Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Chờ game mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên trắng bên mua đã xuất hiện bởi lực cầu có xuất hiện nhưng chỉ là lực cầu bắt đáy. Dường như nhà đầu tư đã chấp nhận chờ đợi VN-Index xuống ngưỡng 1.200 điểm để làm lại "ván" mới.
Giao dịch chứng khoán sáng 12/7: Chờ game mới

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 73 điểm, tương ứng giảm 5,15%, đánh mất toàn bộ thành quả có được trong 3 tuần tăng điểm trước đó.

Mọi phân tích được đưa ra cuối tuần trước đều khá hội tụ vào nhận định "thị trường còn giảm". Vấn đề là giảm đến đâu?

Mốc 1.200 điểm với VN-Index là nhận định bi quan nhất, đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh và cũng là đỉnh của năm 2018. Còn trên đó là các ngưỡng phía trên như 1.265-1275 hay 1.300 điểm hay gần nhất là khoảng 1.320 điểm tương ứng với đường trung bình 50 phiên (MA50) là các điểm quan trọng được đưa ra.

Diễn biến trong phiên hôm nay cho thấy, sau phút "lấn cấn" đầu phiên thì thị trường đã lao dốc thẳng đứng, nhẹ nhàng xuyên qua vùng MA50, biến vùng hỗ trợ này thành vùng kháng cự.

Thị trường có bật lên sau đó nhưng không vượt qua vùng kháng cự vừa tạo ra để rơi xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm và có nhịp phục hồi nhẹ rồi tiếp tục rơi thẳng xuống ngưỡng 1.275 điểm, đây cũng là vùng cản nếu nhìn trên đồ thị chat tuần.

Trên bảng điện tử chỉ còn hơn chục mã giữ được sắc xanh, còn lại đều chuyển đỏ hoặc nằm sàn.

Diễn biến như trên thấy thị trường chứng khoán đang ở thời điểm rất tiêu cực. Có nhiều nguyên nhân cộng hưởng giải thích cho xu hướng này. Đầu tiên, những thông tin tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp tạo nên lo ngại nhất định với nhiều doanh nghiệp niêm yết phải tạm dừng một phần hoạt động, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý 3 và cả năm.

Tiếp đến, một lo ngại có tính "đặc trưng" của chứng khoán Việt Nam đó là tình trạng kéo xả, việc VN-Index và cụ thể là VN30-Index "bị đạp" sâu được không ít nhà phân tích cho rằng đó là hành động chủ ý theo cách thức đầu tư "lỗ trên thị trường cơ sở, lãi trên thị trường phái sinh". Suy đoán này không phải không có cơ sở bởi chứng khoán Việt Nam có những diễn biến tương tự trong quá khứ.

Cuối cùng chính là câu chuyện "tăng nhanh thì phải giảm nhanh". Chứng khoán Việt Nam có chuỗi tăng ngoạn mục kéo dài hơn hơn 1 năm, và nguyên tắc không có gì có thể tăng mãi. Giảm để tìm điểm cân bằng trước khi có các con sóng mới là điều cần xảy ra, vấn đề của mỗi nhà đầu tư là tại sao lại là giảm vào tuần trước và tuần này mà thôi, sao không giảm vào tuần tới, sao không giảm lúc tài khoản vừa bán xong,...

Quay lại diễn biến phiên hôm nay, sau hơn 90 phút giao dịch, bảng điện tử vẫn chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu trụ cột VN30 đều giảm sâu với BID, CTG, HPG, SSI, TCB, PNJ, VPB có mức giảm 5 – 6%, các mã khác như BVH, FPT, MWG, STB, VCB, VRE giảm 3-4%..., đã khiến VN-Index vẫn giao dịch dưới vùng giá 1.300 điểm.

Sau đó thị trường tiếp tục yếu dần khi VN-Index có thời điểm mất tới 70 điểm, tương đương số điểm mất cả tuần trước. Một loạt mã lớn bé đã nằm sàn và câu chuyện margin cần được nhắc tới vào lúc này, với mức giảm tổng cộng khoảng 10% cho VN-Index ở vùng đỉnh trên 1.420 điểm thì chắc hẳn nhiều tài khoản đã ở vùng ép bị bán.

Cơ hội trên thị trường chứng khoán luôn có, sáng nay chắc hẳn sẽ là phiên kỷ lục thanh khoản khi gần hết phiên, giá trị khớp lệnh đã vượt trên 18.000 tỷ đồng cho thấy lượng tiền bắt đáy chấp nhận rủi ro còn rất lớn.

Sau khi thủng mốc 1.275 điểm với hầu hết các cổ phiếu đều mất điểm, trong đó gần 50% số mã nằm sàn, lực cầu có dấu hiệu gia tăng và hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, đã chặn đà rơi của thị trường và giúp VN-Index hồi phục hơn 15 điểm trong 30 phút cuối phiên.

Điểm tích cực chính là thanh khoản phiên sáng nay đã phá kỷ lục được lập trước đó vào ngày 31/5 (19.063 tỷ đồng) khi ghi nhận tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 19.209 tỷ đồng. Tuy nhiên, niềm tin dòng tiền mạnh đã quay lại là khá mong manh khi bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 376 mã giảm (80 mã giảm sàn) và chỉ 16 mã tăng, VN-Index giảm 55,76 điểm (-4,14%), xuống 1.291,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 611,68 triệu đơn vị, giá trị 19.209,18 tỷ đồng, tăng 91,35% về khối lượng và 64,94% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 9/7. Trong đó, nhóm VN30 vẫn chiếm chủ đạo đạt tỷ trọng gần 60% tổng giá trị giao dịch.

Các nhóm trụ cột từng đóng vai trò hỗ trợ thị trường như ngân hàng, chứng khoán, thép đều đua nhau giảm sâu. Trong đó, nhiều mã trong các nhóm ngành như chứng khoán có AGR, CTS, FPTS, PSI, APS, VDS, VIG, VIX, SBS… đều nằm sàn, các mã lớn như HCM, SSI giảm trên dưới 6%...

Hay nhóm ngành thép, đồng loạt HSG, TLH, NKG, POM cũng đều trong trạng thái dư bán sàn, HPG cũng giảm mạnh 5,8% xuống mức 44.550 đồng/CP.

Ở dòng bank, dù nhiều mã đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng không tránh khỏi đà giảm sâu, điển hình như BID, CTG, VPB giảm trên 6%; các mã khác như STB, TCB, TPB, LPB giảm 5-6%... cổ phiếu có biên độ giảm hẹp nhất là VCB giảm 3% và tạm dừng phiên sáng tại mức giá 106.500 đồng/CP.

Ngoài những mã lớn thuộc các nhóm ngành trụ cột trên, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm VN30 cũng gia tăng gánh nặng lên thị trường với hàng loạt mã VHM, BVH, TCH, SBT, POW… giảm trên 5-6%, nhiều mã khác như FPT, PDR, PNJ. VRE, VIC… giảm trên dưới 4%.

Bên cạnh các cổ phiếu bluechip và nhóm trụ cột giảm sâu, ở nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ, hàng loạt mã quen thuộc đua nhau nằm sàn như ROS, ITA, HQC, DLG, LDG, AMD, HAI, VOS, TGG, HVH, SJF…

Về thanh khoản thị trường, bộ 3 dẫn đầu gồm HPG khớp lệnh 44,47 triệu đơn vị, TCB khớp 38,42 triệu đơn vị, STB khớp hơn 33 triệu đơn vị. Cả 3 mã này đều chốt phiên sáng nay giảm trên dưới 5,7%.

Trên sàn HNX, áp lực bán tháo trên diện rộng cũng khiến thị trường lao dốc mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 23 mã tăng và có tới 201 mã giảm, HNX-Index giảm 15,59 điểm (-5,08%) xuống 291,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 114,46 triệu đơn vị, giá trị 2.399,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 35,37 tỷ đồng.

Điểm sáng đi ngược thị trường là PVS đã có màn đảo chiều tích cực sau 9 phiên liên tiếp mất điểm. Tạm chốt phiên sáng nay, PVS tăng 2,1% lên mức 23.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 12 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB về thanh khoản sàn HNX (23,89 triệu đơn vị).

Trong khi đó, các mã lớn khác giảm mạnh, là nhân tố chính khiến thị trường tuột dốc như SHB, SHS, VND, IDC, NVB đều giảm trên 7%, BAB giảm 9,7% xuống mức giá sàn 22.300 đồng/CP, THD và VCS cùng giảm hơn 2%, PAN giảm 6,7% xuống 22.400 đồng/CP…

Hàng loạt mã vừa và nhỏ như KLF, QBS, DST, MBG, TTH, VHE, KVC, NSH, ITQ… đều tạm dừng phiên sáng ở mức giá sàn.

Trên UPCoM, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường, đẩy UPCoM-Index về vùng giá 83 điểm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 3,56 điểm (-4,09%), xuống 83,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,34 triệu đơn vị, giá trị 850,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị 15,67 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn có giao dịch vượt trội với hơn 14 triệu đơn vị được giao dịch thành công, nhưng chưa thoát khỏi đà giảm điểm khi chốt phiên sáng nay tại mức giá 16.700 đồng/CP, giảm 6,2%.

Các mã có thanh khoản sôi động tiếp theo đó nằm trong khoảng 2-5 triệu đơn vị khớp lệnh gồm BVB, VGT, SBS, AAS nhưng diễn biến khá tiêu cực khi BVB -13,5%, VGT -12,4%, SBS và AAS đều tạm dừng tại mức giá sàn.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như MSR, VEA, QNS, VGI, ACV… cũng chốt phiên sáng trong sắc đỏ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ