Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn đi ngang trong tháng 9, kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ sớm kết thúc trạng thái tích lũy để tạo nền cho một xu hướng tích cực hơn trong tháng 10.
Thị trường đang ở trạng thái sẵn sàng đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2021 kém khả quan của nhiều doanh nghiệp. Thị trường đang ở trạng thái sẵn sàng đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2021 kém khả quan của nhiều doanh nghiệp.

Dòng tiền luân chuyển

Số lượng tài khoản mở mới và dòng tiền nộp vào các công ty chứng khoán duy trì ở mức cao là yếu tố tích cực, tạo điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Tình hình cung - cầu hiện tại của thị trường duy trì được thế cân bằng khi những nhóm cổ phiếu nhỏ thay phiên tăng nóng trong gần 3 tháng qua đã hạ nhiệt và nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn sau khi điều chỉnh bắt đầu được quan tâm trở lại.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Sản phẩm đầu tư, Công ty Chứng khoán Công Thương cho biết, trong khoảng thời gian thị trường đi ngang, có những đợt sóng nhỏ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu như cảng biển, y tế, thép, dầu khí, phân bón… Dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn.

Dòng tiền sau khi chảy vào nhóm cổ phiếu nhỏ giúp giá bật tăng đang dần quay trở lại các mã vốn hóa lớn vừa có đợt điều chỉnh giá, hoặc chưa tăng giá mạnh.

Điểm tích cực trong vài phiên gần đây là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, báo hiệu tình trạng đi ngang hiện tại có thể sẽ kết thúc trong vài phiên tới và chỉ số VN-Index có khả năng kiểm định mức kháng cự 1.380 điểm (cuối tuần qua, chỉ số đóng cửa gần 1.335 điểm).

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam nhận xét, yếu tố tích cực đối với thị trường là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách và xây dựng lộ trình mở lại các hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, một số rủi ro vĩ mô thế giới gần đây như khả năng vỡ nợ và ảnh hưởng dây chuyền của Tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc đã dịu xuống.

Tuy nhiên, các kỳ vọng về sự khởi sắc của thị trường không quá cao, nhất là khi kết thúc quý III/2021, số liệu thống kê nhiều khả năng sẽ thể hiện tác động tiêu cực của bệnh dịch Covid-19 lên cả thống kê vĩ mô lẫn kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất và thị trường tiêu thụ trong vùng dịch tại miền Nam.

“Xem xét các nhóm vốn hoá lớn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, chúng ta khó có thể kỳ vọng sự đồng thuận cho một nhịp tăng của chỉ số VN30-Index và VN-Index khi nhóm ngân hàng nhìn chung vẫn có diễn biến đi ngang tích luỹ. Dù vậy, sự dịch chuyển của dòng tiền sang nhóm cổ phiếu trụ sẽ là động lực kéo chỉ số đi lên”, ông Vinh nói.

Kịch bản tháng 10

Thị trường chứng khoán tháng 10 theo thống kê những năm gần đây của Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho thấy, chỉ số điều chỉnh sâu trong năm 2018 và có mức tăng không quá mạnh trong năm 2019, 2020. Với tháng 10 năm nay, thị trường dự kiến sẽ không có nhiều biến động, khi kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III của một số nhóm ngành đã được thể hiện vào diễn biến giá. Theo đó, thị trường có thể duy trì xu hướng giằng co.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, xu hướng chủ đạo của thị trường có thể tiếp tục đi ngang. Tuy nhiên, đi ngang ở vùng nào thì cần theo dõi thêm, thị trường chiết khấu các tin xấu ra sao trong một vài tuần tới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới HSC khuyến nghị, nhà đầu tư cần lưu tâm về cả 2 phía cung và cầu, chứ không chỉ quan tâm theo hướng “cầu” là tìm mã cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực.

Về phía cung, việc các doanh nghiệp dồn dập phát hành cổ phiếu là vấn đề lớn, thị trường cần thời gian để hấp thụ. Nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, tài nguyên cơ bản… có lượng phát hành nhiều nhất.

Về phía cầu, các nhóm ngành đang được đánh giá tích cực như hàng tiêu dùng, nhờ hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến trong giai đoạn giãn cách xã hội; bán lẻ (MSN, FRT, DGW), với triển vọng kinh doanh sáng trong quý cuối năm 2021 và năm 2022, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 chỉ là trở ngại ngắn hạn, mang tính tạm thời. Một số ngành khác được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh sau giai đoạn giãn cách xã hội là môi giới bất động sản (VRE, DXG), vật liệu xây dựng (KSB, HBC, CII, FCN).

Kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp đang tới gần, những doanh nghiệp lớn được dự báo có kết quả khả quan hơn các nhóm khác, cổ phiếu sẽ thu hút đầu tư và dẫn dắt thị trường.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường đang ở trạng thái sẵn sàng đón nhận kết quả kinh doanh quý III/2021 kém khả quan của nhiều doanh nghiệp do tình hình dịch bệnh kéo dài, nên thông tin xấu khi được công bố sẽ ít có tác động.

Trong khi đó, yếu tố này có thể đã được phản ánh vào tình trạng thị trường ảm đạm trong thời gian vừa qua. Ngay cả phiên 29/9, khi tiếp nhận thông tin GDP quý III tăng trưởng âm, thị trường chỉ rung lắc trong phiên, đến cuối phiên lại hồi phục.

Hiện nay, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đều xác định sẽ sống chung cùng Covid-19, khả năng không còn tình trạng giãn cách toàn xã hội như trong quý III.

Từ đó, chúng tôi cho rằng, kết quả kinh doanh quý IV/2021 của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc và thị trường chứng khoán bắt đầu phản ánh bức tranh sáng của nền kinh tế sau khi kết thúc mùa công bố báo cáo tài chính quý III, tức bước vào một đợt tăng giá.

Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi thu hút thêm nhiều người tham gia và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản chứng khoán trên dư nợ tăng cao, từ 10 - 30% lên 45 - 55%. Trước đây, mỗi khi sóng tăng trung hạn kết thúc thì tỷ lệ này sụt giảm nhanh, do tiền chuyển sang kênh đầu tư khác, nhưng nay được duy trì, chờ cơ hội giải ngân.

Xét về mặt định giá, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi. Nếu tính lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở mức 5%/năm thì P/E hợp lý toàn thị trường ở mức 20 lần, trong khi hiện tại là hơn 16 lần.

Từ những lập luận trên và theo phân tích kỹ thuật, chúng tôi dự báo, thị trường sẽ ở trạng thái vừa tăng, vừa tích lũy (sideway up) trong tháng 10 để tạo nền cho một đợt tăng mạnh hơn sau đó.

Một số nhóm ngành đáng quan tâm để lựa chọn cổ phiếu đầu tư cho giai đoạn quý IV/2021 là bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dầu khí, các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công.

Đối với nhóm ngân hàng, nguy cơ nợ xấu tăng, khả năng biên lãi ròng giảm, cổ phiếu phát hành thêm làm loãng giá… đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian qua. Tới đây, khi nền kinh tế mở cửa, hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi, các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng tăng mạnh. Dự báo, cổ phiếu ngân hàng sẽ hấp dẫn trở lại kể từ cuối tháng 10 (sau khi công bố báo cáo quý III) và dẫn dắt thị trường tăng điểm từ tháng 11 trở đi.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ