Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/10: Cổ phiếu EIB tiếp tục tạo sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến ảm đạm chung của các chỉ số đang được "cứu" bởi những cái tên riêng lẻ, gần như như nhóm Vingroup, hay các mã có tính đầu cơ cao như QCG, và phiên sáng nay tới lượt một cổ phiếu ngân hàng là EIB đang nỗ lực giữ nhiệt cho thị trường.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/10: Cổ phiếu EIB tiếp tục tạo sóng

Trong phiên hôm qua, áp lực bán luôn thường trực đã khiến VN-Index rung lắc và liên tục đổi sắc trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên đầu tuần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền yếu, áp lực bán dần dâng cao về cuối phiên đã khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử. Nhóm Vingroup dù nỗ lực, nhưng sự thiếu đồng thuận của thị trường đã khiến VN-Index nới dần đà giảm và tuột mất mốc 1.280 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/10, trước lực cung vẫn luôn trong trạng thái “sẵn sàng”, nhưng thị trường lại không có điểm tựa, cùng dòng tiền vẫn yếu đã khiến VN-Index tiếp tục nới đà đi xuống, giảm điểm từ khá sớm và về gần ngưỡng 1.275 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Bảng điện tử vẫn diễn ra tình trạng như nhiều phiên gần đây, khi số mã giảm chiếm ưu thế lớn, nhưng lực cung giá thấp không nhiều nên đa số chỉ giảm điểm nhẹ. Trong khi các mã tăng cũng chỉ có được mức tăng khiêm tốn. Ngoại trừ một vài cái tên ở nhóm vừa và nhỏ thay nhau nổi sóng và phiên này đến lượt SMC khi là cổ phiếu tăng mạnh và duy nhất chạm giá trần trên sàn tại 7.530 đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý khác trên sàn là EIB, khi khớp lệnh đang bỏ xa phần còn lại trên thị trường với hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi giá cổ phiếu nhích gần 3% lên gần 21.500 đồng, mức cao nhất trước đợt lao dốc mạnh cách đây 2 năm (thời điểm đó, cổ phiếu EIB đã giảm một mạch từ hơn 27.000 đồng xuống tới gần 11.000 đồng chỉ trong gần một tháng).

Hai nhịp lùi về gần ngưỡng 1.275 điểm đã tiếp sức giúp dòng tiền có phần tự tin hơn, bảng điện tử bớt tiêu cực, trong khi lực cung giá thấp cũng được tiết giảm và nhiều mã thu hẹp đà giảm. Chỉ số VN-Index theo đó bật hồi lên gần tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 138 mã tăng và 202 mã giảm, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,12%), xuống 1.278,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 301,2 triệu đơn vị, giá trị 7.239,8 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 39% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,3 triệu đơn vị, giá trị 392 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa và biến động nhẹ, trong đó, tăng tốt nhất là TCB, nhưng chỉ +1,1% lên 24.400 đồng. Trong khi ngược lại, BCM và VRE là hai cổ phiếu còn giảm hơn 1%, còn lại chỉ mất điểm nhẹ, với các mã lớn như VCB, CTG, BID, ACB, VPB, HPG, GAS giảm trên dưới 0,5%.

Thanh khoản cao nhất nhóm bất ngờ thuộc về TPB với gần 14 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là MBB với 6,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Cả hai mã này đều chỉ kết phiên ở giá tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phiên này vẫn là hai cái tên SMC và QCG nổi sóng, với SMC chạm giá trần +7% lên 7.530 đồng, khớp 1,41 triệu đơn vị, trong khi QCG cũng áp sát mức giá trần +6,2% lên 5.720 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị.

Đáng chú ý nhất vẫn là cổ phiếu EIB, khi dẫn đầu thanh khoản trên sàn với gần 14 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích 3,1% lên 21.450 đồng.

Ở chiều ngược lại, như đã đề cập, áp lực bán giá thấp thu hẹp và gần như không có mã nào giảm sâu đi kèm thanh khoản cao.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng thu hẹp đà giảm sau nhịp đảo chiều mất điểm từ giữa phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,17%), xuống 227,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,9 triệu đơn vị, giá trị 365,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,17 triệu đơn vị, giá trị 85,8 tỷ đồng.

Bảng điện tử khá ảm đạm, khi đa phần các cổ phiếu hút giao dịch nhất đều chỉ biến động nhẹ. Trong đó, SHS, PVS, TNG, API, MST, IDC, BVS giảm không đáng kể, trong khi CEO, NRC, VGS, LAS tăng 1-3%, còn MBS, TIG, IDJ, VC3, APS đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,26 triệu đến hơn 4,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nổi bật hơn là DDG khi tăng kịch trần +7,7% lên 2.800 đồng, khớp hơn 0,3 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, sắc đỏ chiếm ưu thế từ sớm đã khiến UpCoM-Index giảm nhanh và tương tự hai chỉ số chính, khi thu hẹp đà giảm vào cuối phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,30%), xuống 91,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 213,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,27 triệu đơn vị, giá trị 4,36 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thu hút sự chú ý là LTG khi giảm sàn -14,7% xuống 8.100 đồng, khớp lệnh cao thứ hai trên UpCoM với 3,12 triệu đơn vị.

Ngược lại, cổ phiếu SD6 tăng trần +13,3% lên 3.400 đồng, khớp hơn 0,27 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục