giảm 2,5%, ABB giảm 1,6%...