Giao dịch chứng khoán sáng 17/10: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường lại chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực gia tăng mạnh về cuối phiên trong khi dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế, khiến thị trường tiếp tục chứng kiến phiên giảm mạnh, chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc 1.040 điểm cùng thanh khoản thấp.
Giao dịch chứng khoán sáng 17/10: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường lại chìm trong sắc đỏ

Mặc dù thị trường đã trải qua tuần hồi phục sau chuỗi 6 tuần giảm mạnh liên tiếp, nhưng việc thanh khoản khá thấp khi dòng tiền nhìn chung vẫn còn thận trọng cùng chỉ số VN-Index vẫn nằm dưới ngưỡng 1.110 điểm. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn đối diện với rủi ro quay trở lại đà giảm.

Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC, mẫu nến phục hồi nhưng chưa đủ động lượng để quyết định xu hướng khi chỉ mới lấp được 1/2 thân nến giảm trước đó. Thị trường chưa xác nhận bước thoát khỏi xu hướng giảm, chính vì vậy, nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn thận trọng, tập trung giao dịch với tỷ trọng nhỏ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, ở góc nhìn kỹ thuật, đóng phiên thứ 6 có cây nến Doji thể hiện sự phân vân của dòng tiền, nhà đầu tư chưa rõ xu hướng lên tiếp hay điều chỉnh test lại. Thị trường có thể test lại mốc 1.000 điểm và nhúng xuống dưới, tuy nhiên nhà đầu tư nên chuẩn bị cho mọi trường hợp xấu nhất là thủng luôn mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm này.

Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 17/10, thị trường trở lại xu hướng không mấy tích cực. Trong khi lực cầu có phần thận trọng hơn sau 3 phiên tăng liên tiếp thì áp lực bán trên diện rộng quay trở lại khiến thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa giao dịch.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.050 điểm với thanh khoản giảm mạnh, chỉ đạt hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HOSE. Các cổ phiếu trên sàn cũng trở nên kém sôi động vì tâm lý lưỡng lự của bên mua và bên bán, với cặp đôi ngân hàng là SHB và STB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh chỉ trên dưới 3,5 triệu đơn vị.

Nhóm VN30 cũng chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ STB, chỉ còn VNM và POW lình xình trên mốc tham chiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục gây sức ép lên thị trường với VHM và VIC đều giảm hơn 2%, cổ phiếu VRE giảm mạnh nhất trong rổ cổ phiếu này khi mất 3,2%.

Trên thị trường chỉ còn vài nhóm giữ được đà tăng nhẹ, trong đó dẫn đầu là nhóm chế biến thủy sản, với sự góp sức của ANV và IDI cùng tăng 1,5%, VHC tăng 1,3%, ACL tăng 1,12%...

Áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên khiến thị trường lùi sâu. Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm chiếm áp đảo, gấp khoảng 5 lần số mã tăng và chỉ số VN-Index để mất hơn 24 điểm, xuống dưới mốc 1.040 điểm cùng thanh khoản giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 72 mã tăng và có tới 376 mã giảm, VN-Index giảm 24,27 điểm (-2,29%) xuống 1.037,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 232,22 triệu đơn vị, giá trị 4.193,84 tỷ đồng, giảm 33,65% về khối lượng và 46% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 14/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 405,66 tỷ đồng.

Nhóm VN30 không có nổi mã nào ngược dòng thành công. Các cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm điểm, trong đó TPB và TCB đều mất hơn 4,5%, cổ phiếu lớn VCB cũng tạm dừng ở vùng giá thấp nhất trong phiên khi giảm 3,1%...

Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup tiếp tục gia tăng sức ép và cũng đều xoay quanh vùng giá thấp nhất phiên, với VRE giảm 4,4% xuống mức 24.100 đồng/CP, VHM giảm 4,2% xuống 49.700 đồng/CP, VIC giảm 3,4% xuống 57.700 đồng/CP. Các mã lớn khác như HPG, SSI, BVH, PLX cũng giảm hơn 2%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG sau 2 phiên hồi phục lại bị bán tháo trong phiên sáng nay. Chốt phiên, HAG giảm 6,97% xuống mức giá sàn 9.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội trên thị trường, đạt 16,84 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 1,18 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán đang giảm khá mạnh. Trong dòng bank, ngoại trừ SHB tăng chưa tới 0,5%, còn lại đều mất điểm. Bên cạnh các mã giảm khá sâu ở trên, nhiều mã khác cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường như MBB giảm 3,65%, BID giảm 2,88%, CTG giảm 2,2%, VPB giảm 4,33%, HDB giảm 4,12%, MSB giảm 4,68%...

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, VIX cũng là mã duy nhất ngược dòng thành công với mức tăng hơn 1%, còn lại đều mất điểm. Trong đó, VND giảm 3,8%, SSI giảm 2,5%, VCI giảm 3,1%, HCM giảm 2%..., với thanh khoản sôi động thuộc về VND khớp 7,75 triệu đơn vị, VIX khớp 7,37 triệu đơn vị, SSI khớp 6,36 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản - với các mã lớn họ Vingroup giảm sâu - đang là nhóm giảm mạnh nhất. Một số mã giảm sâu như DXS giảm 6,4%, DIG giảm 5,5%, VPH giảm 4,8%, DXG và TDC cùng giảm 4,5%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng nới rộng biên độ giảm, với HPG giảm 2,6% xuống sát vùng giá thấp nhất phiên 18.950 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thấp hơn HAG, đạt 8,84 triệu đơn vị; HSG giảm 4,2% xuống 13.550 đồng/CP và khớp 5,8 triệu đơn vị, NKG giảm 3,2% xuống 16.800 đồng/CP và khớp 2,73 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dệt may có phần tích cực hơn với MSH có thời điểm kéo trần thành công và chốt phiên tăng 5,3% lên 33.700 đồng/CP, GMC tăng 2,8% lên 14.500 đồng/CP, TVT tăng 1,5% lên 27.400 đồng/CP.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ với thanh khoản giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index giảm 3,45 điểm (-1,52%) xuống 224,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,72 triệu đơn vị, giá trị 344,4 tỷ đồng, giảm 51,12% về lượng và 40,52% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 14/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 6 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là LHC tăng 8,8%, VC3 và THD tăng chưa tới 0,5%, cùng DDG và NDN đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, cặp đôi họ Licogi là L14 và L18 giảm sâu nhất khi mất hơn 6%.

Các mã đáng chú ý như CEO giảm 4,3% xuống mức 15.400 đồng/CP, NVB giảm 4% xuống 16.600 đồng/CP, HUT giảm 2,6% xuống 18.900 đồng/CP, PVS, LAS, VCS giảm trên dưới 2%, IDC giảm 1,5% xuống 46.800 đồng/CP…

Cổ phiếu chứng khoán SHS giảm 4,5% xuống mức 8.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 4 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác cũng nới rộng đà giảm như MBS giảm 3,3%, APS giảm 3%, EVS giảm 5,8%...

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường cũng quay đầu giảm điểm cùng thanh khoản ở mức cực thấp.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,44%) xuống 79,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,88 triệu đơn vị, giá trị 114,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 6,77 tỷ đồng.

Thị trường chỉ có 2 mã có giao dịch trên 1 triệu đơn vị, gồm BSR khớp 1,42 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2% xuống 19.600 đồng/CP và PAS khớp 1,18 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 3,2% xuống 6.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, LMH ngược dòng thành công, thậm chí có thời điểm tăng mạnh mẽ. Chốt phiên, LMH tăng 3,4% lên 9.000 đồng/CP, thanh khoản đứng thứ 3 thị trường nhưng chưa tới 0,4 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục