Chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/8 vừa qua, gợi mở nhiều ý tưởng chọn danh mục cuối năm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC
Sự bất định của thị trường chứng khoán vẫn rất lớn. Vì thế, thay vì tập trung chọn ngành, nhà đầu tư nên tập trung hơn vào việc chọn cổ phiếu, với những tiêu chí về định giá, chất lượng doanh nghiệp và tiềm năng của từng doanh nghiệp. Trong quá trình đó, nhà đầu tư phải luôn cân nhắc đến việc đa dạng hóa danh mục và quản trị rủi ro khi cần thiết.
Trong báo cáo của nhiều tổ chức lớn gần đây có đề cập đến một làn sóng đầu tư đáng chú ý, dựa trên sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, nông sản, năng lượng lao động... do biến đối khí hậu, chính sách cắt giảm nguồn cung của nhiều quốc gia và nhiều lý do khác.
Đây là làn sóng toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gần đây, nhiều loại hàng hóa như đường, gạo, khí đốt, dầu mỏ, hóa chất... đã và đang tăng giá mạnh.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS)
Bất động sản là ngành được hưởng lợi trực tiếp từ việc hạ lãi suất và các biện pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, thủ tục pháp lý dự án vừa qua của Chính phủ, cũng như sự phát triển mạnh mẽ các dự án hạ tầng trong tương lai. Vì vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của ngành này trong nửa cuối năm 2023.
Nhóm ngân hàng cũng có thể kỳ vọng có nhiều thay đổi tích cực vào nửa cuối năm do vốn tín dụng sẽ được giải ngân nhanh hơn sau khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt đáng kể và nhiều ngân hàng có định giá hiện tại thấp hơn trung bình 3 năm.
Thêm vào đó, Fed đang tiến tới giai đoạn cuối tăng lãi suất và có thể bắt đầu hạ lãi suất vào năm tới. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024.
Nhóm bán lẻ cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023. Nhóm này được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Chính phủ. Trong đó, giảm thuế VAT 2% được cho là một biện pháp kích thích tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán lẻ hàng hóa.
Một số yếu tố hỗ trợ thêm cho nhóm này như mùa cao điểm trong nửa cuối năm, mùa tựu trường quý III và mùa ra mắt các sản phẩm mới vào quý IV. Chính vì vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023.
Với việc Chính phủ với quyết tâm phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch năm 2023 (tổng quy mô vốn đầu tư công năm 2023 là 710.000 tỷ đồng), bên cạnh những doanh nghiệp xây lắp dân dụng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc trúng các gói dự án đầu tư công thì cơ hội tăng trưởng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như cung cấp đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường, đặc biệt là các doanh nghiệp có vị trí địa lý gần kề các khu kinh tế trọng điểm và có dự án lớn là rất cao. Vì vậy, dư địa tăng trưởng nhóm này vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân tích kỹ cổ phiếu và tuân theo chiến lược đúng đắn, tránh mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng quá nhiều.
Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)
Danh mục của VCBF có tỷ trọng cao các ngành ưa thích trong dài hạn như công nghệ thông tin, bán lẻ, tiêu dùng, khu công nghiệp và logistics.
VCBF cũng ưa thích ngành ngân hàng, tuy nhiên không phải là tất cả các cổ phiếu trong ngành này. Giai đoạn nền kinh tế biến động vừa qua, có những ngân hàng làm tốt hơn đáng kể so với những ngân hàng khác và đó chính là những trọng tâm đầu tư.
Đối với ngành bất động sản, VCBF ưa thích các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và bất động sản thương mại hơn các cổ phiếu bất động sản dân dụng.
Khi đầu tư vào các công ty bất động sản hiện tại, VCBF chú trọng quỹ đất và giá trị tài sản ròng hơn là khả năng tạo ra lợi nhuận trong 1 - 2 năm tới, bởi thị trường bất động sản vẫn còn những khó khăn nhất định ở cả phía người mua lẫn người bán.
Chúng tôi cũng đang quan sát các ngành liên quan đến xuất khẩu, logistics và chờ đợi những tín hiệu để có thể xác định được xu hướng phục hồi vững chắc của các ngành này. Nhìn chung, nhiều công ty hoạt động trong chuỗi giá trị liên quan đến xuất khẩu đang có mức định giá hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS)
Hiện mức định giá thị trường được nâng lên sau khi nhà điều hành có hành động rõ ràng hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô. So với thời điểm đầu năm, khả năng sinh lời cho mục tiêu dài hạn (khung thời gian nắm giữ trên 1 năm) đã giảm đi đáng kể.
Nói cách khác, để có mức sinh lợi tốt trong tương lai, lựa chọn đúng cổ phiếu đầu tư và thời gian giải ngân là hai yếu tố quan trọng hơn so với thời điểm đầu năm.
Dữ liệu quá khứ cho thấy, trong các giai đoạn tâm lý nhà đầu tư tích cực và gần như tháo bỏ sự phòng vệ, chỉ số VN-Index có thể được giao dịch ở mức P/E vượt 16 lần, tương ứng trên ngưỡng 1.320 điểm trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, khi chỉ số được giao dịch ở vùng này, thống kê cho thấy mức sinh lợi dài hạn trên thị trường chứng khoán sẽ giảm dần. Do vậy, khi kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt để dự phòng cho những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường.
Thị trường đang có cả rủi ro giảm giá lẫn rủi ro tăng giá, nghĩa là nằm ngoài mức hợp lý 1.180 - 1.320 điểm của chỉ số VN-Index. Do vậy, chiến lược mua - bán cần linh hoạt theo diễn biến dòng tiền để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Có ba yếu tố có thể khiến thị trường điều chỉnh mạnh: Thứ nhất, chiến tranh Nga - Ukraine leo thang. Thứ hai, kinh tế toàn cầu đang phục hồi rất chậm so với kỳ vọng. Nếu xu hướng này không có sự chuyển biến rõ rệt trong nửa cuối năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể làm thất vọng nhà đầu tư. Đây là rủi ro có xác suất xảy ra cao nhất. Thứ ba, sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn đang được tạm thời đẩy lùi về tương lai.
Với rủi ro tăng giá, trong các giai đoạn NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư có thể đưa mức định giá P/E toàn thị trường lên 18 - 20 lần, tức VN-Index có thể tăng thêm 13 - 15% từ mốc 1.200 điểm.
Chủ điểm đầu tư được Rồng Việt khuyến nghị cho 6 tháng cuối năm gồm: cơ sở hạ tầng, với kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong cuối năm, các ngành cần quan tâm là xây dựng, hạ tầng, xây lắp điện, vật liệu xây dựng, các cổ phiếu có thể quan tâm là REE, IJC; nhóm tiêu dùng, với kỳ vọng niềm tin tiêu dùng cải thiện theo sau xu hướng giảm lãi suất và các gói tài khóa được thực thi, các ngành cần quan tâm là sản xuất và dịch vụ.