Mirae Asset: Các nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, Mirae Asset kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 - 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x - 10,5x.
Mirae Asset: Các nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt

Theo quan điểm của Mirae Asset, VN-Index đã đối mặt với tình trạng bán tháo hoảng loạn, phần lớn là do tâm lý tiêu cực đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Nhà nước, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Nga gần đây đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.

Hiện tại, VN-Index đang giao dịch dưới mức trung bình P/E 10 năm -1 độ lệch chuẩn (SD). Điều này đem đến cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt và có tính chất phòng thủ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng/ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng 9, tỷ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Nhóm nghiên cứu cho rằng, những áp lực bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng.

Thanh khoản thị trường cũng phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 9 giảm 16% so với tháng trước xuống còn khoảng 11.800 tỷ đồng.

Với nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 7,2% tổng giá trị giao dịch) đã chuyển sang chiến lược bán ròng, trong tháng 9 đạt giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Mức bán ròng đó đã được các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng đối ứng (chiếm 86,4% tổng giá trị giao dịch).

Mirae Asset nhìn nhận, những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra góp phần làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam. Tầm nhìn đến cuối năm 2022, các chuyên gia có ba nhận định và kỳ vọng.

Thứ nhất, giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát. Thứ hai, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ. Thứ ba, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến các ngành/công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Nếu các yếu tố vĩ mô của thế giới và trong nước không diễn biến xấu hơn, Mirae Asset vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 là 17,5% so với cùng kỳ, so với mức kỳ vọng của thị trường là 22%.

Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, báo cáo hy vọng chỉ số VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 - 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x - 10,5x. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kỳ vọng đầu tư trung và dài hạn.

Đánh giá triển vọng một số ngành, Mirae Asset nhận xét, ngành bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng lên đến 95%. Các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê như IDC, BCM, VGC… là những đầu tàu tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận. Các doanh nghiệp đã hết quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê ghi nhận kết quả kém khả quan hơn, đa số đều thể hiện sự sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.

Với dầu khí, nhóm nghiên cứu xem xét các kịch bản giá dầu và đánh giá tác động đến các doanh nghiệp nửa cuối 2022 so với cùng kỳ. Trường hợp giá dầu Brent duy trì trên 85 USD/thùng, báo cáo đánh giá GAS, PVD, BSR, PVT có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh chính trên 30% trong nửa cuối năm. Trường hợp giá dầu Brent giảm dưới mức 85 USD/thùng, sẽ có rủi ro trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của BSR.

Trong nhóm năng lượng điện, tiện ích, theo EVN, sản lượng sản xuất điện Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ trong tháng 8/2022 và 5% trong 8 tháng 2022. Thủy điện là loại hình ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng cao nhất trong tháng 8 (tăng 30%) và 8 tháng 2022 (tăng 36% ). Đáng chú ý, sản lượng nhiệt điện khí hồi phục với mức tăng trưởng 24% trong tháng 8, trong khi năng lượng tái tạo ghi nhận mức giảm nhẹ 2,4%. Ngược lại, sản lượng nhiệt điện than giảm 7,6% trong tháng 8 và 16% trong 8 tháng.

Bán lẻ cũng được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu bởi nhiều yếu tố như: tăng trưởng thu nhập bình quân 11,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng; tỷ lệ thất nghiệp đang trong đà giảm; sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú... và FDI phục hồi. Trong ngắn hạn, tăng trưởng bán lẻ ghi nhận ở mức cao nhờ nền thấp trong nửa sau năm 2021, tuy nhiên, các yếu tố bất ổn vĩ mô như tăng lãi suất và lạm phát cao sẽ tạo áp lực lên ngành bán lẻ trong giai đoạn năm 2023.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục