Thị trường vừa trải qua những phiên giao dịch không mấy tích cực dù sau những nhịp giảm khá sâu, chỉ số VN-Index đều hồi phục. Tâm lý thận trọng thăm dò khiến giao dịch diễn ra khá ảm đạm và chậm.
Trong phiên giao dịch hôm qua 23/7, mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo nhưng việc nhiều mã bluechip nhận được lực cầu đỡ giá khá tốt đã quay đầu tăng điểm, giúp VN-Index không chỉ đảo chiều tăng điểm, mà còn kết phiên ở mức cao nhất ngày.
Với diễn biến thanh khoản sụt giảm, BVSC đã nhận định VN-Index có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp về vùng hỗ trợ quanh 820-830 điểm khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối thận trọng.
Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh quý II/2020 được công bố trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.
Cùng với những diễn biến và nhận định trên, thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 24/7 không mấy khả quan bên cạnh những thông tin tiêu cực từ quốc tế khiến chứng khoán giảm mạnh như dữ liệu thất nghiệp của Mỹ mới công bố cùng thông tin tiêu cực về Apple khiến giới đầu tư lo sợ và bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch do áp lực bán chiếm áp đảo.
Đà bán ngày càng gia tăng và lan rộng trong khi lực cầu tham gia khá hạn chế khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và VN-Index nhanh chóng chia tay mốc 850 điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Tuy nhiên, đến 10h sáng, khi có tin về việc cách ly 50 người tại Đà Nẵng khi phát hiện người đàn ông có kết quả xét nghiệm lần đầu dương tính với nCoV, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng khá tiêu cực góp phần khiến thị trường rớt điểm nhanh.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm đã gấp gần 5 lần số mã tăng, trong đó gánh nặng chính vẫn đến từ nhóm cổ phiếu VN30 khi toàn bộ đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Đáng kể, các mã vốn hóa lớn như VNM, VHM, VCB, SAB, GAS, BID, CTG, HPG đều có mức giảm hơn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã nóng cũng chịu áp lực bán ra và giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, ROS có thanh khoản vượt trội đạt gần 5 triệu đơn vị và đang giảm khoảng 5%, tạm đứng tại mức giá 2.470 đồng/CP, còn lại HQC, DXG, ITA, FLC, DLG, HAG, AMD, HAI… có lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Áp lực bán tiếp tục dâng cao trong nửa cuối phiên sáng tiếp tục nhấn thị trường chìm sâu dưới mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index để mất 2,2% và rơi xuống dưới vùng giá 840 điểm khi số mã giảm điểm gấp tới hơn 10 lần số mã tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 332 mã giảm và chỉ 29 mã tăng, VN-Index giảm 18,87 điểm (-2,2%), xuống 837,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,77 triệu đơn vị, giá trị 3.103,58 tỷ đồng, tăng 62,72% về khối lượng và 59,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,74 triệu đơn vị, giá trị gần 190 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 toàn bộ đều mất giá, đáng kể các mã lớn như SAB -3,9% xuống vùng giá thấp nhất 180.400 đồng/CP, VIC -2,2% xuống 88.000 đồng/CP, VNM -1,8% xuống 112.100 đồng/CP, VHM -2% xuống 77.200 đồng/CP, GAS -1,8% xuống 69.800 đồng/CP…
Các mã ngân hàng cũng giảm khá mạnh như VCB -2,3% xuống 80.600 đồng/CP, TCB -2,7% xuống 19.750 đồng/CP, BID -2,9% xuống mức thấp nhất 38.700 đồng/CP, CTG -3,2% xuống 22.600 đồng/CP, VPB -2,2% xuống 22.000 đồng/CP, HDB -2,4% xuống 25.950 đồng/CP, STB -3,6% xuống 10.850 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã bluechip khác như BVH, CTD, FPT, HPG, MSN, MWG, PLX… cũng có mức giảm trên dưới 2%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hầu hết cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, ROS -5,8% xuống mức giá thấp nhất trong phiên tại 2.450 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản trên HOSE, đạt gần 9,75 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, HQC -4,6% xuống 1.670 đồng/Cp và khớp 6,27 triệu đơn vị, DXG -6,2% xuống 9.520 đồng/Cp và khớp 5,94 triệu đơn vị, FLC -3,5% xuống 3.010 đồng/CP và khớp 4,94 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, sau ít phút đầu phiên le lói sắc xanh, áp lực bán cũng khiến HNX-Index chìm sâu dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 16 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-2,14%), xuống 111,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 258,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị 7,82 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng có tới 25 mã giảm và chỉ còn 5 mã giữ được mốc tham chiếu là DHT, DP3, KLF, NBC và VMC.
Các mã lớn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường như ACB -2,5% xuống mức giá thấp nhất 23.600 đồng/CP, SHB -2,5% xuống 11.900 đồng/CP, PVS -3,2% xuống 12.100 đồng/CP, PVB -3% xuống 16.400 đồng/CP, PVI -2,6% xuống 30.500 đồng/CP, SHS -7,8% xuống 10.600 đồng/CP, VCS -2,3% xuống 60.500 đồng/CP, VCG -1,9% xuống 25.700 đồng/CP…
Cổ phiếu vừa và nhỏ HUT dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 3,12 triệu đơn vị được khớp lệnh và tạm chốt phiên sáng tại mức giá sàn 2.100 đồng/CP.
Các mã giao dịch sôi động tiếp theo đó cũng đều mất giá như SHS khớp 2,53 triệu đơn vị, ACB khớp 2,17 triệu đơn vị, PVS khớp 1,63 triệu đơn vị, SHB khớp 1,24 triệu đơn vị…
Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi đà giảm càng nới rộng hơn về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1,73%), xuống 56,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,62 triệu đơn vị, giá trị 142,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 4,76 tỷ đồng.
Dòng bank cũng để mất điểm như LPB -3,3% xuống 8.700 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 2,97 triệu đơn vị được giao dịch thành công, VIB -3,9% xuống 19.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch 1,18 triệu đơn vị, BVB -8% xuống 11.500 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã lớn khác như BSR, VGI, ACV, VEA, MML, MSR… cũng đều mất điểm, tác động thiếu tích cực tới thị trường.