Tìm kiếm cơ hội đầu tư khi thị trường biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường điều chỉnh mạnh là cơ hội mua vào những cổ phiếu tốt. Cần lưu ý, giai đoạn dễ dàng đã qua, đã tới lúc “chọn mặt gửi vàng” với những cái tên chất lượng với đặc điểm tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh; có vị thế tốt để nắm bắt sự phục hồi của nhu cầu; sức khoẻ tài chính tốt.
Tìm kiếm cơ hội đầu tư khi thị trường biến động mạnh

VN-Index đã có tuần giảm điểm mạnh nhất từ tuần 29/01 đến nay, mất hơn 73 điểm trong một tuần, dòng tiền trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Dù vậy, nhiều cổ phiếu tốt, có triển vọng kinh doanh ghi nhận ngược dòng thị trường, cũng có những cổ phiếu giảm mạnh do lực cung gia tăng cũng tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư.

Chỉ sau một phiên giảm mạnh về vùng 54.000 đồng/cp, cổ phiếu TCB ngay lập tức lấy lại phong độ các phiên sau đó, kết tuần, TCB ở mức 56.000 đồng/cp, tăng hơn 4% trong tuần vừa qua.

Dòng cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm, tiêu dùng cũng khởi sắc, góp phần hỗ trợ VNindex không giảm sâu hơn. Điển hình như MWG dẫn đầu danh sách với mức tăng 12,6% đã giúp VNindex tăng 2,6 điểm, hay như MSN từ mức 109.000 đồng/cp phiên 6/7, đã tăng tích cực các phiên sau, có lúc đạt trên 120.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần, MSN cũng bị áp lực chung với thị trường, vòng về vùng 116.900 đồng/cp.

Cả 2 doanh nghiệp này đều đang ở hữu chuỗi bán lẻ toàn quốc, như Masan là chuỗi siêu thị Vinmart, MWG là chuỗi Bách Hoá Xanh.

Với thông tin giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều chợ truyền thống buộc phải đóng cửa, đã khiến nhu cầu mua thực phẩm tích trữ tăng cao, ghi nhận nhiều cửa hàng/siêu thị của 2 doanh nghiệp này đều hết hàng từ rất sớm.

Ở nhóm bất động sản, một số cổ phiếu có vị thế cạnh tranh (quỹ đất, thương hiệu, tài chính, …) sụt giảm về vùng giá hấp dẫn cho dài hạn, hoặc các cổ phiếu dự báo có lợi nhuận đột bíến – thích hợp cho các nhà đầu tư ngắn hạn, cũng được nhiều môi giới tư vấn như DIG, NLG, HDC…

Một doanh nghiệp có gốc là hoạt động bất động sản, nhưng đang đẩy mạnh hơn mảng năng lượng là HDG tăng gần 6% trong tuần qua, cũng có những tín hiệu tích cực khi các tổ chức lớn mua vào.

Như Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua thêm hơn 9 triệu cổ phiếu trở thành cổ đông lớn. Tương tự với BCG, được đánh giá đang ở vùng hấp dẫn trong khi dòng tiền được đánh gía về đều hơn.

Ngược lại, NVL với mức giảm 13% đã làm VN-Index mất 6,3 điểm, và sau tuần được mua ròng mạnh đã bị khối ngoại bán ròng hơn 700 tỷ đồng trong tuần này và là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, NVL đang về vùng giá hấp dẫn hơn, có thể giải ngân ngắn hạn dần ở cổ phiếu này.

Luận điểm đầu tư đến từ việc dòng tiền bán hàng giai đoạn 2021 - 2023 tốt hơn, kết quả kinh doanh quý 1 tốt và đặc biệt nợ ròng của NVL giảm hơn 5.000 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 114,7% đầu kỳ xuống 83,6%, nhờ hoạt động bán hàng tốt và đợt phát hành quyền cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 89:7) với giá 59.200đ/cp đã làm gia tăng vốn chủ sở hữu lên gần 4.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo nguồn tin của phóng viên, Novaland đang đàm phán để chuyển nhượng dự án C tại TP. Thủ Đức, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng ước tính hơn 8.000 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán kỳ vọng thương vụ sẽ hoàn tất năm qua, qua đó dự phóng lợi nhuận năm 2021 có thể đạt 9.540 tỷ đồng.

Thông tin xúc tác đáng chú ý khác là mới đây, NVL công bố phát hành thành công cho nhà đầu tư nước ngoài 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và sẽ được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm kể từ ngày phát hành (đáo hạn năm 2026), lãi suất cố định 5.25%/năm.

Theo điều khoản, các trái phiếu này có quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Tập đoàn; Giá chuyển đổi là 135.700 đồng/cp – cao hơn 31% giá đóng cửa tại ngày 9/7.

Với thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức chuyên nghiệp tham gia mua vào trái phiếu NVL, họ đã có những phân tích, tính toán kỹ lưỡng về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai, chấp nhận mức giá chuyển đổi như trên. Theo đó, đây là thông tin có thể tạo động lực tăng giá tốt cho NVL trong thời gian tới.

Được biết, Credit Suisse (Singapore) Limited là Nhà Quản lý tài sản toàn cầu độc quyền (Sole Global Coordinator) và đơn vị Dựng sổ độc quyền (Sole Bookrunner) cho đợt huy động vốn lần này của Novaland. Đợt phát hành ghi nhận sự quan tâm lớn từ nhiều nhà đầu tư quốc tế uy tín với giá trị đăng ký tham gia gấp nhiều lần so với kế hoạch phát hành 300 triệu USD của Novaland.

Dài hạn hơn, theo đánh giá của KBSV, bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào của thị trường (trong kịch bản các yếu tố rủi ro không làm thay đổi điều kiện cơ bản của thị trường trong dài hạn) đều là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu.

Đối với chiến lược đầu tư tổng thể và xuyên suốt, mua và nắm giữ là chiến lược hợp lý với phần đông nhà đầu tư khi mà các nhịp biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng dần biên độ trong nửa cuối năm, khiến hoạt động trading kém hiệu quả nếu nhà đầu tư không nắm bắt được điểm vào/ra phù hợp.

Trong nửa sau 2021, Bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thuỷ sản và dầu khí.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục