Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/8: Dòng tiền thận trọng, VN-Index vẫn nhích tăng

(ĐTCK)  Tâm lý thận trọng khiến dòng tiền vào thị trường chững lại trong phiên chiều, nhưng vì sức ép không quá lớn nên VN-Index vẫn nhích tăng vào cuối phiên.

Trong phiên giao dịch hôm nay 16/8, dù không quá mạnh, nhưng áp lực bán xuất hiện từ sớm khiến bảng điện tử bị sắc đỏ chi phối và diễn biến này được duy trì trong suốt phiên. Thậm chí, trong phiên chiều, dòng tiền vào thị trường có phần chững lại khi tâm lý thận trọng dâng cao, đẩy VN-Index lùi sát về mốc 1.270 điểm.

Tuy nhiên, việc dòng tiền chuyển hướng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sang nhóm cổ phiếu thép giúp nhiều mã trong nhóm này giao dịch tích cực, cùng với sự khởi sắc của những cổ phiếu đầu ngành điện khí, xăng dầu, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ…, trong khi sức ép lên nhóm ngân hàng cũng giảm đáng kể về cuối phiên. Các yếu tố này giúp VN-Index kết phiên với mức tăng nhẹ, cho dù thanh khoản giảm.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn đang dao động trong khoảng 1.250-.1280 điểm, đây là khu vực tạo bởi khoảng trống trên đồ thị ngày 13/6. Nếu vượt cản ở khu vực 1.280 điểm thành công, chỉ số sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.325 điểm.

Đóng cửa, với 206 mã tăng và 240 mã giảm, VN-Index tăng 0,49 điểm (+0,04%) lên 1.274,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 617,7 triệu đơn vị, giá trị 14.945,37 tỷ đồng, giảm khoảng 3% về khối lượng và giá trị so với phiên 15/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,19 triệu đơn vị, giá trị 1.479,6 tỷ đồng.

Rổ cổ phiếu VN30 phân hóa rõ nét, trong đó nổi bật nhất là “anh cả” ngành thép HPG với lượng khớp lên tới 65,49 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường và vượt trội so với phần còn lại.

Ngoài ra, các mã đầu ngành khác như điện khí, xăng dầu, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ, xây dựng… cũng giao dịch khá tích cực để hỗ trợ chỉ số như POW (+0,7% lên 14.100 đồng), MWG (+1,5% lên 66.000 đồng), PLX (+2,7% lên 43.250 đồng), MSN (+0,5% lên 109.000 đồng), VNM (+0,4% lên 71.800 đồng), SAB (+1,1% lên 188.000 đồng), NVL (+1,5% lên 183.000 đồng)…, trong đó POW khớp lệnh hơn 10,2 triệu đơn vị, MWG gần 4 triệu đơn vị…

Trong khi đó, áp lực đã giảm đáng kể ở nhóm ngân hàng khi hầu hết đều giảm dưới 1%, giảm mạnh nhất là BID cũng chỉ ở mức 1,2% về 40.500 đồng, thậm chí một số mã còn tăng điểm như VIB, MSB, VIB.

SHB là mã ngân hàng có thanh khoản cao nhất với 12,6 triệu đơn vị, tiếp theo là VPB với 10,23 triệu đơn vị và STB với 9,49 triệu đơn vị. Kết phiên, SHB -0,6% về 15.800 đồng, VPB -0,7% về 30.150 đồng. và STB -0,4% về 25.500 đồng.

Như đã nói ở trên, trong phiên hôm nay, nhóm thép giao dịch nổi bật khi hút mạnh dòng tiền, Ngoài sự bùng nổ của HPG, mã NKG cũng rất tích cực khi khớp lệnh 19,47 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE, tăng 2,1% lên 22.200 đồng.

Các mã thép khác như HSG +0,9% 21.750 đồng và khớp 11,56 triệu đơn vị; TLH +1,4% lên 10.700 đồng, SMC +2,3% lên 20.400 đồng….

Cặp đôi HAG-HNG cũng nhận được sự quan tâm của dòng tiền, trong đó HNG khớp lệnh thứ tư trên sàn với 18,66 triệu đơn vị, tăng 2,8% lên 7.380 đồng, HAG khớp 17,7 triệu đơn vị, đứng thứ 5, nhưng kết phiên quay đầu giảm 0,4% về 12.300 đồng.

VND khớp lệnh thứ 3 với 18,9 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá 22.450 đồng.

Một vài cổ phiếu tăng trần với thanh khoản mạnh như CII lên 25.350 đồng và khớp 12,32triệu đơn vị, TNI lên 4.980 đồng và khớp 2,15 triệu đơn vị, VDS lên 14.050 đồng và khớp 2,35 triệu đơn vị.

Tăng khá khác còn tại DRC +3% lên 30.700 đồng, TLG +3,1% lên 56.700 đồng, CII +3,2% lên 24.450 đồng, VSH +3,3% lên 40.500 đồng, các mã TCM, HT1, VOS, TDP, TNT, NHA, LCG, SAM, CTD, DGW tăng từ 2% đến gần 3%.

Ngoài CII hay NVL, nhiều mã xây dựng cũng tăng trong phiên như VCG, HBC, HQC, FLC, DIG…

Trên sàn HNX, sức nặng của các bluechips sàn này khiến chỉ số HNX-Index chìm trong sắc đỏ trong phiên chiều, nhưng mức giảm không quá mạnh khi áp lực bán không lớn.

Đóng cửa, với 78 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,31%) xuống 303,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 80,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.508 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với phiên 15/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,54 triệu đơn vị, giá trị gần 568 tỷ đồng.

Tương tự VN30, rổ HNX30 cũng phân hóa rõ mạnh, nhưng đà giảm ở các mã bluechips có phần mạnh hơn nên tạo sức ép lớn cho chỉ số sàn này. Trong đó, PVS và SHS có thanh khoản dẫn đầu khi cùng khớp 7,7 triệu đơn vị, kết phiên PVS -1,9% về 25.800 đồng, SHS -0,7% về 14.800 đồng.

Các mã HUT, PVC, MBS, IDC, ĐG, VC3, NVB, TDH… cũng đều giảm điểm, dù mức giảm không mạnh.

Ở chiều ngược lại, các mã CEO, TNG, BCC, LAS, PLC, VCS… tăng điểm, trong đó CEO, TNG, BCC, LAS khớp từ 1-4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chịu sức ép khá lớn trong phiên chiều nên nhiều thời điểm giao dịch dưới tham chiếu, trước khi bật trở lại vào cuối phiên nhờ thanh khoản tích cực.

Đóng cửa, với 148 mã tăng và 137 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%) lên 92,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,9 triệu đơn vị, giá trị 1.019,12 tỷ đồng, tăng 53% về khối lượng và 60% về giá trị so với phiên 15/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,4 triệu đơn vị, giá trị 237,8 tỷ đồng.

Tương tự hai sàn chính, bảng điện tử UPCoM phân hóa mạnh, với BSR, VHG, OIL, ABB, LMH, DRI, PXS mất điểm…, trong đó BSR -2,4% xuống 24.900 đồng, khớp lệnh cao nhất với 12,5 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã C4G, PAS, DDV, VGI, VGT… tăng điểm, trong đó C4G tăng 2,3% lên 13.500 đồng, khớp lệnh thứ 3 với 2,4 triệu đơn vị.

VHG khớp lệnh thứ 2 với 2,65 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 4.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất vào ngày 18/8 là VN30F2208 đóng cửa tăng 3,9 điểm (+0,3%) lên 1.296,9 điểm, khớp lệnh 181.155 đơn vị, khối lượng mở 52.720 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã khớp lệnh cao nhất là CHPG2215 với 2,371 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá 700 đồng/CQ và CMSN2205 khớp 1,798 triệu đơn vị, đóng cửa 16% lên 580 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục