Mirae Asset: Thách thức và cơ hội đan xen, chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những rủi ro đan xen với cơ hội, nhưng theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đồng pha với thế giới và trên đà hồi phục.
Mirae Asset: Thách thức và cơ hội đan xen, chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) vừa có báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán: Thách thức cơ hội đan xen", phản ánh một số nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, MAS cho rằng, thị trường toàn cầu kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt và Fed ngừng tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9 tới. Hiện CPI của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 7 và 90% cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất (theo dữ liệu từ công cụ CME Fedwatch).

Tuy nhiên, rủi ro bên ngoài vẫn gia tăng do lãi suất ở Mỹ có thể sẽ neo ở mức cao trong thời gian lâu hơn thị trường kỳ vọng, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục suy yếu với triển vọng kém lạc quan (trong khi đó, ECB được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát vẫn tương đối cao); số liệu vĩ mô tháng 7 của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi kinh tế sau khi mở cửa trở lại gặp nhiều khó khăn, bao gồm việc giảm phát...

Kinh tế trong đang đón nhận một số tín hiệu tích cực

Xuất khẩu đang thu hẹp đà giảm: Thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng, ước tính xuất siêu 16,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023; trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều thu hẹp đà giảm so với 6 tháng đầu năm (xuất khẩu giảm 10,3%; nhập khẩu giảm 17,4% so cùng kỳ năm ngoái).

Xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam đang thu hẹp đà giảm

Xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam đang thu hẹp đà giảm

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng khả quan ở các mặt hàng. Điện thoại và các linh kiện thu hẹp đà giảm đáng kể. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái, rau quả tăng 60,5%; gạo tăng 31,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 16,1%; giấy và sản phẩm giấy tăng 9,4%...

Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái; mặc dù 7 tháng đầu năm 2023, ước tính IPP giảm 0,7% do tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ năm liên tiếp, nhưng đây là lần suy giảm nhẹ nhất trong 5 tháng gần đây, với PMI sản xuất đạt 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6.

Vốn FDI đăng ký mới hồi phục đáng kể: Giải ngân vốn FDI vẫn ổn định trong 7 tháng đầu năm đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với 7 tháng đầu năm 2022. Vốn FDI đăng ký mới có sự cải thiện đáng kể: trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký và góp vốn mua cổ phần tăng 4,5% lên 16,24 tỷ USD, từ mức giảm 4,3% của quý I/2023. Các dự án gần đây nổi bật có thể kể đến như: Foxconn rót 250 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Quảng Ninh, LG Innotek đăng ký đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng công suất ở Hải Phòng.

Du lịch tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng bán lẻ: Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 7,1% trong tháng 7 và tăng 10,4% trong 7 tháng đầu năm. Doanh thu doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6% trong 7 tháng năm 2023, nhờ vào khách quốc tế tiếp tục hồi phục, tăng gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước (dù vẫn giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trở lại

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trở lại

Du lịch kỳ vọng hồi phục nhờ vào khách quốc tế từ Trung Quốc khi Trung Quốc đang thực hiện chính sách kích cầu kinh tế. Thêm vào đó, việc nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày kể từ 25/8/2023 có thể góp phần tăng số lượng khách quốc tế và doanh thu dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành trong các tháng cuối năm.

Đầu tư công tăng tốc: Chính phủ đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng còn lại đang suy yếu. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm đạt 35,5% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,9%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,5%).

Theo tính toán của MAS, để đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, thì bình quân 6 tháng còn lại phải giải ngân mỗi tháng ít nhất từ 67.000 - 73.000 tỷ đồng (gấp 1,3 - 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân trong 5 tháng trước đó).

Đầu tư công tăng tốc...

Đầu tư công tăng tốc...

... nhưng bình quân 6 tháng còn lại phải giải ngân 67 -73 nghìn tỷ đồng/tháng

... nhưng bình quân 6 tháng còn lại phải giải ngân 67 -73 nghìn tỷ đồng/tháng

Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và duy trì dưới mức CPI mục tiêu 4,5%, dư địa chính sách trong việc điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ngoài ra, tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng hỗ trợ, lãi suất cho vay kỳ vọng tiếp tục giảm... là những điểm cộng hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Một số rủi ro và thách thức vẫn hiện hữu

Lạm phát trong các tháng cuối năm 2023 có thể sẽ chịu áp lực bởi: Giá điện tăng 3% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành kể từ tháng 5/2023. Trong tháng 8 sẽ trình Chính phủ sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; Giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại; Hiện tượng El Niño có thể ảnh hưởng xấu tới nguồn cung thực phẩm; Giá gạo tăng do lo ngại nguồn cung gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu có thể một phần gây áp lực lên lạm phát.

Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ chịu áp lực tăng do sự lệch pha chính sách tiền tệ khi Việt Nam đã và đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại trong khi Mỹ tiếp tục duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, áp lực giải ngân đầu tư công khối lượng lớn, tăng trưởng tín dụng chậm... tiếp tục là những điểm trừ tác động đến bối cảnh đầu tư.

Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục

Trong bối cảnh đó, theo Mirae Asset, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay. Cộng với sự đồng pha hồi phục cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, mặc dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm chỉ đạt 3,72%.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.

Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay

Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay

Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng vượt trội hơn trong tháng 7, tăng 9,2% so với tháng 6/2023 và là tháng thứ 3 tăng điểm liên tiếp. Tính lũy kế từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong các thị trường tăng điểm tốt nhất với mức tăng hơn 20%.

Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang thúc đẩy thị trường tăng bứt phá. Số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên mỗi 100.000 tài khoản/tháng (tháng 7: hơn 150.000; tháng 6: 146.000, và tháng 5: 105.000).

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE cũng ghi nhận tháng thứ 4 cải thiện liên tiếp. Trong đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán trong nước được hỗ trợ bởi kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ có sự khởi sắc trong nửa cuối năm.

"Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng của hầu hết các ngành đều có sự khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ: Lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hồi phục; các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các chính sách hỗ trợ", báo cáo của MAS nêu.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục