Dòng tiền chực chờ cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền đổ vào thị trường đã vượt trung bình 50 ngày, trên các diễn đàn, nhà đầu tư trao đổi rôm rả hơn, đà hồi phục đã dần lan tỏa sang nhiều cổ phiếu.
Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đã tạo đỉnh đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước. Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đã tạo đỉnh đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước.

Nhịp chỉnh là cần thiết để thu hút thêm tiền mới

Chỉ số VN-Index có đà hồi phục rất tốt từ vùng 1.150 điểm và thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ nét từ cuối tháng 7 đến nay. Trong phiên giao dịch thứ Năm tuần trước (11/8/2022), thị trường bắt đầu có nhịp chỉnh đầu tiên với việc VN-Index giảm 0,35%, cùng với thanh khoản tăng mạnh lên gần 22.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn, cho thấy áp lực chốt lãi mạnh đang diễn ra.

Điểm tích cực là những cổ phiếu tăng nhiều trong thời gian qua bị bán, nhưng không có hiện tượng giảm sàn hàng loạt. Phần lớn chỉ giảm từ 1 - 3%, khi VN-Index giảm khoảng 10 điểm là có ngay lực cầu bắt đáy nên hồi lại cuối phiên. Dường như nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh này nên không còn hoảng loạn.

Các nhà đầu tư đang quan sát vài phiên tới để xem lực cầu “thay máu” hấp thụ lượng chốt lãi này ra sao. Phiên cuối tuần qua, VN-Index có pha "bẻ lái" khá ấn tượng, đóng cửa ở mức 1.262,33 điểm, tăng 10,26 điểm so với phiên trước.

Nhiều môi giới có kinh nghiệm nhận định, phiên 11/8 là phiên điều chỉnh giảm điểm với lực bán chốt lời chủ động áp đảo kèm thanh khoản tăng mạnh 38,4% so với trung bình 20 phiên là nhịp chỉnh cần thiết và là “chỉnh để mua, để cơ cấu danh mục” vì thị trường đang dần bước lên nền giá cao hơn, sự phân hóa sẽ càng rõ nét hơn. Theo đó, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, thay những cổ phiếu chưa tăng như kỳ vọng hoặc có đà tăng yếu bằng những cổ phiếu mạnh được kỳ vọng tiếp tục tăng giá hoặc phá đỉnh.

Tháng 8 thường là vùng trũng thông tin, thị trường chứng khoán theo đó diễn biến không quá tích cực, nhưng năm nay trước nhiều yếu tố tiêu cực thì vùng trũng thông tin lại được cho là giúp tâm lý nhà đầu tư đỡ căng thẳng hơn. Hiện trong giới chuyên gia chứng khoán có sự đồng thuận cao về nhận định xu hướng thị trường từ đầu tháng 8 đến nay đang trong “sóng hồi”, khi nào phá những ngưỡng kháng cự quan trọng mới thì có thể thay đổi về xu hướng trung và dài hạn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, triển vọng thị trường chứng khoán dài hạn còn liên quan đến yếu tố vĩ mô. Xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tiếp diễn và chưa thể chuyển sang trạng thái nới lỏng tiền tệ. Theo đó, cần nhìn nhận các cổ phiếu sau khi giảm về vùng định giá phù hợp, tạo được sự cân bằng về dòng tiền quanh mốc 1.150 điểm của chỉ số VN-Index nếu xuất hiện các kỳ vọng mới thì mới có thể hồi phục.

Khi các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang trải qua chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, mạnh tay nâng lãi suất điều hành từ 0%/năm lên 2,5%/năm, chứng khoán toàn cầu đi xuống, nguyên tháng 7 ở nền rất thấp, thanh khoản cũng rất thấp. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hút tiền về qua kênh tín phiếu rất lớn, hút từ việc bán ngoại tệ ra cũng rất lớn và kiểm soát room tín dụng. Vậy tại sao thị trường chứng khoán tháng 8 lại có kỳ vọng mới?

Đó là vì nhà đầu tư đang tin rằng, lạm phát có thể đã tạo đỉnh ở Mỹ, qua đó Fed có thể giảm liều lượng thắt chặt chính sách tiền tệ. Còn ở trong nước, khi Ngân hàng Nhà nước nới tay với việc hút tiền về, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh.

Trong cả quá trình thắt tín phiếu từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 7, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chỉ một chiều đi xuống, cạn kiệt. Khi thanh khoản cải thiện cũng trùng thời điểm việc hút ròng tiền về của Ngân hàng Nhà nước giảm đi.

Liên quan đến lạm phát ở Mỹ tạo đỉnh trong tháng 8, nhiều kỳ vọng quá trình tăng lãi suất sẽ chậm lại. Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề, bản chất là đang suy thoái. Theo đó, nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tính đến việc kiềm chế lạm phát nhưng cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng dương.

“Với kỳ vọng này, dòng tiền đã nhập cuộc trở lại thị trường chứng khoán, giúp thị trường có sóng hồi”, ông Ngọc nhận định.

Từng nhìn nhận chỉ số VN-Index có thể về 950 điểm, nhưng trước con sóng hồi này, Quỹ Passion Investment cũng đã giải ngân trở lại sau nhiều tháng đứng ngoài cuộc chơi.

Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment cho biết, trong sóng hồi, nhóm cổ phiếu giảm nhiều có cơ hội tăng tốt hơn các nhóm chưa giảm mấy, vì vậy, quỹ của ông đã giải ngân vào các nhóm giảm mạnh. Có những nhóm cổ phiếu đã giảm 50 - 70% từ đỉnh, tiêu biểu như chứng khoán, bất động sản, thép - cũng là những nhóm có thể giải ngân được.

“Lấy lại những gì đã mất”

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nếu VN-Index chưa vượt được ngưỡng 1.300 điểm trong nhịp tăng này thì không thể khẳng định là thị trường xác lập uptrend. Quan trọng hơn, chính sách tiền tệ vẫn đang thắt chặt thì không đủ nguồn lực để tạo ra uptrend, xu hướng lớn luôn phụ thuộc vào những yếu tố tổng thể, dòng tiền lớn của nền kinh tế. Nhưng ông Ngọc cũng nhận định, đây là sóng hồi đủ mạnh, đủ lớn để nhiều nhà đầu tư có thể lấy lại tài sản của mình.

Vị chuyên gia dự báo đây sẽ là sóng hồi lớn nhất trong năm 2022, bởi liên quan nhiều đến chính sách tiền tệ đang ở thời điểm “bước ngoặt”, có thể chưa thay đổi hoàn toàn nhưng chỉ cần giảm liều lượng thì thị trường chứng khoán sẽ có phản ứng tích cực. Khi nào thực sự nới lỏng tiền tệ thì có khi thị trường đã ở đỉnh mới, vì chứng khoán luôn đi trước diễn biến của nền kinh tế từ 3 - 6 tháng.

Nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ nhịp hồi từ đáy 1.150 điểm đi lên, nên dòng tiền chực chờ bên ngoài rất nhiều.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

“Tôi cho rằng đây chưa phải là điểm kết thúc của sóng hồi. Phiên thứ Năm tuần trước, điều chỉnh nhưng cũng hồi lên rất nhanh. Điều chỉnh này khá hợp lý để tiền mới có thể tham gia, bởi rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ nhịp hồi từ đáy 1.150 điểm đi lên, nên dòng tiền chực chờ bên ngoài rất nhiều”, ông Ngọc nói.

Dự báo được ông Ngọc đưa ra, cơ hội tăng của thị trường trong tháng 8 là tốt nhất, còn tháng 9 thì có thể nền thị trường đã ở mức cao hơn nên sẽ rủi ro hơn một chút.

Nhóm cổ phiếu có thể chú ý là ngân hàng tăng chưa nhiều nhưng hội đủ các yếu tố để có thể dẫn dắt (vốn hóa lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng…), một số nhóm ngành khác như cảng biển, hóa chất, bán lẻ, năng lượng… có thể sẽ đến lượt.

Ghi nhận ý kiến của các môi giới kỳ cựu cho rằng, hầu hết các cổ phiếu giảm sâu đã có nhịp hồi trên 30%, thậm chí không đi theo kết quả kinh doanh quý II. Diễn biến này cũng giúp giải phóng lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư - vốn nằm im suốt giai đoạn giảm trong quý II. Tuy nhiên, sau nhịp chỉnh này, sự phân hóa sẽ rõ nét hơn, khi mà mọi đợt hồi phục giá từ đáy lên đều trở nên đắt đỏ hơn.

Nhóm ngành cổ phiếu nhận được nhiều khuyến nghị là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (dẫn sóng có thể kể đến VGC, BCM, IDC…), đầu tư công (VCG, LCG, FCN, KSB…), nhóm bất động sản nhưng ưu tiên các doanh nghiệp có dự án để bàn giao, nhóm bán lẻ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục