Phiên hôm qua ghi nhận các mã trụ trở lại vị thế dẫn dắt vốn có, với dòng bank bứt tốc, cho dấu hiệu vào sóng mới, khi top 10 mã giúp VN-Index tăng điểm mạnh mẽ ngày hôm nay có tới 6 cổ phiếu ngân hàng.
Sự trở lại của cổ phiếu nhóm trụ giúp VN-Index chinh phục được ngưỡng 1.370 điểm là đỉnh của đợt sóng hồi 3 tuần qua, với dòng tiền tăng mạnh và lan tỏa cao trên bảng chính.
Một số CTCK cho rằng, thanh khoản mạnh mẽ sẽ tiếp tục là động lực chính, chẳng hạn như VDSC nhận định, mặc dù vùng 1.370-1.375 điểm vẫn đang là vùng cản đối với VN-Index, nhưng với dấu hiệu dòng tiền khá mạnh mẽ, chúng ta có thể kỳ vọng nhịp tăng của thị trường sẽ nhanh chóng được nới rộng sau ít thời gian rung lắc tại vùng này.
CTCK Asean Securities cho biết, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh ngắn với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày và MA5 ngày, kèm thanh khoản ở mức cao và một ‘Gap up’ tại vùng 1.357-1.362 điểm là những tín hiệu khá tích cực.
Điều này cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào thị trường, và xu hướng ngắn hạn đang trở nên tích cực hơn.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/8, lực mua mạnh ngay trong phiên ATO đã thúc đẩy VN-Index có nhịp tăng vọt lên gần 1.380 điểm, tuy nhiên, ngưỡng cản mạnh và áp lực chốt lời cũng nhanh chóng gia tăng khiến bảng điện tử dần nghiêng về số mã giảm, chỉ số theo đó dần hạ độ cao, thậm chí đã có thời điểm về sát tham chiếu, trước khi nảy nhẹ trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch.
Nhóm bluechip với cặp đôi VCB-VIC hỗ trợ chỉ số tốt nhất, với VIC hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000: 124,9999297, giá cổ phiếu tăng khá tích cực và đang nhích hơn 2,5%.
Trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu công chứng khoán tiếp nối đà tăng của hôm qua, mặc dù đã không còn sự bùng nổ, chỉ còn APG, TVS tăng trần, VDS nhích gần 4%, VIX, VCI tăng gần 3%, trong khi HCM và FTS có dấu hiệu chốt lời.
Nhóm cổ phiếu thép nổi lên thay thế, với HCM, POM, TLH tăng từ 3 đến hơn 4%, trong khi cặp đôi đầu ngành HPG-HSG nhích hơn 1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng vẫn đang cho tín hiệu tích lũy, khi mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng vẫn là nhóm hút mạnh dòng tiền nhất thị trường.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của một số mã trụ như VIC, VCB, HPG, MSN, GVR không thể giúp VN-Index đứng vững trước áp lực chốt lời gia tăng mạnh trên diện rộng. Nhóm ngân hàng và chứng khoán sau phiên khởi sắc hôm qua đã có nhiều mã quay đầu điều chỉnh, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm ngân hàng ngoài VIC, chỉ có thêm một số mã tăng nhẹ như MBB, HDB, ACB, SSB, TPB, mạnh nhất là LPB khi tăng 3,57%.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 128 mã tăng và 226 mã giảm, VN-Index giảm 1,06 điểm (-0,08%), xuống 1.369,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 496,2 triệu đơn vị, giá trị 16.221,2 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,5 triệu đơn vị, giá trị 588,3 tỷ đồng.
Như đã đề cập, các cổ phiếu lớn nâng đỡ thị trường đã hạ nhiệt, với VIC chỉ còn +2,1% lên 100.400 đồng, HPG +1,7% lên 50.300 đồng, VCB +1,1% lên 101.700 đồng.
Tăng điểm khác đáng kể ở nhóm bluechip không còn nhiều với GVR +1,3% lên 37.000 đồng, còn MSN, ACB, PNJ, HDB, MBB, TPB chỉ tăng từ 0,1% đến 0,7%.
Các mã giảm, VHM vẫn là tác nhân chính kéo lùi chỉ số, khi giảm 2,8% xuống 112.800 đồng, cùng với đó là GAS -1,6% xuống 92.700 đồng.
Phần còn lại cũng không giảm sâu, mất trên dưới 1% như MWG -1,2%, VRE -1,1%, SSI -1%, PLX -0,8%...
Thanh khoản HPG vẫn cao nhất nhóm và dẫn đầu HOSE và vượt trội so với các mã theo sau với hơn 33,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên bảng điện tử, áp lực bán chốt lời khiến nhiều cổ phiếu giảm, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản vừa và nhỏ, vốn đã tăng mạnh gần đây như DIG, SCR, KBC, ITA, HBC, IJC, DXG, FCN, NLG, LDG…khớp lệnh nhóm này từ 2,5 triệu đến 11,1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu cảng biển, vận chuyển, logictics cũng tương tự với hôm nay là HAH -4,9% xuống 54.900 đồng, VNL -5,7% xuống 23.100 đồng, TCO -5,6% xuống 19.300 đồng, MHC -4,4% xuống 11.900 đồng, STG -2,9% xuống 27.000 đồng, TCL -2,7% xuống 38.200 đồng, SFI -2,7% xuống 45.550 đồng, VSC -2,5% xuống 70.200 đồng và gần như chỉ còn VOS duy trì được đà tăng, khi +2,5% lên 14.400 đồng.
Một số cổ phiếu có được mức tăng khá như ở nhóm thép, ngoài HPG nêu trên thì HSG +3,9% lên 39.600 đồng, NKG +3,7% lên 40.950 đồng, POM +4,4% lên 15.550 đồng, TLH +3,5% lên 17.800 đồng.
Đáng kể khác là ở một số như EVE, TGG, APG, VSH, DBT, MDG, khi đều tăng kịch trần, với BBT khớp lệnh cao nhất khi có hơn 0,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực phân hóa mạnh từ sớm cũng đã khiến HNX-Index rung lắc trong suốt cả phiên và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Các mã lớn như SHB, PVS, THD, BAB nhích nhẹ, cùng TNG +2,1% lên 28.600 đồng, APS +2,2% lên 13.700 đồng, TVB +3% lên 20.800 đồng, VIG +4,1% lên 5.100 đồng.
Khởi sắc nhất là AMV và VGS, khi cùng tăng lên mức giá trần, lần lượt tại 10.400 đồng và 24.500 đồng.
Còn lại đều kết phiên điểm, nhưng phần lớn cũng chỉ trên dưới 1%, trừ PAN mất 2,5% xuống 31.500 đồng, IDJ -2,6% xuống 18.600 đồng, TVC -2,4% xuống 16.100 đồng, LAS -3,1% xuống 15.800 đồng, PLC -3,6% xuống 34.900 đồng, KHG -2,6% xuống 14.900 đồng.
Giao dịch sôi động nhất tại SHB với hơn 21,1 triệu đơn vị khớp lệnh, VND khớp 14,2 triệu đơn vị, PVS và SHS khớp hơn 6 triệu đơn vị, AMV khớp được hơn 3,67 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 87 mã tăng và 123 mã giảm, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,08%), xuống 343,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,9 triệu đơn vị, giá trị 2.997,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,7 triệu đơn vị, giá trị 143,33 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp tăng mạnh ngay khi mở cửa, nhưng áp lực bán dần gia tăng cũng đã đẩy chỉ số dần thoái lui và về sát tham chiếu khi kết phiên.
Mặc dù vậy, nhìn chung ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao đa số đều tăng như BSR, SBS, BVB, ABB, TVN, MSR, DRI, DVN, LTG…
Trong đó, BSR tăng 0,5% lên 19.200 đồng, khớp hơn 4,45 triệu đơn vị. Cũng có khối lượng khớp lệnh tương đương là HHV và VGT, nhưng cả hai đều giảm nhẹ.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 94,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,8 triệu đơn vị, giá trị 956 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,75 triệu đơn vị, giá trị gần 57 tỷ đồng.