Giao dịch chứng khoán sáng 5/8: Nhóm cổ phiếu chứng khoán ngược dòng tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giữ đà tăng điểm với thanh khoản sôi động.
Giao dịch chứng khoán sáng 5/8: Nhóm cổ phiếu chứng khoán ngược dòng tỏa sáng

Thị trường đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, nhưng sự hồi phục của VN-Index đang tiến gần mức kháng cự rất mạnh 1.262 – 1.280 điểm nên xác suất cao tại ngưỡng này có thể sẽ có sự điều chỉnh và trong phiên hôm qua (4/8) đã thể hiện sự lưỡng lự với sự xuất hiện của cây nến Doji.

Trong các phiên sắp tới, áp lực điều chỉnh và phân hóa dự báo sẽ ngày càng mạnh dần nhưng, nhưng giới phân tích vẫn lạc quan về xu hướng thị trường và cho rằng quan điểm tích cực vẫn không thay đổi.

Theo KBSV, dù áp lực rung lắc sẽ càng trở nên rõ nét hơn trong quá trình đi lên, vùng hỗ trợ gần quanh 1.240 điểm sẽ đóng vai trò điểm đỡ ngắn hạn, trước khi hồi phục trở lại và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.280 điểm.

Quay lại với phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 5/8, áp lực bán gia tăng ngay khi mở cửa khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Dù sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường chung nhưng lực bán không quá lớn khiến VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ, biến động quanh vùng giá 1.250 điểm.

Nếu trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu lớn nhà bank – VCB là trụ cột chính giúp thị trường nối dài chuỗi tăng điểm, thì trong phiên sáng nay, mã lớn nhóm bất động sản là NVL đóng vai trò “má phanh” giúp VN-Index bớt giảm sâu khi tăng trên dưới 3%, thậm chí có thời điểm tăng tới gần 5%.

Trên thị trường, dòng tiền vẫn tập trung vào các cổ phiếu nhóm chứng khoán và thép. Trong đó, cổ phiếu HPG tiếp tục điều chỉnh nhẹ hơn 1% và vẫn là mã giao dịch vượt trội đạt trên 13 triệu đơn vị, trong khi HSG và NKG tiếp tục khởi sắc với HSG tăng khá tốt trên dưới 3%.

Các nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, chứng khoán, kể cả nhóm vật liệu xây dựng dù nhận thông tin tích cực từ việc Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, cũng đa số giảm điểm.

Bên cạnh áp lực bán có phần chiếm ưu thế, lực cầu cũng tỏ ra thận trọng hơn sau 4 phiên liên tiếp tăng điểm, đã khiến thị trường khó chạm mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng giá 1.250 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 174 mã tăng và 259 mã giảm, VN-Index giảm 3,34 điểm (-0,27%), xuống 1.250,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 363 triệu đơn vị, giá trị 8.178 tỷ đồng, giảm 18,68% về khối lượng và 22,68% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,55 triệu đơn vị, giá trị 306,25 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi ghi nhận 20 mã giảm điểm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (9 mã). Trong đó, ngoài MSN giảm 2%, một số mã lớn khác như VHM, VJC, HPG, VIC, SAB, GVR, PLX giảm trên 1%.

Trái lại, cổ phiếu lớn bất động sản – NVL vẫn là mã tăng tốt nhất trong rổ bluechip khi tạm chốt phiên sáng tại mức giá 80.900 đồng/CP, tăng 3,1% với thanh khoản vẫn khá sôi động, đạt 2,94 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, cổ phiếu đáng chú ý là POW có phiên giao dịch bùng nổ sau 2 phiên điều chỉnh trước đó với thanh khoản tăng vọt, gần gấp đôi khối lượng khớp lệnh trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây. Chốt phiên sáng nay, POW tăng 2,94% lên mức 14.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán vẫn giữ nhịp tăng, bất chấp xu hướng chung điều chỉnh. Trong đó, cổ phiếu SSI hồi phục và chốt phiên tăng 1,7% lên vùng giá cao nhất trong phiên 23.950 đồng/CP, thanh khoản nằm trong top 3 dẫn đầu với hơn 14 triệu đơn vị và tiếp tục được khối ngoại gom mạnh khi mua ròng tới gần 4 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, VND tăng 1,4% lên 21.500 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 5 trên thị trường khi khớp xấp xỉ 12,4 triệu đơn vị; VIX tăng 2,9% lên 12.350 đồng/CP, VCI tăng 3,1% lên 44.950 đồng/CP, APG tăng 2,2% lên 7.890 đồng/CP, ORS tăng 3,2% lên 16.200 đồng/CP, CTS tăng 1,4% lên 21.150 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thép, cổ phiếu HPG vẫn đứng dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên giảm 1,3% xuống 23.350 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường, khớp lệnh hơn 23,73 triệu đơn vị; trong khi HSG tạm dừng chân tại mốc 20.450 đồng/CP, tăng 2,8%; còn NKG tăng nhẹ 0,7% lên 20.850 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng của thị trường. Ngoại trừ CTG và TCB tăng chưa tới 0,5%, cùng TPB đứng giá tham chiếu, còn lại đều đỏ điểm. Tuy nhiên, biên độ giảm của dòng bank không quá lớn, chủ yếu trên dưới 0,5%, ngoại trừ VIB, EIB, LPB, MSB giảm hơn 1%.

Ở nhóm bất động sản, trong khi NVL tiếp tục đóng vai trò là “má phanh” cho thị trường, thì cặp đôi lớn nhà Vingroup là VHM và VIC cùng giảm hơn 1%. Điểm sáng của ngành vẫn là các cổ phiếu trong top vừa và nhỏ, với ITC, PTL, DC4 tăng kịch trần, NVT tăng gần sát trần, UDC tăng 5,6%, HQC, NTL, CII, LDG, TDC, VCG, DRH… đều khởi sắc.

Ở nhóm cổ phiếu khai thác dầu, đáng chú ý là PVD. Hôm nay, cổ phiếu PVD điều chỉnh giá bởi là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Chốt phiên sáng nay, PVD tăng 6,53% lên sát mức giá trần 16.800 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, gần bằng cả phiên hôm qua khi khớp gần 8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu cải thiện về cuối phiên, cùng sự hỗ trợ từ một số mã bluechip, đã giúp HNX-Index hồi phục sắc xanh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 71 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,18%) lên 298,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 907 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Nhóm HNX30 khởi sắc khi có 13 mã tăng, chỉ còn 8 mã giảm và 8 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, các mã giảm với biên độ chỉ trên dưới 1%, như TIG giảm 1,4%, IDC giảm 1,1%, DDG giảm 1%, THD giảm 0,8%...

Trái lại, cũng như sàn HOSE, cổ phiếu khai thác dầu trên HNX cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực. Cụ thể, PVC tăng 5,2% lên 18.200 đồng/CP và khớp 1,82 triệu đơn vị; còn PVS tăng 3,8% lên 24.500 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 8,23 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc với MBS tăng 2,5% lên 24.200 đồng/CP, BVS và SHS cùng tăng hơn 0,5%, APS tăng 1,2%. Trong đó, SHS vẫn sôi động với thanh khoản chỉ thua PVS, đạt hơn 6,67 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như CEO tăng 1,2% lên 33.200 đồng/CP, BII tăng 4,2% lên 5.000 đồng/CP, HUT quay về mốc tham chiếu…

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên sáng rung lắc và điều chỉnh, thị trường đã đảo chiều lấy lại đà tăng điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%) lên 91,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,48 triệu đơn vị, giá trị 573,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,56 triệu đơn vị, giá trị 118,86 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR hồi phục khi chốt phiên tăng 1,2% lên mức 24.700 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch vượt trội khi khớp lệnh gần 11,76 triệu đơn vị, bỏ xa cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản l.à VHG khớp 4,44 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL cũng lấy lại sắc xanh khi tăng nhẹ 0,8% lên 13.100 đồng/CP và khớp 1,28 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, hàng loạt mã nhỏ như DCS, ACM, PVX, KHB, GTT, NHP đều chốt phiên tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục