Cơ hội tích luỹ cổ phiếu bán lẻ đã đến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tháng cuối năm thường được xem là giai đoạn chạy nước rút của các doanh nghiệp ngành bán lẻ, đồng thời mang đến cơ hội cho các cổ phiếu nhóm này. Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE có những nhận định về cổ phiếu nhóm này.
Cuối năm ngành bán lẻ "vào vụ". Ảnh: Shutterstock. Cuối năm ngành bán lẻ "vào vụ". Ảnh: Shutterstock.

Chào bà, như một “thói quen”, cuối năm vốn là khoảng thời gian yêu thích của nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ. Năm nay thì sao, bối cảnh có khác nhiều không?

Nhìn chung, tiềm năng tăng trưởng ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2022 khá tích cực khi kinh tế dần hồi phục, nhu cầu tiêu dùng mua sắm tăng cao sau đại dịch.

Nhìn vào số liệu vĩ mô cũng thấy được tình hình rất lạc quan. Tăng trưởng GDP quý III đạt 13,67% - mức tăng cao chưa từng có trong nhiều năm qua và được dự đoán tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Tăng trưởng GDP tiếp tục tăng kéo theo thu nhập cải thiện, nhu cầu mua sắm hàng hóa theo đó sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.

Trong những tháng cuối năm sẽ có những dịp lễ, Tết, đó là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, qua đó các doanh nghiệp bán lẻ có thể tận dụng thời điểm vàng này để đạt được những mức tăng trưởng doanh thu lợi nhuận tốt.

Cùng với đó, một diễn biến khác của ngành cũng khá thú vị, đó là các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ đang thực hiện quá trình M&A, các mô hình kinh doanh mới cùng với những hợp đồng mới được ký kết về phân phối sản phẩm thông qua các kênh bán hàng nhằm gia tăng thị phần, đang thu hút được nguồn vốn ngoại lớn, đa dạng hóa sự phát triển sản phẩm của ngành.

Bà Nguyễn Ngọc Linh.

Bà Nguyễn Ngọc Linh.

Chúng ta hay nói về dân số tiêu dùng, bà nghĩ sao về điều này?

Nước ta sở hữu độ tuổi dân số trẻ, với nhóm tuổi đông nhất dao động từ 25 - 40 tuổi. Đây là nhóm dân số đã tự chủ thu nhập và có khả năng chi tiêu mạnh, do đó nhu cầu mua sắm tiêu dùng cũng sẽ được gia tăng, đặc biệt là sau những đợt giãn cách dài ngày vì dịch Covid-19.

Vào những tháng cuối năm, thông thường, các loại sản phẩm về các đồ dùng điện tử, linh kiện điện tử liên tục được cải thiện cả về tính năng lẫn hình thức nhận diện mới là nhân tố thúc đẩy việc mua sắm của nhóm độ tuổi trẻ này tăng cao vào cuối năm nay.

Là phân khúc nhạy cảm với lạm phát, chắc hẳn không thể không nhắc đến vấn đề này với những tác động tới ngành bán lẻ?

Câu chuyện về lạm phát gia tăng cũng cần được chú ý. Lạm phát tăng nghĩa là giá cả hàng hóa cũng sẽ đắt đỏ, phần nào hạn chế hành vi mua sắm hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức gia tăng lạm phát dao động ở 2 - 3% nên sẽ không quá ảnh hưởng nhiều đến sức cầu tiêu dùng trong nước ở những tháng cuối năm.

Ngành bán lẻ đang được hưởng lợi nhiều từ phục hồi kinh tế. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngành bán lẻ đang được hưởng lợi nhiều từ phục hồi kinh tế. Ảnh: Thành Nguyễn.

Phải chăng đây là thời điểm thích hợp để tích luỹ cổ phiếu bán lẻ?

DNSE nhận định, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu chuẩn bị đồ dùng hàng hóa mới trong mỗi gia đình gia tăng, dẫn tới cầu tiêu dùng mua sắm cũng tăng đột biến. Đây là sẽ là thời điểm vàng để các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng thị phần sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ điện tử cũng sẽ được hưởng lợi vào cuối năm nay do giá bán tăng vì tình trạng thiếu chips kéo dài đến năm 2023 và xu hướng cao cấp hóa của giới trẻ.

DNSE dự báo rằng, mức doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tăng khá mạnh vào cuối năm 2022 và sang đầu năm sau 2023. Các nhà đầu tư có thể đưa vào danh mục theo dõi các doanh nghiệp bán lẻ này và chờ thời điểm để trả giá hợp lý để tích lũy cổ phiếu bán lẻ từ giờ cho đến cuối năm nay.

Vậy còn tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu thì sao?

Cổ phiếu tốt phải thoả mãn nhiều yếu tố, phải đảm bảo được định giá hợp lý, phù hợp để đầu tư dài hạn khi có các chỉ số PE, PB thấp hơn so với ngành.

Cùng với đó, cổ phiếu cần có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao so với các quý cùng kỳ. Chúng tôi cũng đề cao các cổ phiếu được hưởng lợi từ các điều kiện về vĩ mô ngành, thị trường, có mức vốn hóa lớn (trên 1.000 tỷ đồng) và mức thanh khoản cao trên thị trường.

Bà có thể gọi tên một số cổ phiếu tiềm năng, thoả mãn những yếu tố đã nêu?

Theo tôi, đó là: MWG, FRT, FPT, DGW, PNJ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục