Cổ tức tiền mặt: "Cơm không ăn, gạo còn đó"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm nay, không ít doanh nghiệp lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau thời gian dài để dành nguồn lực nhằm tái đầu tư, tái cấu trúc, hoặc chống chọi với khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp khác quyết định không chia cổ tức.
Trong nhóm ngân hàng, HDBank, MB, VIB, TPBank, VPBank, ACB đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt Trong nhóm ngân hàng, HDBank, MB, VIB, TPBank, VPBank, ACB đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt

Ngân hàng được “cởi trói”

Trong giai đoạn dịch Covid-19 năm 2020 - 2022, Ngân hàng Nhà nước “cấm” các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt và yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, năm 2023, cơ quan quản lý không cấm trả cổ tức bằng tiền, mà chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Theo đó, không ít ngân hàng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt như HDBank, MB, VIB, TPBank, VPBank, ACB…

Phương án chia cổ tức năm 2022 của VIB là 15% bằng tiền mặt, TPBank là 25% bằng tiền mặt (khoảng 3.955 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên 2 ngân hàng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông kể từ khi niêm yết. Còn VPBank có kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (7.934 tỷ đồng). Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông kể từ khi lên sàn năm 2017. Trước đó, VPBank mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018, tỷ lệ 20%.

Trong khi đó, phương án chia cổ tức năm 2022 của HDBank là vừa bằng tiền mặt, vừa bằng cổ phiếu, với tổng tỷ lệ 25%. Tương tự, MB lên phương án chia 20% cổ tức gồm 3,5% tiền mặt và 16,5% cổ phiếu. ACB có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25%. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Vậy là sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất, Ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt là năm 2015, với tỷ lệ 7%.

Một số nhà băng tiếp tục tích lũy

Techcombank có lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 là 17.907 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến cuối năm 2022 đạt 40.137 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối của ngân hàng này là 23.539 tỷ đồng, nhưng Hội đồng quản trị vẫn chưa có ý định chia cổ tức, mà dự kiến để lại nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Lần chia cổ tức gần nhất của Techcombank là 5 năm trước (2018), nhưng không phải bằng tiền, mà bằng cổ phiếu.

Với Sacombank, lần chia cổ tức gần nhất là năm 2015, nhưng cũng bằng cổ phiếu (20%). Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ của Sacombank đạt 3.741 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng dự kiến trình đại hội cổ đông kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Nếu được thông qua, phần lợi nhuận lũy kế của Ngân hàng sẽ tăng lên 12.700 tỷ đồng.

PG Bank và Saigonbank cũng không chia cổ tức trong nhiều năm qua. Năm nay, cả 2 ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức. Như vậy, 2023 là năm thứ 10 liên tiếp, PGBank không chia cổ tức, còn Saigonbank là năm thứ 6 liên tiếp.

Eximbank dự kiến năm nay sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Lần chia cổ tức gần nhất của Ngân hàng là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Bất động sản, thép dự phòng cho khó khăn

Không có cổ tức, nhưng những nhà đầu tư chấp nhận đồng hành với doanh nghiệp có thể kỳ vọng sẽ nhận lại quả ngọt vào giai đoạn hồi phục 2024 - 2025.

Thị trường bất động sản năm 2022 biến động mạnh theo hướng giảm giá và mất thanh khoản, khó huy động vốn, tín dụng hạn chế, khiến nhiều nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn, nên một loạt doanh nghiệp trong ngành dự kiến không chi trả cổ tức. Thậm chí, trước khi năm 2022 kết thúc, Novaland đã có thông báo về việc tạm thời không chia cổ tức năm 2021.

Khải Hoàn Land quyết định không trả cổ tức năm 2022, mà giữ lợi nhuận lại nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt.

Đầu tư Năm Bảy Bảy dự kiến không trả cổ tức năm 2022 do các ngân hàng siết chặt tín dụng dẫn đến hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng và huy động vốn.

Sam Holdings, Xây dựng Coteccons, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex) cũng đều đề xuất không chia cổ tức năm 2022. Đây là năm đầu tiên, Becamex không trả cổ tức kể từ khi niêm yết năm 2010, còn Sam Holdings không trả cổ tức tiền mặt kể từ năm 2015.

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 140 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa trả cổ tức năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO GMStock cho rằng, Hải Phát Invest chưa trả cổ tức có thể là do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu, dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất - kinh doanh âm.

Thị trường bất động sản suy thoái đã ảnh hưởng không nhỏ đến một số nhóm ngành khác như xây dựng, vật liệu xây dựng… Trong đó, nửa cuối năm 2022, không ít doanh nghiệp ngành thép kinh doanh thua lỗ như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Đầu tư Thương mại SMC, Tổng công ty Thép Việt Nam. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp này dự kiến không trả cổ tức tiền mặt năm 2022.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoà Phát, ông Trần Đình Long cho biết, sau khi cân nhắc kỹ, Hội đồng quản trị đề xuất không chia cổ tức năm 2022, một phần lý do là nhu cầu về vốn của Tập đoàn trong năm 2023 rất lớn.

CEO GMStock nhận định, Hòa Phát sẽ dồn lực vào “quả đấm thép” dự án Dung Quất 2, nhưng một phần quyết định không chia cổ tức đến từ tình hình kinh doanh sụt giảm trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 24% mức thực hiện năm 2021, nếu doanh nghiệp quyết định chia cổ tức thì ngân sách để đầu tư cho dự án sẽ ít đi.

Ông Nguyễn Hoàng Dương CEO GMStock
Ông Nguyễn Hoàng Dương CEO GMStock

Có 3 lý do chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức: một là, doanh nghiệp không đủ dòng tiền, làm ăn không có lãi để chi trả; hai là, doanh nghiệp có những kế hoạch để phát triển các dự án, đẩy mạnh giá trị nội tại trong tương lai; ba là, dự phòng cho tình hình kinh tế khó khăn trong năm tiếp theo.

Việc doanh nghiệp không chia cổ tức có phải là dấu hiệu đáng ngại hay không cần phải xét đến lý do của ban lãnh đạo. Nếu lý do là tái đầu tư vào giá trị nội tại của doanh nghiệp hoặc dự phòng cho năm 2023 khó khăn thì điều này là hợp lý.

Trên cương vị là những nhà đầu tư giá trị, chúng ta phải có niềm tin và sẵn sàng đồng hành dài hạn với doanh nghiệp. Chỉ cần bước qua khỏi vùng trũng, giai đoạn suy thoái này, những nhà đầu tư chấp nhận đồng hành với doanh nghiệp có thể kỳ vọng sẽ nhận lại quả ngọt vào giai đoạn hồi phục 2024 - 2025.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục