"Nhặt hàng" giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường giảm mạnh không phải do nội tại doanh nghiệp xấu đi, việc cần làm là quản trị rủi ro để cơ cấu lại danh mục và xem xét mua vào những cổ phiếu tốt đang có mức chiết khấu hấp dẫn.
Nhiều cổ phiếu tốt đã mất giá tới 30-40% trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua. Nhiều cổ phiếu tốt đã mất giá tới 30-40% trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua.

Vàng thau lẫn lộn

Trước khi có vài phiên hồi phục tích cực trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, thị trường chứng khoán đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh. Chỉ trong vòng 3 tuần của tháng Tư (từ 7/4 - 25/4/2022), chỉ số VN-Index đã mất 218 điểm, tương đương mức giảm khoảng 15%.

Phiên giao dịch 25/4 được gọi là “Ngày Thứ Hai đen tối”, khi chỉ số VN-Index mất tới 68,31 điểm, đóng cửa ở 1.310,92 điểm. Phiên giao dịch buổi chiều hôm đó diễn ra trong hoảng loạn khi có thời điểm chỉ số rơi hơn 80 điểm, xuyên thủng mốc 1.300 điểm. Nhiều nhà đầu tư ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang diễn ra và bán tháo cổ phiếu.

Đáng lưu ý, trong đợt điều chỉnh kéo dài này, không chỉ nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm giá sâu, mà ngay cả cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt cũng giảm sàn hàng loạt. Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu TCB (của Ngân hàng Techcombank) đã giảm 15,9%; PHR (của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa) giảm 14,3%; cổ phiếu HDB (của Ngân hàng HDBank) giảm 14,6%..., mặc dù đây là những doanh nghiệp có hiệu quả sinh lời trên vốn rất tốt. Năm 2021, HDBank có lợi nhuận tăng 39% so với năm 2020. Trong khi đó, Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), vừa báo lãi tăng trưởng 23% trong quý I/2022. Còn Cao su Phước Hòa thì vừa báo lãi quý I/2022 tăng trưởng 238% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số cổ phiếu ngành dệt may, bán lẻ, phân bón - những lĩnh vực đang tăng trưởng khả quan nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi cũng giảm giá mạnh. Chẳng hạn, TNG giảm 14,4%, DCM giảm 13,8%…

Chứng kiến diễn biến này, một nhân viên môi giới đã phải thốt lên: “Sự kiên nhẫn của giới đầu tư đã bị bào mòn khi rất nhiều cổ phiếu tốt cũng “lau sàn” liên tục”.

Lý giải về việc những cổ phiếu tốt lại giảm mạnh, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, do tác động lan toả của thị trường chung và hiệu ứng call margin (lệnh gọi ký quỹ), force sell (bán giải chấp của các công ty chứng khoán).

“Khi thị trường bước vào đợt điều chỉnh, nhóm đầu tiên chịu tác động sẽ là những cổ phiếu đầu cơ hoặc vừa trải qua chu kỳ tăng trưởng quá nhanh, sau đó sẽ lan sang các nhóm khác, trong đó có cả những cổ phiếu tốt. Ngoài ra, hiệu ứng force sell cũng sẽ khiến hàng loạt cổ phiếu cơ bản bị bán “oan” để công ty chứng khoán thu tiền về”, ông Huy phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, trong trường hợp không thể bán giải chấp những cổ phiếu xấu của nhà đầu tư (do đã gãy nền giá, kém thanh khoản), công ty chứng khoán có thể đem những cổ phiếu tốt ra bán để nhanh chóng thu tiền về. Đây chính là lý do khiến nhiều cổ phiếu bluechips bị bán tháo và giảm giá.

Túc tắc "nhặt hàng"

Trong những phiên nhà đầu tư nội miệt mài “xả hàng” thì khối ngoại lại ồ ạt mua ròng những cổ phiếu bluechips như VNM, NVL, MWG, VRE, MSN... Bám theo chỉ báo này, nhiều nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm túc tắc nhặt “hàng”, bởi lâu lâu mới có dịp gom được cổ phiếu tốt với giá rẻ.

Chuyên gia Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) gợi mở: "Khi thị trường chung giảm điểm, bất chấp là cổ phiếu "vịt" hay "thiên nga" đều bị bán mạnh, đó chính là cơ hội tốt cho chúng ta".

Sau buổi chiều “Ngày Thứ Hai đen tối” 25/4, trong bức thư gửi nhà đầu tư, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của Quỹ đầu tư Vina Capital cũng nhấn mạnh rằng, khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn.

Trong chương trình talk show Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức chiều 28/4/2022 với chủ đề “Thị trường giảm sâu, cách nào để nhà đầu tư chế ngự nỗi sợ?”, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị AZFin Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư cần phân biệt thị trường thực tế (hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) và thị trường ảo - nơi những con số nhảy múa trên bảng điện tử.

“Khi chỉ số chứng khoán rơi 80 điểm thì doanh nghiệp ngoài kia có ảnh hưởng gì không?”, ông Phục đặt câu hỏi rồi phân tích, sau các cơn bão chỉ số thì người ta sẽ phải quay lại với quy luật giá trị. “Nhiều cổ phiếu giá trị bị bán tống bán tháo mặc dù một thời gian trước đó người ta ao ước được mua với giá cao hơn. Nhà đầu tư nếu còn vị thế thì hãy mạnh dạn “ôm” vào”, vị chuyên gia nói.

Ở góc nhìn vĩ mô, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, dựa trên triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế. Vị chuyên gia cho rằng, sau giai đoạn thị trường giảm mạnh, nhiều người chán nản chính là giai đoạn gieo hạt để hái quả vào mùa thu hoặc cuối đông năm nay.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ