Cặp đôi lớn VCB - BID lập đỉnh mới, thị trường tăng tốc phiên cuối tuần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dòng tiền sôi động chưa nhập cuộc nhưng với đà tăng "bốc đầu" của các cổ phiếu ngân hàng trong nhóm Big4, đã giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.180 điểm.
Cặp đôi lớn VCB - BID lập đỉnh mới, thị trường tăng tốc phiên cuối tuần

Sau nhịp nghỉ từ cuối tuần trước khiến nhà đầu tư lo ngại sóng ngành đã bị dập tắt, đến phiên hôm qua (ngày 18/1), thông tin từ Quốc hội đã tiếp thêm sức mạnh giúp nhóm cổ phiếu vua trở lại là tâm điểm dẫn dắt cho thị trường tiến bước. Chỉ số VN-Index lần lượt vượt qua mốc 1.165 điểm, rồi chinh phục ngưỡng 1.175 điểm trong phiên sáng 19/1 để xác lập mức giá cao nhất trong khoảng 4 tháng, dù thanh khoản vẫn còn khá hạn chế.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tín hiệu khả quan từ việc đảo chiều của anh cả nhóm cổ phiếu ngân hàng là VCB ở cuối phiên sáng, đã giúp thị trường kỳ vọng sưn nổi dậy của dòng bank.

Đặc biệt, đà tăng mạnh chính thức được xác lập sau khoảng 1 giờ mở cửa phiên chiều, khi các cổ phiếu nhóm ngân hàng đồng loạt nới rộng biên độ, với điểm sáng là cặp đôi lớn VCB – BID leo lên mức giá cao kỷ lục mới, đã giúp VN-Index thẳng tiến qua mốc 1.180 điểm.

Diễn biến khởi sắc trên đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng dòng bank đang quay lại và thị trường sẽ bước tiếp quãng đường chinh phục những vùng giá mới trong tuần tới. Tuy nhiên, điểm trừ duy nhất nhưng hết sức quan trọng đó chính là dòng tiền còn hạn chế khiến thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp, phát đi tín hiệu thị trường tăng trong nghi ngờ.

Thị trường cần thêm dòng tiền sôi động để khẳng định quá trình đi lên vững chắc, nhưng không có gì là không thể và lịch sử đã lặp lại nhiều lần, quá trình tăng trong nghi ngờ cũng có thể được kéo dài hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 306 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index tăng 12,44 điểm (+1,06%), lên 1.181,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 662,89 triệu đơn vị, giá trị 14.796,42 tỷ đồng, tăng 11,19% về khối lượng và 12,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 870,76 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, BID và VCB là động lực chính của thị trường, lần lượt đóng góp gần 3,5 điểm và hơn 2 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên, BID là cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30, đạt mức tăng 4,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 49.850 đồng/CP, đồng thời đây cũng là mức giá cao kỷ lục của mã này.

Bên cạnh đó, anh cả VCB không giữ được vùng giá cao nhất ngày nhưng đóng cửa cũng ấn tương khi tăng 1,6% lên mức 92.600 đồng/CP, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của VCB.

Ấn tượng không kém là cổ phiếu còn lại thuộc nhóm Big4, đó là CTG đóng cửa tăng 3,49% lên mức giá cao nhất trong ngày 32.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tới hơn 14,1 triệu đơn vị. Đây là mức giá cao nhất của CTG kể từ tháng 7/2021 và nếu chỉ tính từ đầu năm 2024 thì giá cổ phiếu này đã tăng tới hơn 20% trước khi tăng khoảng 20% trong tháng 12/2023.

Về thanh khoản thì dòng bank cũng đóng góp tích cực khi top 10 mã sôi động nhất thị trường thì có tới 6 mã thuộc nhóm này. Trong đó, SHB, EIB, MBB đều khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị, còn STB, VPB, CTG khớp lệnh trong khoảng 14-20 triệu đơn vị. Các mã này cũng đều đóng cửa trong sắc xanh, ngoại trừ trong nhóm bank chỉ còn duy nhất LPB đứng giá tham chiếu.

Trái với sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán quay ra điều chỉnh giảm nhẹ khi sắc đỏ chiếm ưu thế trong ngành. Ngoại trừ điểm sáng TVB vẫn duy trì sắc tím sau tin được “cởi trói” trong ngày hôm qua, cùng VCI và ORS nhích nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều mất điểm.

Trong đó, cổ phiếu VIX đóng cửa giảm 0,6% xuống mức 17.350 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 26,83 triệu đơn vị; mã lớn SSI cũng giảm nhẹ 0,3% xuống mức 33.700 đồng/CP và thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 với 22,39 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm thép giao dịch phân hóa với HPG tăng nhẹ, trong khi HSG và NKG kết phiên đều đứng dưới mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, giao dịch kém khả quan hơn. Sau khoảng 1 giờ giằng co, áp lực bán gia tăng ở nhóm HNX30 đã khiến thị trường mất điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 76 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,19%) xuống 229,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,93 triệu đơn vị, giá trị 1.085,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,15 triệu đơn vị, giá trị 31,7 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 8 mã tăng, trong đó cổ phiếu phân bón LAS vẫn tăng tốt nhất là 2,7%, đóng cửa đứng tại mức giá 15.100 đồng/CP và khớp 1,73 triệu đơn vị; tiếp theo là VIG tăng 2,6%, còn lại chỉ tăng trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại có 14 mã giảm, trong đó các cổ phiếu chứng khoán là dẫn đầu, với PSI giảm 2,2%, SHS giảm 1,1% xuống mức thấp nhất trong ngày 18.400 đồng/CP và thanh khoản vẫn ở mức cao nhất thị trường với gần 12,75 triệu đơn vị; các mã BVS, MBS giảm nhẹ.

Ngoài SHS, các cổ phiếu khác thuộc top giao dịch sôi động trên sàn HNX là CEO, MBS, PVS, HUT khớp hơn 3-5 triệu đơn vị, đều đóng cửa giảm nhẹ chưa tới 1%.

Điểm sáng thuộc về cổ phiếu vừa và nhỏ TVC khi giữ vững đà tăng trần, đóng cửa tại mức giá 6.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,31 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù phần lớn thời gian giao dịch rung lắc và liên tục đổi sắc, nhưng lực cầu tích cực về cuối phiên đã giúp thị trường hồi phục và kết phiên ở vùng giá cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,35%), lên 87,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,7 triệu đơn vị, giá trị 495 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,97 triệu đơn vị, giá trị 173,85 tỷ đồng, trong đó MPC thỏa thuận 5,92 triệu đơn vị, giá trị 88,79 tỷ đồng và SHG thỏa thuận 13,23 triệu đơn vị, giá trị đạt 60,86 tỷ đồng.

Cổ phiếu phân bón DDV đã ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ, đóng cửa tăng 8,4% lên mức 10.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 2,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM giao dịch khởi sắc hơn sàn niêm yết với SBS tăng 1,4%, đặc biệt là DSC ân tượng khi tăng 6,8%.

Một số mã đáng chú ý khác là BSR tăng 1,1% với khối lượng giao dịch đạt 5,23 triệu đơn vị, ABB tăng 1,2% và khớp 2,65 triệu đơn vị, VTP tăng 2,3% và khớp 1,54 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2402 đáo hạn gần nhất là ngày 15/2 kết phiên tăng 13,5 điểm, tương đương +1,1% lên 1.190 điểm, khớp hơn 188.160 đơn vị, khối lượng mở gần 42.070 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVRE2315 sôi động nhất khi khớp 2,87 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,9% lên 310 đồng/cq; tiếp theo là CSTB2319 khớp 2,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 580 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục