Thị trường vẫn duy trì dòng tiền chảy khá mạnh cùng những tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài khi đã trở lại với những phiên mua ròng hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường giai đoạn phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu khiến các chỉ số khá rung lắc.
Kể từ đầu tuần đến nay, chỉ số VN-Index liên tục thay đổi với những phiên tăng giảm xen kẽ và dao động giằng co quanh vùng giá 910 điểm. Phiên hôm qua (24/9) cũng không ngoại trừ. Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index trượt chân và để mất mốc 910 điểm.
Theo đánh giá của giới phân tích, trong bối cảnh thế giới chưa ổn định, một phiên giảm nhẹ của thị trường trong nước là điều tích cực. Bên cạnh đó, với mức thanh khoản được duy trì khá cao bất chấp dấu hiệu bán ra trong những phiên gần đây gia tăng khiến chỉ số chính chỉ điều chỉnh nhẹ hoặc vẫn duy trì đà tăng, là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn khỏe.
BVSC cho rằng, thị trường vẫn đang nằm trong trạng thái quá mua nên việc xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh vẫn đang hiện hữu trong quá trình đi lên. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tạo sức hút của dòng tiền và sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn.
Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/9, với sắc xanh bao phủ gần hết các mã trong nhóm VN30, đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, dòng tiền tham gia có phần thận trọng và các trụ cột chỉ nhích nhẹ, ngoại trừ VIC tăng nhỉnh hơn 1% khiến VN-Index không đi quá xa. Chỉ số này chỉ vượt nhẹ qua mốc 910 điểm rồi nhanh chóng thoái lui do áp lực bán gia tăng.
Lực bán tiếp tục dâng cao khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và với hầu hết các cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank đảo chiều, đã đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu sau gần 1 giờ giao dịch.
Không nằm ngoài dự đoán của BVSC, các cổ phiếu lớn vẫn là động lực chính của thị trường. Với diễn biến tích cực ở các trụ cột như VIC, VHM, VNM và SAB, đã giúp VN-Index nhanh chóng bật ngược đi lên, trở lại với ngưỡng 910 điểm.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là các tân binh. Trong khi ASG tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 dù giao dịch vẫn khá hạn chế bởi vắng bóng lực cung, thì cổ phiếu tân binh TTA của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 sau 3 phiên chào sàn tăng khá mạnh.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sau 2 phiên bán tháo mạnh, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc tốt trong phiên sáng nay, giúp TTA có giao dịch sôi động và lượng dư bán sàn giảm dần.
Bên cạnh đó, cổ phiếu bia BHN có phiên tăng trần thứ 2 và ghi nhận chuỗi ngày dài tăng thẳng đứng Tính trong hơn 1 tháng qua, từ phiên 21/8 đến nay, cổ phiếu BHN đã tăng hơn 50%, hiện đứng tại mức giá 72.100 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu OGC đã có dấu hiệu giảm nhiệt và dần để mất sắc tím với thanh khoản sụt giảm mạnh, hiện khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, chỉ bằng 1/10 so với phiên hôm qua (24/9).
Áp lực bán vẫn dâng cao khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, tuy nhiên, sự hỗ trợ tích cực từ một số mã lớn đã giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh, dù để mất mốc 910 điểm.
Tạm chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng và 226 mã giảm, VN-Index tăng 0,43 điểm (+0,06%), lên 909,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182,12 triệu đơn vị, giá trị 3.080,69 tỷ đồng, cùng giảm hơn 6% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,9 triệu đơn vị, giá trị 282,81 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có tới 23 mã giảm và chỉ 6 mã giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, hầu hết các mã chỉ giảm trong biên độ hẹp, ngoại trừ duy nhất MWG giảm nhỉnh hơn 1%.
Trái lại, các mã có vốn hóa lớn nhất nhì thị trường vẫn duy trì sắc xanh, là điểm tựa chính giúp thị trường giữ nhịp tăng. Cụ thể như VIC +1,61% lên 94.500 đồng/CP, SAB +0,53% lên 188.000 đồng/CP, VHM và VNM cùng tăng nhẹ chưa tới 0,5%.
Điểm sáng trong nhóm VN30 là STB. Trong khi các cổ phiếu cùng ngành ngân hàng đều quay đầu mất điểm thì lực cầu tăng vọt đã giúp STB hồi phục và có phiên giao dịch tích cực. Tạm chốt phiên sáng, STB +4,02% lên mức 12.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 22,74 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, dù có chút giảm nhiệt đầu phiên nhưng OGC đã lấy lại sức hút khi chốt phiên đứng tại mức giá trần 6.490 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 5,28 triệu đơn vị và dư mua trần 0,85 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FCN cũng có phiên giao dịch ấn tượng sau thông tin ước lãi 50 tỷ đồng trong quý III và tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020. Đã có thời điểm FCN được kéo lên mức giá trần và chút hạ nhiệt về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, FCN+5,6% lên sát trần 11.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,33 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất trong hơn 1,5 năm qua (từ tháng 12/2018).
Trong khi đó, những tưởng lệnh bắt đáy nhập cuộc sẽ giúp TTA ngừng rơi nhưng niềm vui vẫn chưa tới. Lực bán tiếp tục gia tăng khiến TTA nhanh chóng trở lại với sắc xanh mắt mèo và chốt phiên tạm đứng tại mức giá 19.150 đồng/CP với khối lượng khớp 6,1 triệu đơn vị, dư bán sàn gần 0,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, giao dịch cũng khá rung lắc, tuy nhiên lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến HNX-Index tạm dừng chân dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,3%), xuống 131,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,73 triệu đơn vị, giá trị 279,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 6 tỷ đồng.
Các mã lớn giao dịch không mấy tích cực như SHB -0,6% xuống 15.300 đồng/CP, PVS -1,5% xuống 13.300 đồng/CP, PVI -0,7% xuống 30.000 đồng/CP, NTP -1,8% xuống 33.000 đồng/CP…
Trong khi đó, VCS dù có chút rung lắc nhưng vẫn duy trì đà tăng với +1,2% lên 68.700 đồng/CP. Ngoài ra, VCG, IDC, NVB cũng nhích nhẹ, giúp HNX-Index không giảm sâu.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS khớp 3,9 triệu đơn vị, ACB khớp 2,34 triệu đơn vị, SHB khớp 2,11 triệu đơn vị, MBG khớp hơn 2 triệu đơn vị, NVB khớp 1,25 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch diễn ra khá tích cực khi sắc xanh duy trì trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,18%), lên 61,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,8 triệu đơn vị, giá trị 159,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 tỷ đồng.
Các mã lớn hỗ trợ cho đà tăng thị trường như VIB +1,9% lên 26.200 đồng/CP, ACV +1,3% lên 63.300 đồng/CP, MSR +2,5% lên 16.400 đồng/CP…
Cổ phiếu LPB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 5,34 triệu đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên +1,9% lên 10.700 đồng/CP.