Sau phiên sáng tăng điểm nhẹ, thị trường tiếp tục nhích lên ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng những khó khăn trong quá trình đi lên cũng như cuối phiên sáng, không dễ dàng gì dưới áp lực phân hóa cao.
Theo đó, khi mới chỉ vượt 1.335 điểm, lực bán đã dâng cao khiến VN-Index dần hạ nhiệt và có thời điểm đã lùi về dưới tham chiếu trước khi nảy nhẹ trong phiên ATC. Nhóm cổ phiếu tạo nên cú sụt bất ngờ giữa phiên chiều vẫn là nhóm ngân hàng. Nhóm này trong rổ cổ phiếu VN30, chỉ có VCB giữ được sắc xanh, còn lại có đến 8 mã giảm giá, và HDB có mức giảm mạnh nhất cả rổ VN30 lên tới 2,81%.
Việc sụt giảm của nhóm ngân hàng không ngoài dự báo từ trước, thị trường hiện tại đang diễn một game không có mặt của nhóm cổ phiếu trụ quan trọng này. Nhóm ngân hàng trong đợt giảm giá từ 20/8 đã gần như không nhận được lực cầu mua vào mạnh mẽ khiến giá về thẳng mức đáy tháng 7, thậm chí thấp hơn. Ngay cả phiên tăng giá ngày hôm qua cũng không được đánh giá cao vì tăng có tính chất hồi kỹ thuật khi giá đã giảm sâu với thanh khoản thấp.
"Cuộc chơi" của thị trường thậm chí có dấu hiệu loại tiếp một "cầu thủ" lớn là nhóm chứng khoán, các mã trụ cột của nhóm này như SSI, HCM, VND đều tỏ ra khó khăn khi gặp kháng cự ở vùng đỉnh trong vài phiên trở lai đây.
Nếu cả nhóm cổ phiếu này không được trợ lực thì lực cản với chỉ số chung sẽ khá lớn. Nhưng khi dòng tiền vẫn đang rất sôi động ở nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, thanh khoản thị trường vẫn ở mức tốt trên 20.000 - 22.000 tỷ đồng/phiên (riêng sàn HOSE) thì việc một vài nhóm ngành, dù lớn, nằm ngoài cuộc chơi cũng không hẳn còn quá quan trọng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 206 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index tăng 3,33 điểm (+0,25%), lên 1.331,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 733,8 triệu đơn vị, giá trị 22.887,8 tỷ đồng, tăng hơn 8% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,48 triệu đơn vị, giá trị 1.153 tỷ đồng.
Ở nhóm bluechip trong rổ VN30, sự phân hóa mạnh diễn ra khi có 14 mã tăng, 13 mã giảm cùng VIC, VNM và VPB đứng tham chiếu.
Các cổ phiếu tăng điểm phiên này có GVR, khi vẫn là mã tăng tốt nhất nhóm, nhưng đã hạ nhiệt so với cuối phiên sáng, chỉ còn +3,1% lên 28.750 đồng, mặc dù vậy, GVR vẫn là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho với VN-Index với hơn 1 điểm tích cực.
Cổ phiếu nổi bật khác trong phiên sáng là BVH cũng thu hẹp đôi chút mức tăng, còn +3,6% lên 57.000 đồng.
Trong khi đó, một số cũng nới đà đi lên và tạo lực đỡ cho thị trường là PDR +2,8% lên 87.900 đồng, GAS +2,2% lên 89.400 đồng, SAB +1,9% lên 150.000 đồng, MSN +1,8% lên 135.000 đồng. Các sắc xanh khác tại HPG, NVL, MWG, PLX, VRE, FPT.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực lớn nhất và cũng là nhóm gây lực cản lớn nhất với thị trường. Theo đó, HDB -2,8% xuống 25.950 đồng, STB -2% xuống 27.350 đồng. Các cổ phiếu BID, TCB, CTG, TPB, MBB mất từ 1,3% đến 1,8% và ACB -0,5% và may mắn chỉ có VCB tăng nhẹ 0,1%.
Trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn duy trì sức hút với hai mã cổ phiếu khu công nghiệp KBC và ITA trở thành địa chỉ hút dòng tiền nhất.
Trong đó, KBC khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 25,98 triệu đơn vị, tuy đánh mất mức giá trần nhưng vẫn +6,1% lên 42.600 đồng. Còn ITA giữ vững sắc tím +6,9% lên 7.150 đồng, khớp lệnh hơn 21,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 5,69 triệu đơn vị,
Các mã còn lại phần lớn đã chịu áp lực bán và thu hẹp đà đi lên và một số còn giữ được mức tăng khá như DIG +3,6% lên 34.900 đồng, FLC +2,9% lên 10.700 đồng, IJC +3,5% lên 28.300 đồng, HQC +3,4% lên 3.370 đồng, NTL +5% lên 36.500 đồng, HDG +2,2% lên 56.400 đồng, SZC +2,8% lên 48.400 đồng, CRE +2,7% lên 56.700 đồng. Trong đó, DIG khớp hơn 18,8 triệu đơn vị, FLC khớp hơn 15,6 triệu đơn vị, IJC khớp hơn 13,33 triệu đơn vị…
Nhưng một số đã nhanh chóng gặp áp lực bán dâng cao đảo chiều về dưới tham chiếu như SCR, DXG, TLD, HTN, SZL, CII…
Nhóm cổ phiếu thép cũng tương tự, khi dần hạ thấp độ cao, ngoài HPG +1,2% lên 49.300 đồng thì HSG, NKG chỉ còn tăng nhẹ và TLH +2,6% lên 19.400 đồng, với HPG khớp lệnh đứng thứ hai trên HOSE với hơn 25,87 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán ngoài VDS tăng nhẹ 0,2% thì SSI, HCM, VCI, AGR, CTS, FTS, VIX cũng đã chìm trong sắc đỏ, trở thành nhóm cổ phiếu sau ngân hàng gây áp lực mạnh đến VN-Index.
Trên sàn HNX, thị trường cũng bật mạnh đi lên trong đợt khớp ATC sau màn hạ độ cao về sát mốc tham chiếu trước đó.
Đóng cửa, sàn HNX có 92 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 1,51 điểm (+0,44%), lên 342,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 144 triệu đơn vị, giá trị 3.112,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,35 triệu đơn vị, giá trị 188,86 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng trở nên phân hóa hơn, trong đó đáng chú ý là màn đảo chiều điều chỉnh của các cổ phiếu chứng khoán, điển hình là SHS và BVS cùng giảm hơn 2%; ngoài ra một số mã lớn khác cũng diễn biến không mấy tích cực như NVB, VCS đảo chiều giảm, SHB quay về mốc tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giữ sắc xanh dù không còn tốt như đầu phiên chiều, trong đó PVS xác lập phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và kết phiên tăng 2,8% lên mức 25.900 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 14 triệu đơn vị, chỉ thua SHB khớp 15,19 triệu đơn vị.
Điểm đáng chú ý vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, trong đó IDC vẫn tăng tốt 4,7% lên mức 40.000 đồng/CP cùng giao dịch khá mạnh, đạt gần 10,2 triệu đơn vị. Ngoài ra, CEO cũng khá ấn tượng trong phiên giao dịch chiều khi kết phiên tăng 3,3% lên mức 9.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,58 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dược đã có dấu hiệu bị bán ra và phân hóa khi nhiều mã như DHT, AMV, MED, PME, PPP cùng quay đầu điều chỉnh.
Trên UPCoM, thị trường cũng củng cố đà tăng về cuối phiên sau màn hạ nhiệt trước đó. Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,59%), lên 93,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị, giá trị 1.980,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,67 triệu đơn vị, giá trị 133,52 tỷ đồng.
Cổ phiếu HHV vẫn giữ nhiệt sôi động khi tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 12,85 triệu đơn vị được giao dịch thành công, tuy nhiên áp lực bán ra khá mạnh khiến cổ phiếu rung lắc và đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu 21.800 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục có thêm phiên giao dịch khởi sắc khi đóng cửa tăng 2,8% lên mức 18.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 8,33 triệu đơn vị. Cổ phiếu dược phẩm DVN cũng giảm nhiệt sau phiên tăng trần hôm qua khi kết thúc phiên cuối cùng của tháng 8 đứng tại mức giá 30.900 đồng/CP, tăng 5,8%.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng, với VN30F21019 giảm 5,9 điểm, tương ứng giảm 0,4% xuống 1.427 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 190.830 đơn vị, khối lượng mở gần 30.340 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CHPG211 vẫn là mã khớp lệnh cao nhất đạt 190.330 đơn vị, đóng cửa giảm 0,9% xuống 2.150 đồng/CP.