Thanh lọc thị trường vốn, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc mạnh tay xử lý một số sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua nhằm mục đích thanh lọc thị trường vốn, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và tạo động lực phát triển thị trường chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ có những quyết sách ổn định thị trường, tạo lập hành lang phát triển lành mạnh Các nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ có những quyết sách ổn định thị trường, tạo lập hành lang phát triển lành mạnh

Trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán bất ngờ giảm sốc, lấy đi thành quả cả năm của rất nhiều nhà đầu tư, có lẽ không khó hiểu tại sao Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” được chủ trì bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự quan tâm rất lớn của tất cả các thành viên thị trường.

Hội nghị diễn ra từ đầu giờ chiều đến tối muộn ngày cuối tuần qua (22/4/2022), nhưng từ hôm trước, trên hầu khắp các diễn đàn chứng khoán đều đề cập với kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những kiến giải, quyết sách ổn định thị trường, tạo lập hành lang phát triển lành mạnh cho các chủ thể đầu tư, kinh doanh minh bạch và loại trừ sớm những ung nhọt có thể gây ra những hệ lụy xấu trong dài hạn.

Đó cũng là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật tại sự kiện này khi người đứng đầu Chính phủ cho rằng, quan điểm nhất quán của Chính phủ là khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư; thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững…

“Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.

Có thể thấy một thực tế là thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp hàng loạt “cú sốc”: Chỉ số VN-Index giảm gần 200 điểm chỉ sau vài tuần; hàng loạt cổ phiếu giảm giá, mất thanh khoản; vốn hoá thị trường “bốc hơi” nhiều tỷ USD; lệnh "call margin" được kích hoạt trên diện rộng dẫn đến làn sóng bán tháo; tâm lý nhà đầu tư hoang mang… Nếu diễn biến này kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm hiệu quả của kênh huy động vốn trung và dài hạn như thị trường chứng khoán, kéo lùi tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Không thể phủ nhận, trong gần 5% dân số tham gia đầu tư chứng khoán có một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia và dễ chịu tác động tâm lý bởi những sự kiện trước mắt.

Trong khi đó, thời gian qua, cơ quan chức năng tiến hành nhiều vụ khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết với cáo buộc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán như Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam…

Những sai phạm của từng cá nhân trên thị trường đang được làm rõ, nhưng những đồn đoán thiếu căn cứ về một số doanh nhân, doanh nghiệp khác cũng tạo ra những “cái bẫy” thông tin với nhiều nhà đầu tư, kích hoạt đà bán tháo.

Trước diễn biến này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.

Giới chuyên gia tài chính đánh giá, những phản ứng tiêu cực nói trên của thị trường là không tránh khỏi trong ngắn hạn, song về dài hạn, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển là xu thế tất yếu, không liên quan những dao động ngắn hạn do hoạt động thanh lọc thị trường của cơ quan quản lý hay là những tin đồn.

Theo đại diện Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc chủ tịch một tập đoàn bị bắt vì thao túng chứng khoán vừa qua đã gây rung lắc thị trường trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế phân tích, việc lãnh đạo một vài doanh nghiệp niêm yết bị bắt có thể khiến thị trường dao động nhưng không thể gây “sốc” kéo dài, nhất là với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhà đầu tư tổ chức. Trên thực tế, chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và diễn biến sau đó đều cho thấy, sau các rung lắc ban đầu, các chỉ số chứng khoán lại hồi phục và tăng trưởng cao hơn trước khi biến cố xảy ra.

“Ai làm sai thì người đó phải chịu. Thị trường có thể bị dao động nhưng sẽ ổn định nhanh chóng. Vấn đề quan trọng trong kinh doanh là phải thượng tôn pháp luật”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Theo ông Hưng, việc cơ quan chức năng kiểm soát giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra, chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán, nhưng thực sự thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang theo xu thế chung của thị trường thế giới.

Theo thống kê, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, thì 2 tháng đầu thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất. Từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm 7%, SP500 của Mỹ giảm 6,4%, thị trường Hàn Quốc giảm 9%, Hồng Kông giảm 9,7%, Trung Quốc giảm 16,5%…

“Việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế. Qua cơn mưa trời lại sáng. P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho năm 2022 đang khoảng 13,5, khá là thấp. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng ở đỉnh”, ông Hưng nói.

Ở ngoài nước, báo chí quốc tế cũng có những bài viết đánh giá cao hoạt động tăng cường giám sát thị trường tài chính của Việt Nam như một cách ghi điểm đối với giới đầu tư quốc tế. Sau khi Giám đốc điều hành Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam và Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân bị bắt, ngày 21/4/2022, tờ Bloomberg có bài viết “Ông chủ môi giới bị giam giữ khi chứng khoán Việt Nam sụt giảm sâu hơn”.

Trong bài viết này, tác giả Nguyen Kieu Giang và Harry Suhartono phản ánh, hai cá nhân nói trên bị công an bắt tạm giam với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu. Bài viết cũng nhận định, việc tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được thực hiện khi Việt Nam đứng trước cơ hội được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi và điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều quỹ đầu tư hơn. Trước đó, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nằm trong danh sách rút gọn để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Tác giả bài viết cũng dẫn lời ông Fred Burke, cố vấn cấp cao của Công ty Luật Baker McKenzie nói rằng: “Có một cây chổi mới trong nhà quét mọi thứ để dọn dẹp sạch sẽ đón mùa Xuân. Đó là một sự thay đổi lớn về văn hóa ở Việt Nam”.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục