Nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông điệp giữ ổn định cho thị trường chứng khoán từ lãnh đạo Chính phủ, cộng với động thái công bố mua vào cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp phần nào giúp nhà đầu tư vững tâm hơn.
Nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán

Từ trấn an nhà đầu tư tới mua vào cổ phiếu

Việc các cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh trong gần 1 tháng trở lại đây khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Nhà đầu tư Nguyễn Thế Anh chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy thị trường giảm mạnh như hiện nay, kể từ khi tham gia đầu tư vào đầu năm 2020. Khi cổ phiếu yêu thích của tôi giảm 10%, tôi tham gia bắt đáy, đến lúc giảm 20% tiếp tục bắt thêm, nhưng rồi cổ phiếu vẫn rơi tiếp. Tôi không còn tiền để bắt thêm, thậm chí còn bị “force sell” cổ phiếu bắt đáy trước đó do vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì”.

Ông Thế Anh chỉ là một trong vô số nhà đầu tư thực hiện bắt đáy theo thói quen từ giữa năm 2020 tới nay nhưng lần này thì đã khác. Một số nhà đầu tư không dám mở bảng điện ra xem mỗi ngày, bởi tài khoản liên tục “bốc hơi” mạnh.

Thực tế, đà giảm giá gần đây không phân biệt các cổ phiếu, dù thuộc nhóm đầu cơ hay cơ bản đều giảm mạnh. Đặc biệt, các cổ phiếu dính tin đồn thất thiệt liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp bị bán tháo mạnh hơn.

Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng lên tiếng đính chính tin đồn, trấn an cổ đông, nhà đầu tư như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Tập đoàn Gelex (mã GEX), Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG)… nhưng giá cổ phiếu sau đó vẫn rơi. Mãi tới khi ban lãnh đạo có động thái đăng ký mua vào, các cổ phiếu này mới có dấu hiệu hồi phục.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Gelex đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng sở hữu từ 22,58% lên 23,75% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/4 - 24/5/2022. Tính theo giá đóng cửa ngày 27/4/2022 của GEX là 28.200 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Tuấn phải bỏ ra khoảng 282 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch này.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng công bố mua 5 triệu cổ phiếu DXG trong thời gian từ ngày 27/4 - 26/5/2022. Nếu giao dịch thành công, ông Thìn sẽ sở hữu 109,9 triệu cổ phiếu DXG, chiếm 18,04% vốn điều lệ của Công ty.

Công ty TNHH Ha Đạt, tổ chức liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Phụng, muốn mua 7 triệu cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai để nâng sở hữu từ 240.000 cổ phiếu lên 7.240.000 cổ phiếu, tương đương 2,15% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/4 đến 25/5.

Nếu tính theo giá thị trường ngày 27/4 là 18.950 đồng/cổ phiếu, tổ chức này sẽ bỏ ra khoảng 132,65 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (mã TVC) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TVC với mục đích đầu tư dài hạn, nhằm tăng sở hữu lên 12,4%.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, vợ ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu NLG để nâng sở hữu từ 4,1% lên 4,9% vốn điều lệ, thời gian giao dịch dự kiến từ 28/4 đến 27/5.

Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Quang đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 11,87% vốn điều lệ, giao dịch từ 29/4 - 28/5.

Tính theo giá thị trường ngày 27/4 là 46.300 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Quang và vợ sẽ đầu tư thêm khoảng 185,2 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG…

Tâm lý nhà đầu tư vững hơn

Cùng với thông điệp tăng cường minh bạch, tạo sự phát triển ổn định cho thị trường chứng khoán từ các cơ quan quản lý thì việc một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đăng ký mua vào cổ phiếu, phát đi tín hiệu định giá cổ phiếu trên sàn đang thấp hơn giá trị thật của doanh nghiệp đã phần nào giúp nhà đầu tư vững tâm hơn.

Phiên giao dịch 29/4/2022 đã khép lại với mức tăng gần 16 điểm của chỉ số VN-Index. Sắc xanh bao phủ đa số cổ phiếu trong phiên cuối tháng 4.

Còn nhớ, sau giai đoạn bán tháo trên thị trường chứng khoán vào tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và người thân cũng đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu.

Động thái này đã phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư, để rồi sau đó nhờ dòng tiền giá rẻ và làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường khi nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đóng cửa, ngừng hoạt động, thị trường chứng khoán đã có sự bùng nổ mạnh mẽ.

Tất nhiên, bối cảnh hiện tại có sự khác biệt lớn so với 2 năm trước, các hoạt động kinh tế đang được khôi phục trở lại, thị trường chứng khoán không còn được hỗ trợ bởi dòng tiền rẻ. Ngân hàng trung ương các nước đang triển khai kế hoạch nâng lãi suất trước áp lực lạm phát gia tăng.

Đáng chú ý, trong tháng 5 này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%/năm và dự kiến sẽ nâng lãi suất lên 2,75%/năm vào cuối năm 2022. Song, theo dự báo của một số chuyên gia, mặt bằng lãi suất ở trong nước khó tăng cao.

Chưa kể, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 - nền tảng cho thị trường chứng khoán - được dự báo tích cực, ở mức 5,3% theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và 6,5% theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Nhìn chung, trong giai đoạn “bình thường hoá mới”, "sống chung với Covid-19", Việt Nam được dự báo quay trở lại đà tăng trưởng kinh tế.

Đối với thị trường chứng khoán, sau khi thanh tra và xử lý hàng loạt các lãnh đạo liên quan tới hành vi thao túng giá cổ phiếu, thị trường được kỳ vọng sẽ minh bạch hơn để đón dòng vốn ngoại khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Thực tế cũng cho thấy, trong khi các nhà đầu tư trong nước bán mạnh thì từ ngày 8/4 đến ngày 27/4, khối ngoại đã mua ròng 114,2 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, tương ứng mua ròng 4.377,44 tỷ đồng.

Góc nhìn được bà Bùi Hoàng Minh, chuyên gia phân tích cao cấp, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ tại hội thảo có chủ đề “Chiến lược nào cho thị trường mùa hè này?”, Việt Nam vẫn là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng EPS cao và định giá P/E đã trở về mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong dài hạn.

Việc các quỹ ETF ngoại quay lại mua ròng trong tháng 4 sau 8 tháng liên tục bán ròng phần nào cho thấy điều đó.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của thị trường là nhà đầu tư thiếu niềm tin, mặc dù các cổ phiếu đã giảm sâu. Chính vì vậy, việc lãnh đạo doanh nghiệp - những người hiểu doanh nghiệp nhất - đăng ký mua vào cổ phiếu là một điểm tựa tâm lý quan trọng cho nhà đầu tư.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục