Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tiêu cực khi chỉ số VN-Index lần lượt xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ với tổng mức giảm lên tới gần 80 điểm, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ cuối tháng 6/2020.
Mặc dù phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/4, thị trường đã hồi phục nhưng tín hiệu khá yếu khi chưa có sự tham gia của dòng tiền mạnh. Do đó, thị trường có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để lấy lại được niềm tin nhà đầu tư và chỉ số VN-Index hồi phục qua các ngưỡng quan trọng MA200 (1.420 điểm), MA20-50 (1.460 – 1.480 điểm) và ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ hồi phục với mục tiêu gần nhất là ngưỡng 1.420 điểm (MA200) nếu như ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.350 điểm (Fib 127,2% sóng điều chỉnh 4) được giữ vững.
Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm để xác nhận kết thúc sóng tăng 5 để bước vào sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm (Fib 31,8% sóng tăng 5).
Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 25/4, tâm lý thận trọng với dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt khiến thị trường thiếu động lực để đi lên và giao dịch khá ảm đạm. Sau khoảng gần 1 giờ rung lắc nhẹ trong biên độ hẹp, lực bán lại dâng cao trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu bluechip sau nhịp hồi cuối tuần trước đã nhanh chóng quay đầu với số mã giảm điểm gấp tới hơn 4 lần số mã tăng, khiến chỉ số VN30-Index mất hơn 10 điểm và đẩy VN-Index về dưới mốc 1.370 điểm, thậm chí có thời điểm chạm mốc 1.365 điểm. Trong đó, điển hình là nhóm cổ phiếu vua – ngân hàng – hầu hết đều điều chỉnh, chỉ còn một vài mã như VCB, MBB, HDB, MSB có được sắc xanh với mức tăng chưa tới 0,5%.
Trong khi đó, điểm nhấn thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhiều mã nóng như ROS, FLC, HQC, HAG, ITA… vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ FLC đang giao dịch sôi động nhất thị trường cùng việc duy trì đà tăng mạnh với các mã ROS, ART, KLF tăng trần hoặc có thời điểm chạm trần. Hiện FLC và ROS đang có mức tăng trên dưới 5% cùng thanh khoản dẫn đầu khi cùng đạt hơn 7,3 triệu đơn vị; HAI và AMD tăng trên dưới 4%; còn cặp đôi trên HNX là ART và KLF đang tăng trần.
Nhóm cổ phiếu thủy sản tiếp tục bị chốt lời mạnh với AAM, ACL, VHC, AGM, ANV, CMX, IDI đồng loạt nằm sàn.
Trong khi dòng tiền tham gia chỉ nhỏ giọt thì bên bán dường như đua nhau tháo chạy khỏi thị trường khiến VN-Index cắm đầu lao dốc và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.350 điểm.
Sắc đỏ tràn ngập trên bảng điện tử khi chốt phiên sàn HOSE có tới 362 mã giảm (40 mã nằm sàn) và 82 mã tăng (2 mã tăng trần), chỉ số VN-Index giảm 33,03 điểm (-2,39%) xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 1.346,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 297,65 triệu đơn vị, giá trị 9.052 tỷ đồng, giảm 33,78% về khối lượng và 18,75% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,48 triệu đơn vị, giá trị 392 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất VRE đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm sâu khiến chỉ số VN30-Index giảm tới gần 37 điểm, chốt phiên đứng tại mốc 1.407 điểm.
Trong đó hầu hết các mã đều giảm hơn 1%, với PNJ dẫn đầu khi để mất 6,7% và có thời điểm chạm sàn; tiếp theo FPT giảm 6,4%, MWG giảm 5,2%, SAB giảm 4,9%, VPB giảm 4,6%, BVH và GVR cùng giảm 4,4%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC vẫn là điểm sáng của thị trường dù đà tăng có phần thu hẹp. Trong đó, ROS tăng 3,5% lên 4.140 đồng/CP và khớp 9,62 triệu đơn vị, FLC tăng 4,2% lên 6.900 đồng/CP và khớp 9,2 triệu đơn vị, HAI tăng 2,5% lên 3.660 đồng/CP, AMD tăng 3,4% lên 3.940 đồng/CP và khớp trên dưới 1,6 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank đồng loạt chuyển đỏ, ngoại trừ SHB chỉ xanh nhạt. Trong đó, các mã giảm mạnh có VPB giảm 4,62%, EIB giảm 5,82%, OCB giảm 4,79%, BID và TCB giảm trên dưới 2,5%, mã lớn VCB giảm 1,58%...
Các nhóm cổ phiếu trụ cột khác là chứng khoán, thép cũng đua nhau nới rộng biên độ giảm.
Ở nhóm bất động sản, bên cạnh hàng loạt mã quay đầu điều chỉnh, nhiều mã đã giật lùi về mức giá sàn như HDG, HDC, LHG.
Đáng chú ý, các nhóm cổ phiếu đã từng lội ngược dòng ngoạn mục như thủy sản, phân bón – hóa chất, bán lẻ đồng loạt bị xả bán và la liệt nằm sàn.
Cụ thể, nhóm hóa chất có DGC, DPM, DCM, BFC; nhóm thủy sản với VHC, ACL, AAM, CMX, ANV, FMC, AGM, IDI; bán lẻ với FRT, DGW, PET; dệt may có MSH, GIL đều trong trạng thái dư bán sàn.
Trên sàn HNX, sau thời gian đầu phiên le lói sắc xanh, áp lực bán trên diện rộng cũng khiến thị trường quay đầu giảm mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 68 mã tăng và 136 mã giảm, HNX-Index giảm 5,29 điểm (-1,47%), xuống 353,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 46,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 868 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 19 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có tới 20 mã giảm điểm, trong đó L14 và TNG giảm sàn; ngoài ra các mã giảm mạnh khác có LAS giảm 8,9%, VCS giảm 7%, CEO giảm 5,5%, SHS giảm 4,9%...
Trái lại, chỉ có 7 mã giữ được sắc xanh, trong đó TVC tăng tốt nhất với biên độ 6,7%, tiếp theo là TAR tăng 2,3%, còn lại chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%.
Trong áp lực xả bán diễn ra ồ ạt trên thị trường thì cặp đôi nhà FLC vẫn tiếp tục tỏa sáng. Trong đó KLF chốt phiên tăng trần lên mức 4.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,22 triệu đơn vị, chỉ đứng sau BII khớp 4,62 triệu đơn vị và PVS khớp 4,28 triệu đơn vị; còn ART tăng 6,1% lên sát mức giá trần 5.200 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu lao dốc. Chốt phiên sáng, với 134 mã tăng và 149 mã giảm, UpCoM-Index giảm 1,51 điểm (-1,45%), xuống 102,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,77 triệu đơn vị, giá trị 440,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,13 triệu đơn vị, giá trị 61,8 tỷ đồng, trong đó riêng AFX thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị hơn 57,44 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là C4G bị xả bán mạnh và chốt phiên nằm sàn tại mức giá 17.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản đột biến khi khớp hơn 6,45 triệu đơn vị.
Ngoài ra hàng loạt mã khác trên UPCoM giảm sâu như VGI giảm 13,6%, VGT giảm 4,8%, cặp dầu khí BSR và OIL giảm tương ứng 2,3% và 3%, QNS giảm 5,5%, VTP giảm 8,2%...
Trái lại, trong khi các cổ phiếu trong nhóm hóa chất – phân bón đồng loạt nằm sàn thì DDV trên UPCoM vẫn giữ được sắc xanh và chốt phiên tăng 1,5% lên 20.500 đồng/CP.