Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/1: Sắc tím đã bừng lên chào Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vẫn còn 83 mã giảm sàn trên cả 3 thị trường phiên hôm nay, nhưng u ám của chuỗi giảm điểm vừa qua đang dần qua và sắc tím trên bảng điện cũng xuất hiện chào đón Xuân về.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/1: Sắc tím đã bừng lên chào Tết

Thêm một cây nến “ngập ngừng” xuất hiện trên đồ thị kỹ thuật VN-Index ngày hôm nay với thanh khoản tiếp tục giảm cho thấy những tín hiệu tích cực hơn của thị trường sau hơn 1 tuần bị bán mạnh vừa qua.

Điểm tích cực lớn nhất vẫn là đà bán tháo đã ngừng lại, trừ nhóm cổ phiếu đã tăng nóng và mang tính đầu cơ trước đó. Như vậy, hiệu ứng domino của nhóm cổ phiếu bất động sản lan sang nhóm ngành khác đã tạm qua, báo hiệu dù thị trường thời gian tới còn có thể giảm điểm thêm nhưng không “quá gắt” như phiên đầu tuần, và những phiên phục hồi trở lại của thị trường sẽ tới rất sớm.

Ngoài ra, hiệu ứng mùa công bố thông tin đã bắt đầu tác động vào thị trường. Hôm nay, Masan công bố kết quả kinh doanh kỷ lục với lợi nhuận gấp 7 lần năm 2020 giúp cổ phiếu này tăng 3,8%. Tương tự, SSI cũng công bố lãi kỷ lục năm 2021 giúp cổ phiếu không chỉ riêng SSI mà mở rộng cả nhóm ngành chứng khoán có màn “quay xe” ngoạn mục với hàng loạt cổ phiếu tăng trần như VND, TVS,… tăng trần.

Cần nhớ rằng ngay trước phiên này nhóm cổ phiếu chứng khoán vừa có đợt giảm rất mạnh, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ gần của thị trường.

Điểm đáng chú ý nữa trong phiên hôm nay đó là nhiều cổ phiếu bất động sản đã thoát khỏi màu xanh mắt mèo trên bảng điện với giao dịch khá sôi động, nhiều cái tên khoác lên màu áo tím cuối phiên như ITA, LHG, BCM,…

Tất nhiên đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sau đà rơi mạnh thì những nhịp phục hồi tốt không phải là sự bất thường, tuy nhiên, để trở lại như chưa từng có gì xảy ra nếu có, thì cũng chỉ ở một vài mã riêng lẻ. Nhưng tuy nhiên như đề cập phía trên, sự ảm đạm của nhóm này bớt đi thì mức độ tác động xấu tới toàn thị trường cũng giảm đi.

Các nhóm trụ của thị trường gồm ngân hàng và dầu khí phiên hôm nay đã có nhịp nghỉ ngơi cần thiết để kiểm nghiệm lại đà tăng của mình, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, STB, GAS. Mặc dù nhóm này là tác nhân chính khiến thị trường hôm nay không tăng điểm mạnh, nhưng cũng giúp chứng minh rằng, nếu không có nhóm này thì thị trường đã ổn định hơn nhiều so với các phiên giảm điểm trước đó.

Về mặt kỹ thuật, sau 2 phiên tạo nến Doji lưỡng lự thì đồ thị kỹ thuật đã trở nên “bớt xấu” hơn. Đường MA 100 (tương ứng với 20 tuần giao dịch) đang là đường hỗ trợ cho đợt giảm lần này, nếu thị trường có thêm một lần nữa kiểm nghiệm đường này thành công trong các phiên tới thì nhà đầu tư có thể yên tâm hơn vào một nhịp phục hồi ngắn hạn cho VN-Index ở ngưỡng 1.480 điểm (+/-).

Chốt phiên, sàn HOSE có 250 mã tăng (25 mã trần) và 217 mã giảm (48 mã giảm sàn), VN-Index tăng 3,85 điểm (+0,27%) lên 1.442,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 637,63 triệu đơn vị, giá trị 22.986 tỷ đồng, giảm 13,74% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 79,63 triệu đơn vị, giá trị 6.771 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 cũng tích cực hơn với sự ghi nhận 18 mã tăng và chỉ còn 10 mã giao dịch dưới mệnh giá, chỉ số VN30-Index kết phiên đã tăng hơn 5 điểm và đóng cửa trên mốc 1.480 điểm.

Trong đó, đại diện của nhóm chứng khoán – SSI là mã tăng mạnh nhất với biên độ tăng 6,9% lên sát mức giá trần và cũng là mức giá cao nhất trong phiên của cổ phiếu này, tại 45.200 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, lên hơn 11 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu MSN cũng có thời điểm được kéo lên sát trần nhưng sau đó đã hạ độ cao và kết phiên tăng 3,8% lên mức 147.500 đồng/CP. Các mã tăng tốt khác như KDH tăng 2,8%, VRE tăng 2,6%, GVR tăng 2,3%, VHM và BVH tăng nhẹ hơn 0,5%...

Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng đang đi đầu trong xu hướng giảm trong nhóm VN30, với STB và BID cùng giảm hơn 2,8%, CTG giảm 2,2%, HDB giảm 2%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trạng thái phân hóa mạnh cũng diễn ra khi nhiều mã nóng như HQC, DLG, LCG, HAI, CII, DIG, FLC, ROS… vẫn chất bán sàn, thì nhiều mã đã đảo chiều hồi phục như POW tăng 4,2% lên mức 16.050 đồng/CP, ITA tăng kịch trần và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, DXG tăng 5,8% lên 31.700 đồng/CP, KBC có thời điểm tăng trần và kết phiên giữ mức tăng sát trần với biên độ 6,7%...

Xét về nhóm ngành, sau cơn mưa trời lại hửng nắng ở nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đà tăng mạnh của SSI đã tiếp lửa cho các mã khác trong ngành.

Kết phiên, nhiều mã đã tìm tới mức giá cao nhất trong ngày như SSI tăng sát trần lên mức 45.200 đồng/CP, HCM tăng 5,69% lên 39.000 đồng/CP..., thậm chí tăng kịch trần như VND, VCI, FTS, TVS.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, lực cầu cũng đã dần quay trở lại giúp nhiều mã khởi sắc, trong đó tâm điểm là các mã bất động sản khu công nghiệp, với BCM tăng 6,91% lên mức giá trần, đóng góp tích cực cho chỉ số thị trường. Ngoài ra, nhiều mã khác thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp như KBC, ITA, TIP, LHC cũng đua nhau khoe sắc tím, hay SNZ tăng 8,57%...

Nhiều mã bất động sản và xây dựng khác cũng giao dịch khởi sắc với NLG và DXG tăng hơn 5%, VCG tăng 2,46%, HDG tăng 3,16%...

Cổ phiếu TCH cũng đã hồi phục tích cực khi kết phiên tăng 3,88% lên vùng giá cao nhất trong ngày 21.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 6,21 triệu đơn vị.

Trái lại, cặp ROS và FLC vẫn trong trạng thái trắng bên mua cùng lượng dư sàn chất đống. Cụ thể, ROS khớp lệnh chưa tới 0,2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 60 triệu đơn vị, còn FLC thanh khoản có chút cải thiện với hơn 1,33 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng vẫn chất bán sàn tới gần 46 triệu đơn vị.

Một số mã nóng khác như LDG, AMD, CII, HAI cũng dư bán sàn trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đã có nhịp nghỉ sau những phiên đỡ giá cho thị trường, với VCB giảm gần 1%, BID giảm 2,78%, CTG giảm 2,17%, STB giảm gần 3%, HDB giảm hơn 2%, SHB giảm 6,07%..., trong khi TCB, ACB, VPB, ACB… chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%. Hay nhóm dầu khí với GAS rung lắc và kết phiên ở mốc tham chiếu, PLX chỉ còn giữ sắc xanh nhạt, PVD giảm 3%...

Nhóm cổ phiếu thép không mấy tiến triển với hầu hết các mã đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó HPG giảm 1,1%, HSG giảm 0,5%.

Trên sàn HNX, gánh nặng từ bộ đôi lớn THD và CEO khiến thị trường chưa thoát khỏi đà giảm sâu.

Đóng cửa, sàn HNX có 112 mã tăng (10 mã trần) và 117 mã giảm (24 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 11,89 điểm (-2,82%), xuống 409,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,81 triệu đơn vị, giá trị 1.720,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,83 triệu đơn vị, giá trị 78 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu vốn hóa lớn của thị trường tiếp tục là điểm trừ lớn của thị trường. Bên cạnh THD và CEO vẫn nằm sàn, trong đó CEO dư bán sàn gần 6,2 triệu đơn vị, thì KSF cũng giảm 2,5% về vùng giá thấp nhất trong ngày 97.500 đồng/CP, NVB giảm 4,8% xuống mức 29.500 đồng/CP.

Ngoài ra, trong phiên chiều nay, nhóm HNX30 còn có sự góp mặt của bộ đôi L14 và TAR giảm sàn.

Trái lại, nhóm chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX với MBS tăng 5,4%, SHS tăng 5,3%, BVS tăng 4,1%... Trong đó, thành viên FLC là ART đã khoe sắc tím khi kết phiên tăng 9,9% lên mức giá 10.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, thành viên khác họ FLC là KLF cũng ngừng rơi khi kết phiên đứng tại mốc tham chiếu và có thời điểm le lói sắc xanh. Đồng thời, thanh khoản của KLF cũng tăng vọt, với gần 34,28 triệu đơn vị khớp lệnh, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản trên HNX là PVS chỉ gần 6,9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đã giao dịch khởi sắc trở lại.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,34%) lên 107,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,79 triệu đơn vị, giá trị 1.014 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,95 triệu đơn vị, giá trị 29,72 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG vẫn giao dịch sôi động nhất trên UPCoM với gần 9,28 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng sau phiên khởi sắc hôm qua đã trở lại trạng thái giảm mạnh và kết phiên để mất 14,4% xuống mức giá sàn 8.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, bộ đôi nhóm dầu khí cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành và quay đầu điều chỉnh, với BSR giảm 0,4% xuống 23.400 đồng/CP, OIL giảm 2,5% xuống 19.400 đồng/CP.

Trái lại, một số mã lớn hồi phục tích cực, là điểm tựa chính giúp thị trường khởi sắc thành công như MSR tăng 3% lên 23.800 đồng/CP, QNS tăng 2,4% lên 47.100 đồng/CP, SNZ tăng 8,6% lên 54.500 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, VN30F2201 đáo hạn gần nhất là mã duy nhất mất điểm khi kết phiên giảm nhẹ 0,5 điểm xuống mức 1.482 điểm, khớp lệnh gần 162.320 đơn vị, khối lượng mở gần 21.850 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng đang lan rộng hơn, trong đó CMSN2110 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 171.770 đơn vị và kết phiên tăng 32,8% lên mức 1.820 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục