Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/4: Nhà đầu tư mua thăm dò ở một số mã bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tiếp tục thận trọng, nhưng sự luân chuyển đang khá nhanh trong những phiên gần đây và phiên sáng nay đang có dấu hiệu trở lại với dòng bất động sản với điểm đến ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/4: Nhà đầu tư mua thăm dò ở một số mã bất động sản

Trong phiên hôm qua, điểm nhấn của thị trường là việc dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, đặc biệt là các mã ngành nhựa và thép, cùng một số cổ phiếu ngân hàng và nhóm bluechip tích cực hơn đã giúp VN-Index hồi phục và đóng cửa trở lại ngưỡng 1.040 điểm.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu khác tăng tốc, trong đó, các mã ngành nhựa của AAA, HII APH, BMP, DAG đều tăng kịch trần, nhóm thép tăng trên dưới 5% với các cổ phiếu HPG, HSG, NKG…

Bước sang phiên sáng nay 27/4, giao dịch chậm lại đáng kể và áp lực phân hóa cao diễn ra ở nhóm bluechip, khiến VN-Index giằng co, đảo chiều liên tục quanh tham chiếu, nhưng cũng chỉ với biên độ hẹp.

Nhà đầu tư tiếp tục thận trọng, chỉ một vài cổ phiếu vừa và nhỏ ở nhóm bất động sản nổi lên như ITC, NTL, NHA và AGR, khi sớm tăng kịch trần, các mã TDC, SCR, DXG nhích hơn 3%, trong đó, DXG đang thu hút lực mua nhất với thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE.

Các cổ phiếu DRH, HPX, IJC, KHG, HQC, NVL, KBC, DIG cũng đang giao dịch trong sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu nhựa không còn nóng như phiên hôm qua, nhưng DAG vẫn duy trì được sắc tím, HII tăng gần 6%, BMP và AAA nhích hơn 2,5%.

Giao dịch tiếp tục khá nhàm chán trong phần còn lại của phiên với bảng điện tử phân hóa và khi một số bluechip đảo chiều khiến sắc đỏ lan rộng ở rổ VN30 đã đẩy VN-Index lùi về dưới tham chiếu khi tạm nghỉ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 185 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,17%), xuống 1.038,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 232 triệu đơn vị, giá trị 3.805,5 tỷ đồng, tăng gần 15% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,4 triệu đơn vị, giá trị 218,6 tỷ đồng.

Phiên này, cặp đôi nhà Vin là VIC và VHM gây áp lực lớn nhất đến chỉ số, dù chỉ giảm 1,9% xuống 50.900 đồng và 47.100 đồng.

Các mã giảm khác chỉ mất điểm nhẹ, như VNM -1,5% xuống 69.900 đồng, BVH -1,3% xuống 45.250 đồng, HPG -1,1% xuống 21.750 đồng, VRE -1,1% xuống 27.200 đồng.

Ở chiều ngược lại, GVR là cổ phiếu tích cực nhất nhóm, +2% lên 15.650 đồng, PLX +1,6% lên 37.500 đồng, còn lại với SAB, GAS, MSB, VCB, VPB chỉ nhích nhẹ từ 0,1% đến 1%. Trong khi, NVL, POW, PDR, ACB, FPT đứng giá tham chiếu. Thanh khoản HPG và NVL cao nhất nhóm và bỏ xa phần còn lại với hơn 9 triệu đơn vị.

Tại các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu ngành nhựa vẫn nổi bật nhất với DAG và HII tăng kịch trần lên 4.950 đồng và 4.930 đồng, khớp 0,6 triệu và 1,12 triệu đơn vị. Trong khi AAA +3% lên 10.450 đồng, BMP +3% lên 79.600 đồng.

Một số cổ phiếu ở nhóm bất động sản, xây dựng cũng đã nhận lực cầu tốt và tăng mạnh, với ITC, NHA và NTL đứng vững ở sắc tím tại 8.770 đồng, 14.000 đồng và 22.400 đồng. Các cổ phiếu khác như SGR +3,7% lên 16.650 đồng, TDC +3% lên 10.200 đồng, nhóm KBC, D2D, CIG, PTB, VGC, TGG, GEX, SAM, SCR, CRE tăng từ 2% đến 2,7%.

Đáng kể nhất là tại DXG khi +4% lên 13.100 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 15,3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu giảm điểm sâu không xuất hiện nhiều, ngoài PSH và LSS bị chốt lời và giảm hơn 3,5%, khớp lệnh trên dưới 0,7 triệu đơn vị mỗi mã.

Dù vậy, sắc đỏ cũng xuất hiện không ít ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, với các nhóm ngành như thép, công ty chứng khoán, bất động sản như HCM, VCI, NKG, LCG, VCG, HAG, HNG, KHG, HHV, LDG, VIX, VND, HQC, HSG...khớp từ gần 1 triệu đến hơn 4,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng về cuối phiên khiến HNX-Index rơi dần về sát tham chiếu sau những phút đầu khá tích cực.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,08%), lên 206,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 493 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,91 triệu đơn vị, giá trị gần 19 tỷ đồng.

Tâm điểm của sàn vẫn là cổ phiếu DDG, khi tiếp tục nằm sàn -10% xuống 9.900 đồng, khớp hơn 0,8 triệu đơn vị, nhưng còn dư bán giá sàn tới hơn 14,5 triệu đơn vị.

Phần còn lại phân hóa, với các cổ phiếu tăng tốt nhất thuộc về NRC +4,3% lên 4.800 đồng, NDN +4,6% lên 9.100 đồng, TAR +3,3% lên 15.500 đồng, còn CEO, IDJ, PVC, HUT, IDC, TIG chỉ nhích nhẹ và trái lại là SHS, PVS, TNG, AMV, MBS chìm trong sắc đỏ.

Thanh khoản cao nhất sàn là CEO với 5,82 triệu đơn vị khớp lệnh, SHS khớp 3,29 triệu đơn vị, NRC khớp 2,68 triệu đơn vị, IDJ khớp 2,17 triệu đơn vị...

Trên UpCoM, dù đa số các cổ phiếu hút dòng tiền nhất đều tăng, nhưng UpCoM-Index lại giằng co mạnh quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,09%), xuống 77,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,7 triệu đơn vị, giá trị 146,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,03 triệu đơn vị, giá trị 176,8 tỷ đồng.

Lác đác một vài sắc đỏ xuất hiện tại MSR, CST, VFS với mức giảm chưa đến 1%, cùng BSR, C4G, VHG, DRI, OIL, LCM đứng tham chiếu, với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 1,33 triệu đơn vị.

Còn lại đều tăng, dù chỉ một vài cái tên tăng khá như DTI +6% lên 8.900 đồng, AFX +4,4% lên 9.500 đồng, LTG +4,3% lên 31.400 đồng...

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục