Giao dịch chứng khoán sáng 25/7: Thiếu vắng dòng tiền lớn, thị trường chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền dè dặt, không có nhóm ngành nào đủ sức để lĩnh ấn tiên phong dẫn dắt khiến thị trường cứ chạm ngưỡng 1.200 điểm là “quay xe”, ngoại trừ một số mã đơn lẻ giữ được nhịp sóng rất dài, tâm điểm hiện nay là ST8.
Giao dịch chứng khoán sáng 25/7: Thiếu vắng dòng tiền lớn, thị trường chìm trong sắc đỏ

Thị trường đã tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần qua với mức tăng tốt hơn tuần trước đó. Tuy nhiên, VN-Index đã nhiều lần có khoảng 6 lần test ngưỡng 1.200 điểm thất bại trong 2 phiên cuối tuần qua, trong đó phiên cuối tuần thậm chí VN-Index còn bị đẩy xuống dưới tham chiếu.

Trong tuần trước, ngoại trừ phiên thứ Tư (20/7), dòng tiền bất ngờ hoạt động tích cực, tập trung và nhóm thị giá vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã bất động sản, còn lại dòng tiền chủ yếu ở mức thấp, trung bình chỉ hơn 11.000 tỷ đồng/phiên (trên HOSE).

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (27/7), tình hình chưa có gì biến chuyển khi dòng tiền vẫn dè dặt, sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử khiến VN-Index mở cửa dưới tham chiếu. Tuy nhiên, mức giảm không đáng kể khi có VIC, MSN, VCB, GAS, VHM hỗ trợ, trong khi các mã giảm biên độ cũng không lớn, nên VN-Index chỉ lình xình dưới tham chiếu.

Dường như nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương với cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào thứ Ba và thứ Tư tuần này với dự đoán, Fed có quyết định tăng tiếp lãi suất ở mức 0,75% - 1%. Nếu Fed tăng 0,75% như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư và giới phân tích, thị trường sẽ không chịu tác động nhiều, còn nếu mức tăng 1%, nhiều khả năng sẽ gây tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó nhất là các thị trường mới nổi châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam khi có thể đối diện với làn sóng rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.

Sự thận trọng này khiến thị trường giao dịch cầm chừng trong 1 tiếng đồng hồ đầu phiên sáng. Sau đó, dòng tiền bất ngờ hoạt động tích cực dần lên, nhắm vào các mã có tính thị trường thị giá thấp như cặp đôi HAG - HNG, HQC, LCG, VRC, IDI, ASM…, giúp sắc xanh nhiều dần lên, sắc đỏ giảm bớt đi và VN-Index vượt qua được tham chiếu, nhưng nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại và số mã giảm thậm chí còn nhiều hơn lúc đầu phiên sáng.

Lực bán mạnh, trong khi dòng tiền yếu khiến VN-Index lần này bị đẩy xuống sâu hơn nửa đầu phiên sáng, thủng mốc 1.190 điểm, về sát đường trung bình động MA20.

Chốt phiên, VN-Index giảm 7,82 điểm (-0,65%), xuống 1.186,94 điểm với 101 mã tăng (8 mã trần), trong khi có tới 335 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 227,6 triệu đơn vị, giá trị 5.074,5 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,5 triệu đơn vị, giá trị 303,4 tỷ đồng.

Trong giai đoạn vừa qua, dù VN-Index luôn gặp khó ở ngưỡng 1.200 điểm, nhưng thị trường vẫn chứng kiến những con sóng tại nhiều mã đơn lẻ như HAG, HNG, HQC, hay sự phục hồi của nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, nhưng các con sóng hay đà phục hồi này thường rất ngắn, nhiều mã chỉ đủ T+ khi cổ phiếu về tài khoản là nhà đầu tư đã sớm hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, vẫn có một vài con sóng đơn lẻ kéo dài, trong đó đáng kể là ST8 của Công ty cổ phần Siêu Thanh khi liên tục duy trì đà tăng mạnh từ tháng 4 tới nay (dù có một số nhịp điều chỉnh, nhưng vẫn theo xu hướng đi lên), với mức tăng hơn gấp đôi kể từ cuối tháng 4 đến nay, thiết lập đỉnh cao mới. Đặc biệt, từ giữa tháng 7, sau thông tin về việc chia cổ tức 85% bằng tiền mặt, cổ phiếu này đã tăng gần 40%.

Mới đây, ST8 cũng đã báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, gần 200,8 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ gần 1 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đạt 206,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 32 lần so với cùng kỳ.

Thông tin này tiếp tục đưa ST8 lên mức giá trần 25.100 đồng sáng nay, phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và còn dư mua giá trần. Tuy nhiên, lực bán không lớn, nên thanh khoản chỉ dưới 230.000 đơn vị. Ngoài ST8, còn có một số mã khác cũng tăng trần sáng nay là HAX, TIP, VRC, VNS…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn, hỗ trợ cho thị trường nửa đầu phiên sáng nay đều yếu đà, như VCB chỉ còn mức tăng nhẹ 0,1% lên 72.600 đồng và là mã duy nhất trong nhóm ngân hàng tăng giá. Các mã giảm cũng không quá mạnh khi chỉ giảm dưới 2%.

VHM cũng chỉ còn tăng 0,2% lên 58.800 đồng, MSN về tham chiếu, ngoại trừ VIC duy trì mức tăng như đầu phiên sáng, nhưng cũng không quá mạnh, chỉ 1,2% lên 67.300 đồng, mạnh nhất nhóm VN30. Trong khi đó, ngoài BID, còn có GAS quay đầu giảm khá mạnh 2,6% xuống 105.000 đồng, mạnh nhất trong nhóm VN30.

Nhóm chứng khoán cũng toàn bộ nhuộm sắc đỏ, trong đó các mã lớn như VND giảm 2,4% xuống 18.500 đồng, HCM giảm 2,2% xuống 24.100 đồng, SSI giảm 2,2% xuống 20.450 đồng, VCI giảm 1,8% xuống 37.300 đồng. Trong đó, SSI và VND là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 7,81 triệu đơn vị và 6,86 triệu đơn vị, đứng thứ 2 và thứ 4 trên sàn. HCM cũng có thanh khoản khá tốt với 4,86 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng chỉ còn DTL có sắc xanh, cùng VCA đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, HSG giảm mạnh nhất khi mất 3,3% xuống 17.500 đồng, tiếp đến là NKG giảm 2,9% xuống 18.700 đồng, TLH giảm 2,5% xuống 9.260 đồng…, còn mã đầu ngành HPG giảm 1,4% xuống 21.900 đồng, thanh khoản lớn nhất thị trường với 9,95 triệu đơn vị, có lúc HPG có sắc xanh.

Cặp đôi HAG và HNG vẫn giữ được đà tăng, nhưng HAG hãm đi nhiều khi chỉ tăng 0,9% lên 10.950 đồng, thanh khoản 7,73 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường, trước đó mã này có lúc tăng 2,7%. Trong khi HNG tăng 2,3% lên 6.560 đồng, mức cao nhất phiên, thanh khoản 5,21 triệu đơn vị.

Các mã vừa và nhỏ khác như HQC, LCG, IDI, GEX giữ được sắc xanh, nhưng cũng chỉ ở mức nhẹ. Trong khi đại đa số mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

DBC cũng là mã đáng chú ý khi có chuỗi phục hồi ấn tượng từ 22/6 tới nay. Phiên sáng nay, DBC tăng 3,8% lên 27.400 đồng, khớp 5,71 triệu đơn vị. Trong 1 tháng vừa qua, DBC đã hồi phục 65% giá trị sau khi lao từ vùng 37.000 đồng xuống 16.600 đồng.

Trên HNX, không có được sự hỗ trợ các mã lớn như trên HOSE, chỉ số chính của sàn này không có nhịp hồi nào đáng kể để về tham chiếu, mà chỉ vừa nhỉnh lại là đã nhanh chóng bị đẩy xuống sâu hơn.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,99 điểm (-1,38%), xuống 284,85 điểm với 47 mã tăng, trong khi có tới 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,2 triệu đơn vị, giá trị 796 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị 104,4 tỷ đồng.

Trong các mã đáng chú ý trên HNX, chỉ có HUT có sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó SHS giảm 2,4% xuống 12.300 đồng, PVS giảm 3% xuống 22.900 đồng, cả 2 khớp lớn nhất sàn với thanh khoản trên 4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, CEO cũng giảm 3,3% xuống 29.700 đồng, khớp 3,27 triệu đơn vị, IDC giảm 1,8% xuống 59.900 đồng, PVC giảm 3,6% xuống 16.300 đồng… Hai mã vốn hóa lớn nhất sàn là KSF và THD cũng giảm nhẹ, khiến HNX-Index không có chỗ nào để bấu víu.

Trong khi đó, dù mở cửa với sắc xanh, nhưng UPCoM cũng không thoát khỏi phiên giảm điểm như 2 sàn niêm yết khi lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên, trong khi dòng tiền quá ít để đỡ giá.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,56%), xuống 88,34 điểm với 86 mã tăng và 130 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19 triệu đơn vị, giá trị 324,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,5 triệu đơn vị, giá trị 43,9 tỷ đồng.

Sáng nay trên sàn này chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR, VHG và SBS, trong đó chỉ có VHG may mắn đứng tham chiếu, còn 2 mã còn lại đều giảm. Tính rộng ra trong 10 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM sáng nay chỉ có duy nhất VGT có sắc xanh, có thêm FTM đứng giá, còn lại 8 mã giảm. Giảm mạnh nhất là SBS giảm 5,3% xuống 8.900 đồng, khớp 1,33 triệu đơn vị. Tiếp đến là BSR giảm 4% xuống 24.200 đồng, khớp 4,51 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Họ hàng của BSR là OIL cũng giảm 2,4% xuống 12.200 đồng.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục