Giao dịch chứng khoán sáng 6/10: Rung lắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu không lớn khiến thị trường gặp rung lắc khi VN-Index tiếp cận ngưỡng 1.360 điểm trong phiên sáng nay (6/10).
Giao dịch chứng khoán sáng 6/10: Rung lắc

Trong phiên giao dịch hôm qua, với sự trở lại đầy ngẫu hứng của nhóm ngân hàng và chứng khoán, giúp VN-Index có phiên tăng mạnh nhất gần 2 tháng về điểm số, đóng cửa ở mức cao nhất ngày và lần đầu tiên đóng cửa trên đường trung bình động 20 (MA20) sau 6 phiên liên tiếp ở dưới ngưỡng này.

Về kỹ thuật, VN-Index đã đi ngang sát dưới đường M20 khá lâu và dải Bollinger thu hẹp dần báo hiệu về khả năng thị trường sẽ có biến động mạnh theo cả 2 chiều, nếu giảm thì sẽ giảm mạnh và nếu tăng thì cũng tăng mạnh.

Phiên tăng mạnh hôm qua là một chỉ báo tích cực, ngoài việc đưa chỉ số vượt đường MA20 còn có ý nghĩa tạo đà để VN-Index bứt phá khỏi vùng sideway theo hướng tăng điểm. Tuy nhiên điều này còn cần thêm một vài phiên để xác nhận thị trường vào xu hướng tăng.

Những kỳ vọng về việc doanh nghiệp phục hồi nhanh sau 1 quý giãn cách ở nhiều địa phương, quan trọng nhất là dòng tiền vẫn ở lại thị trường nhờ nền tảng lãi suất thấp là cơ sở quan trọng nhất để kỳ vọng thị trường sẽ tạo ra một đợt sóng tăng tiếp nối.

Bước vào phiên sáng nay, nhóm khí với sự dẫn dắt của GAS vẫn duy trì phong độ tốt, trong khi nhóm thép sau phiên điều chỉnh hôm qua cũng đã nhanh chóng bật trở lại, cùng với VHM, GVR và quán tín của nhóm ngân hàng, giúp VN-Index tiếp tục tăng điểm khi mở cửa phiên sáng nay và tạo một Gap 5 điểm.

Tuy nhiên, giống như diễn biến gần đây, nhóm ngân hàng và chứng khoán nhanh chóng bị bán ra khiến đại đa số quay đầu giảm, một số mã giữ sắc xanh nhưng đà tăng không còn mạnh như hôm qua, VN-Index theo đó bị đẩy lùi lại.

Dù vậy, lực cung không quá lớn, giúp VN-Index chỉ lùi nhẹ 1 bước, sau đó lấy lại đà tăng để lên test lại mốc 1.360 điểm đã đạt được lúc đầu phiên. Trên bảng điện tử, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng không có con sóng nào quá lớn khi số mã tăng trần chưa hết 1 bàn tay.

GVR sau thông tin được hoàn trả 132 tỷ đồng sau quyết toán cổ phần hóa càng tiếp thêm động lực để cổ phiếu này hướng tới đỉnh cũ 41.000 đồng thiết lập hôm 6/9. Hiện cổ phiếu này tăng 1,6% lên 38.100 đồng.

Khi VN-Index vượt ra ngoài dải trên Bollinger bank đã bị đẩy mạnh trở lại, xuống sát tham chiếu, lấp gần đầy Gap đã mở lúc đầu phiên về vùng 1.355 điểm trước khi nảy nhẹ trở lại và giữ được sắc xanh nhạt trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,73 điểm (+0,20%) lên 1.357,36 điểm với 215 mã tăng, 183 mã giảm và 45 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 369,1 triệu đơn vị, giá trị 10.880 tỷ đồng, giảm nhẹ so với sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,7 triệu đơn vị, giá trị 966 tỷ đồng.

Trong nhóm dầu khí, chỉ còn một số mã giữ được đà tăng, đáng kể nhất là GAS với mức tăng 1,93% lên 111.100 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị và là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index với 1,05 điểm. Các mã khác chỉ còn tăng nhẹ hoặc điều chỉnh.

Trong khi đó, nhóm thép dù không tăng mạnh, nhưng đa số đã lấy lại được những gì đã mất trong phiên điều chỉnh hôm qua. Trong đó, mã đầu ngành là HPG tăng 1,27% lên 56.000 đồng, khớp 16,2 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản.

Trong nhóm này, TLH vẫn là mã tăng mạnh nhất 2,29% lên 22.300 đồng, NKG tăng 1,27% lên 48.000 đồng, HSG tăng 0,94% lên 48.300 đồng, POM tăng 0,87% lên 17.300 đồng…

Ngoài ra, VN-Index cũng nhận được sự hỗ trợ của VHM với mức tăng 0,8% lên 80.000 đồng và GVR tăng 1,3% lên 38.000 đồng, với khối lượng khớp gần 2,5 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, phút ngẫu hứng của nhóm ngân hàng và chứng khoán nhanh chóng vụt tắt khi trong nhóm ngân hàng chỉ có LPB, TCB, BID, BID tăng nhẹ trên dưới 0,5%, EIB và VIB đứng giá tham chiếu, còn lại đều quay đầu giảm.

Trong nhóm chứng khoán, cũng chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh nhạt là FTS, BSI và VDS, còn lại đều quay đầu giảm.

Nhóm bất động sản hôm nay giao dịch khá tích cực với 3 mã tăng trên 5% là HQC, DIG và SGR, trong đó HQC có lúc đã lên trần 3.810 đồng; 9 mã tăng hơn 2%...

Dù ít sóng, nhưng cũng có những điểm sáng đáng chú ý như tại DLG khi bất ngờ nhận lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên mức trần 5.080 đồng với thanh khoản 10,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 5,5 triệu đơn vị. Cũng đóng cửa ở mức giá trần sáng nay chỉ có thêm 4 mã là SJF, BWE, TCD và EMC.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE khi chỉ số chính mở cửa tăng mạnh, xác lập mức cao nhất phiên ngay đầu phiên, sau đó bị đẩy xuống sát tham chiếu trước khi nảy nhẹ và giữ sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,11%), lên 366,89 điểm với 85 mã tăng, trong khi có 110 mã giảm và 154 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.269 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 17 tỷ đồng.

Trên HNX, số mã tăng trần cũng khiêm tốn chỉ 10 mã và đa số là các mã tương đối “lạ” thanh khoản thấp, ngoại trừ PVL khớp hơn 2 triệu đơn vị đóng cửa ở mức 4.700 đồng, không còn dư mua trần.

Trên sàn này, SHB đã chào tạm biệt từ hôm nay để chuyển sang niêm yết trên HOSE từ ngày 11/10, nên dòng tiền hướng sự chú ý tới PVS với thanh khoản hơn 5,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 28.800 đồng.

TNG và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt tiếp theo với hơn 4 triệu đơn vị và cùng đóng cửa tăng 5,3% lên 29.900 đồng và 0,9% lên 10.900 đồng.

UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết, nhưng không may mắn bằng khi bị đẩy xuống dưới tham chiếu và không còn thời gian để trở lại sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 96,89 điểm với 137 mã tăng và 84 mã giảm với 158 mã tăng và 103 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52 triệu đơn vị, giá trị 1.059 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 64 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản nhất thị trường với 8,2 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 21.000 đồng. Tiếp đến là VGT gần 6,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,1% lên 20.800 đồng. ORS, C4G và PAS là các mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá. Tiếp đến là LTG tăng mạnh 4,3% lên 40.900 đồng, thanh khoản 1,67 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục