Thị trường đã trải qua 3 tuần đầu tiên của năm mới 2024 khá tích cực khi chỉ số VN-Index tăng gần 60 điểm, tương ứng tăng 4,56% và đã leo lên mức giá cao nhất trong khoảng 4 tháng qua khi chinh phục thành công mốc 1.180 điểm. Trong đó, sự trở lại đầy ấn tượng của dòng bank là động lực chính cho thị trường khi các mã ngân hàng đua nhau lập đỉnh lịch sử mới.
Tuy nhiên, với diễn biến tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn này đã phần nào khiến thị trường liên tiếp xuất hiện các phiên xanh vỏ đỏ lòng và sự nghi ngờ càng dâng cao hơn khi thanh khoản trong những phiên giao dịch gần đây khá thấp với giá trị giao dịch trung bình trong tuần qua chỉ đạt khoảng 14.000 tỷ đồng.
Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC, diễn biến trên cho thấy tâm lý của nhà đầu tư càng nghi ngờ thì sóng tăng càng bền, tới lúc thị trường hết sự nghi ngờ thì khả năng cao là sắp “hết vị”.
Tuy nhiên, hiện thị trường đang tiến lên gần mốc 1.200 điểm là kháng cự mạnh nhất của nhịp tăng hiện tại, bởi vùng này là khu vực hội tụ của khoảng trống giá giảm (Gap-Down) và mức giá trung bình của mẫu hình 2 đỉnh của năm 2023, do đó không thể tránh khỏi những rung lắc trong ngắn hạn.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 22/1, thị trường vẫn giữ đà tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluehip, trong đó phải kể đến là nỗ lực của dòng bank.
Sau khoảng hơn 30 phút tăng nhẹ, áp lực bán dần lan rộng hơn khiến bảng điện tử đổi sắc. Cùng với số mã giảm điểm chiếm ưu thế hơn, chỉ số VN-Index đã rung lắc và đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Trong khi nhóm chứng khoán vẫn trong xu hướng giảm, nhóm cổ phiếu ngân hàng dần phân hóa, thì các cổ phiếu thép lại đang có những tín hiệu lạc quan. Dòng tiền chảy mạnh đã tiếp sức cho các mã thép đua nhau khởi sắc.
Cụ thể, cổ phiếu lớn HPG có thanh khoản vượt trội trên thị trường và tăng trên dưới 1,5%, HSG tăng 2,4% và khớp lệnh đứng thứ 3 thị trường với 14,36 triệu đơn vị, NKG cũng tăng hơn 2%. Ở top cổ phiếu nhỏ hơn, POM có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng 5,4%, SMC tăng 2,8%, TLH tăng 2,2%.
Áp lực bán trên diện khiến thị trường tạm khép lại phiên sáng trong sắc đỏ.
Chốt phiên, sàn HOSE có 167 mã tăng và 281 mã giảm, VN-Index giảm 2,22 điểm (-0,19%) xuống 1.179,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 395,86 triệu đơn vị, giá trị 8.203,83 tỷ đồng, tăng 29,92% về khối lượng và 21,58% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 19/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32 triệu đơn vị, giá trị 623 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn. Cụ thể, tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN30 tăng nhẹ 0,37 điểm khi có 17 mã giảm và 12 mã tăng. Trong đó, đại diện nhóm thép là HPG vẫn dẫn đầu khi chốt phiên tăng 1,3%, ngoài ra một số mã lớn như VCB, MBB, VNM, VHM, VIC, VRE cũng chốt phiên tăng nhẹ, nhưng cặp đôi VCB và HPG có đóng góp lớn nhất cùng đạt hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tân binh QNP vẫn ấn tượng khi có thêm phiên tăng trần. Chốt phiên sáng nay, QNP đứng tại mức giá 26.200 đồng/CP với lượng dư mua trần 310.000 đơn vị, nhưng thanh khoản vẫn nhỏ giọt, chỉ đạt 100 đơn vị.
Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm đều đảo chiều điều chỉnh giảm, trong đó các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm nhẹ chưa tới 0,5% bởi trạng thái phân hóa.
Trong đó, ở dòng bank, ngoài sự tiếp sức của anh cả VCB, một số mã cũng đã giữ được sắc xanh nhạt như SHB, MBB, EIB, VPB, HDB…, trong khi CTG, ACB, STB, TPB điều chỉnh giảm. Trong đó, SHB và MBB sôi động nhất với khối lượng khớp đều trên 15 triệu đơn vị.
Điểm sáng thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu thép. Chốt phiên, cặp đôi HPG và HSG có thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 29,31 triệu đơn vị và 15,82 triệu đơn vị, còn về giá cổ phiếu tương ứng tăng 1,3% và 2%. Trong khi NKG chốt phiên tăng 1,8%, POM tăng 5%, SMC tăng 2,3%, TLH tăng 1,8%.
Trên sàn HNX, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường đảo chiều giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,35%) xuống 228,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,39 đơn vị, giá trị 621,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 0,73 triệu đơn vị, giá trị đạt 25,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng phân hóa, trong đó cặp đôi SHS và MBS đều chốt phiên tăng nhẹ gần 0,5% với thanh khoản sôi động, tương ứng đạt 13,48 triệu đơn vị và 1,95 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã khác trong rổ HNX30 đã đảo chiều giảm như CEO, HUT, PVS, IDC giảm nhẹ trên dưới 1%.
Xét về nhóm ngành, cùng trong họ thép, cổ phiếu VGS cũng có phiên khởi sắc dù biên độ tăng thu hẹp. Chốt phiên, VGS tăng 1,8% lên 22.700 đồng/CP, khớp lệnh 0,8 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, cùng trong xu hướng thị trường chung, chỉ số UPCoM-Index cũng phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,29%) xuống 87,21 điểm với 97 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,15 triệu đơn vị, giá trị 280,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 2,36 tỷ đồng.
Cổ phiếu VTP không có dấu hiệu hạ nhiệt sau 1 tuần tăng ròng rã, mà trở nên nóng hơn trong phiên sáng nay khi có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, VTP tăng 6,36% lên mức 61.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch đứng thứ 3 thị trường với gần 1,5 triệu đơn vị.