Những dấu hiệu khá tiêu cực đã hiện rõ hơn trong phiên giảm điểm hôm qua (ngày 17/8) khi chỉ số VN-Index giảm trong biên độ rộng, cùng thanh khoản dâng cao, vượt mức trung bình 20 phiên gần đây, cho thấy xác suất cao nhịp điều chỉnh sẽ tiếp tục kéo dài trong các phiên tiếp theo.
Với diễn biến chỉ báo RSI lùi về dưới mức 70, VCBS cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, biên độ rung lắc có thể sẽ mở rộng hơn với mức hỗ trợ gần nhất nằm xung quanh vùng 1.200 điểm +/-10 điểm.
Không nằm ngoài dự báo này, thị trường tiếp tục mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/8 trong trạng thái tiêu cực. Áp lực bán mạnh diễn ra trên phạm vi rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Sau khoảng 1 giờ nỗ lực giữ mốc 1.220 điểm, lực bán diễn ra ồ ạt trên toàn thị trường đẩy VN-Index cắm đầu đi xuống và bốc hơi hơn 20 điểm, về sát mốc 1.210 điểm. Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm gấp tới gần 10 lần số mã tăng, trong đó hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng không thoát khỏi trạng thái mất điểm chung.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ngành hàng hải MHC mặc dù có chút rung lắc đầu phiên do áp lực chốt lời gia tăng mạnh sau 2 phiên tăng trần trước đó, nhưng lực cầu hấp thụ mạnh giúp mã này có thời điểm kéo trần trở lại. Hiện MHC đang tăng 6,2% lên sát mức giá trần 12.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,52 triệu đơn vị, đạt xấp xỉ mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đang dẫn đầu thị trường khi giảm 2,7%, trong đó chủ yếu vẫn là do cặp đôi lớn VIC – VHM giảm sâu sau đợt tăng tốc, với VIC giảm 4,5% và VHM giảm 2,3%; các mã nóng như NVL, DIG, DXG, HQC cũng giảm trên dưới 3%.
Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng ngược dòng thành công, đó là VCG sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc và tăng vọt nhờ lực cầu mạnh. Hiện VCG đang tăng 2,6% và đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên thị trường với hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh.
Lực bán mạnh duy trì đến hết phiên khiến VN-Index không thể “ngóc đầu”. Thị trường tạm dừng phiên giao dịch sáng chìm trong sắc đỏ với chỉ số chung giảm sâu khi mất hơn 20 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 426 mã giảm, gấp gần 10 lần mã tăng (48 mã), VN-Index giảm 20,21 điểm (-1,64%), xuống 1.213,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 691 triệu đơn vị, giá trị 14.746 tỷ đồng, tăng 34,33% về khối lượng và 20,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,39 triệu đơn vị, giá trị 388,78 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 cùng xu hướng chung khi cũng giảm tới hơn 20 điểm, thủng mốc 1.230 điểm. Trong đó chỉ còn 4 mã là FPT, SAB, VNM, VCB tăng nhẹ trên dưới 0,5%; còn lại 26 mã giảm.
Cổ phiếu VIC vẫn là nhân tố tác động mạnh khi lấy đi hơn 2,8 điểm của chỉ số chung, chốt phiên giảm 5,6% xuống mức 67.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,13 triệu đơn vị. Các mã lớn khác như MWG, HPG, PLX, VHM, VRE cũng đều giảm hơn 2-3%.
Xét về nhóm ngành, chỉ vài nhóm nhỏ là công nghệ thông tin; dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe tăng nhẹ; còn lại đều mất điểm.
Nhóm bất động sản với gánh nặng từ cặp đôi lớn VIC và VHM, tiếp tục là nhóm ngành giảm mạnh của thị trường khi để mất tới hơn 3,2%. Trong đó, NVL, DIG, PDR, HDC đều giảm hơn 3%, TCH giảm hơn 5%... Cổ phiếu LDG tiếp tục bị xả bán ồ ạt và dư bán sàn tới hơn 23 triệu đơn vị.
Thủy sản cũng thuộc top giảm mạnh với VHC giảm gần 4%, IDI giảm 5%, CMX giảm hơn 4%, ANV giảm hơn 3%...
Nhóm chứng khoán và ngân hàng cũng đều chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm ngân hàng nhờ sự ngược dòng của VCB với mức tăng nhẹ 0,1%, ngoài ra LPB tăng 1,31%, đã giúp nhóm này chỉ giảm hơn 1%.
Về thanh khoản, các cổ phiếu bất động sản vẫn là sôi động nhất thị trường với NVL dẫn đầu đạt hơn 35,44 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là VCG khớp 23,61 triệu đơn vị, DIG khớp 22,95 triệu đơn vị, cổ phiếu BCG bất ngờ nằm sàn và khớp lệnh lên tới gần 21 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trên diện rộng khiến thị trường không thoát khỏi phiên giảm sâu.
Chốt phiên, sàn HNX có 31 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index giảm 3 điểm (-1,2%), xuống 246,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 86,57 triệu đơn vị, giá trị 1.546,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ đóng góp thêm 2,57 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản với 12,96 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,8% xuống mức 16.400 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác cũng không mấy khả quan với MBS giảm 2,6%, BVS giảm 3,3%, VIG giảm 4,5%, EVS giảm 2,8%...
Trong khi đó, cổ phiếu CEO dù có chút rung lắc do áp lực bán chốt lời sau đợt tăng mạnh, nhưng lực cầu mạnh mẽ đã giúp mã này tiếp tục duy trì sắc xanh. Chốt phiên, CEO tăng 1,2% lên 25.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt 11,12 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý ngược dòng thị trường chung thành công như PVS tăng 0,9%, HUT tăng 1,9%, APS tăng 3,3%, thanh khoản đạt hơn 3-4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,32%), xuống 91,52 điểm khi có tới 214 mã giảm và chỉ 85 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,19 triệu đơn vị, giá trị 526,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3984 triệu đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR chốt phiên cũng đảo chiều giảm khi để mất 2% xuống vùng giá thấp nhất phiên 19.800 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với hơn 5,71 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Các cổ phiếu nhỏ PVX, SBS, DCS đều có thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị nhưng diễn biến giá cũng không mấy khả quan với PVX và DCS đứng giá tham chiếu, SBS giảm 3,3%.