Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/6: Ngày đáo hạn phái sinh, VN-Index hạ thấp độ cao trong đợt ATC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày đáo hạn hợp đồng VN30 tương lai tháng 6 vẫn xuất hiện những biến động mạnh về cuối phiên khiến VN-Index không giữ được mức cao nhất ngày, kể cả khi nhiều mã lớn bốc đầu tăng vọt.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/6: Ngày đáo hạn phái sinh, VN-Index hạ thấp độ cao trong đợt ATC

Sau phiên sáng khởi sắc về mặt điểm số, thị trường tiếp tục tiến bước ngay khi bước vào phiên chiều và tiến nhanh tới mốc 1.240 điểm.

Tại ngưỡng điểm này, áp lực bán gia tăng khiến số mã giảm tăng lên trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index theo đó rung lắc và giằng co, nhưng nhờ các bluechip vẫn đứng vững đã giúp chỉ số nảy lên và có thời điểm đã chạm 1.245 điểm ngay trước khi bước vào phiên ATC.

Hôm nay, cũng ngày ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 6. Theo như các dự báo thì khó có thể xảy ra những biến động mạnh như một số ngày đáo hạn trước đó, do hiện tại đã thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai.

Dù vậy, trong phiên ATC, một số trụ cột đã hạ thấp độ cao và áp lực bán mạnh hơn trên bảng điện tử, nhất là ở một số cổ phiếu bất động sản, dầu khí, thép đã khiến VN-Index theo đó đánh rơi 8 điểm từ mức đỉnh trong phiên về gần 1.236 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 298 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index tăng 22,70 điểm (+1,87%), lên 1.236,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 561,7 triệu đơn vị, giá trị 14.749,2 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,3 triệu đơn vị, giá trị 932,9 tỷ đồng.

Cũng như phiên sáng, khi một số cổ phiếu lớn như MWG, HPG, MSN, GAS vẫn là điểm tựa cho thị trường và phiên chiều nay còn có sự góp mặt thêm của VNM, PDR, VCB, GAS, PNJ.

Cụ thể, MWG rực sáng khi đóng cửa ở mức giá trần +6,9% lên 79.000 đồng, HPG +5,4% lên 31.000 đồng, VNM +5,4% lên 68.000 đồng, MSN +4,4% lên 110.700 đồng, PDR +4,1% lên 50.800 đồng, VCB +3,4% lên 79.100 đồng, GAS +3,2% lên 128.000 đồng, PNJ +3,2% lên 121.800 đồng.

Các cổ phiếu khác cũng có mức tăng khá khác là BVH, GVR, ACB, PLX, KDH, SAB khi tăng từ 1,9% đến 2,9%.

Chỉ còn hai mã giảm là SSI -2% xuống 22.150 đồng, VIC giảm nhẹ 0,1% xuống 76.600 đồng và MBB đứng tham chiếu.

Ở những nơi khác, cũng như phiên sáng, khi dòng tiền vẫn ưu ái nhóm cổ phiếu điện, với hàng loạt cổ phiếu như PC1, VSH, GEG đã kết phiên ở mức giá trần, POW ở gần giá trần +6,2% lên 15.400 đồng, REE +6,6% lên 96.800 đồng, PGV +3,2% lên 29.300 đồng, nhưng NT2, VNE, TV2 lại hạ thấp độ cao, chỉ còn nhích trên dưới 1% khi kết phiên.

Trong số này, POW là cổ phiếu có thanh khoản vượt trội trên sàn với 34,4 triệu đơn vị khớp lệnh, PC1 khớp 5,35 triệu đơn vị, REE khớp hơn 3,3 triệu đơn vị, GEG khớp hơn 3 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vận tải, cảng biển, logistics cũng tăng tích cực, với VOS tăng trần lên 14.150 đồng, VSC +6,3% lên 48.700 đồng, TMS +5,4% lên 86.000 đồng, CLC +5% lên 37.900 đồng, HAH +4,8% lên 80.000 đồng, ILB +4% lên 36.000 đồng, GMD +3,6% lên 54.400 đồng, SFI +3,5% lên 62.100 đồng...

Nhóm cổ phiếu dầu khí hạ nhiệt so với phiên sáng, với GAS, PLX nêu trên đều không giữ được mức đỉnh, trong khi PVD chỉ còn +0,2%, PGC +1,9%, PXS còn giảm 0,6%, và chỉ còn PSH và PET giữ được giá trần tại 13.050 đồng và 37.950 đồng và CNG +4,3% lên 42.150 đồng.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG giữ được mức tăng tốt thì những HSG, NKG, TLH, HMC đều đảo chiều giảm, dù chỉ giảm nhẹ, trong khi SMC và POM chỉ còn tăng không đáng kể.

Một số cổ phiếu riêng lẻ khác ở nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thủy sản, bất động sản, hóa chất, công ty chứng khoán nổi bật hơn các mã cùng ngành trong nhóm, tiêu biểu như FRT, ANV, CSV, DGC, ORS, HDG, khi những mã này đều tăng kịch trần.

Tăng tốt khác còn có ACL, SZC, HPX, DCM, DGW, C32, DHC nhích từ 2,5% đến hơn 4,5%.

Trái lại, lực bán gia tăng mạnh ở nhiều cổ phiếu khiến nhiều cổ phiếu giảm về mức giá sàn, trong đó, đa phần là các cổ phiếu bất động sản, với HDC, KHG, LDG, SJF, TGG, TNT, TVB, DXS và DIG đều đã giảm về mức giá sàn khi đóng cửa.

Các cổ phiếu khác như SCR -6,9%, VIX -6,8%, VND -6,7%, CRE -6,1%, FIT -6,1%.

Nhóm các cổ phiếu quen thuộc như HAR, DXG, PTC, TSC, BKG, DRH, HQC, LCG, CTS, CKG, BSI giảm từ hơn 4% đến 6%.

Trong đó, những HQC, VIX, DXG, VND thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, khớp lệnh từ 7,1 triệu đến 8,7 triệu đơn vị, riêng VND khớp hơn 26 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như GEX, ITA, ROS, APG, VCI, TCH, HBC, TTF, AAA cũng chìm trong sắc đỏ, dù phần lớn chỉ giảm nhẹ, khớp từ 2,7 triệu đến 8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index trong đầu phiên chiều cũng nhích thêm đôi chút so với cuối phiên sáng, dù sau đó có hạ thấp độ cao khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 113 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 4,52 điểm (+1,6%), lên 287,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,79 triệu đơn vị, giá trị 1.420,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,9 triệu đơn vị, giá trị 81,3 tỷ đồng.

Bảng điện tử đã phân hóa mạnh hơn phiên sáng, các cổ phiếu tăng tốt cũng đã thu hẹp đà tăng.

Theo đó, PVS chỉ còn +3% lên 30.600 đồng, TNG +3,1% lên 30.100 đồng, KLF +3% lên 3.400 đồng, IDC +3,8% lên 51.800 đồng, chỉ còn HUT tăng tốt +8,4% lên 25.800 đồng.

Trong khi đó, sắc đỏ nhiều hơn với sự góp mặt của TAR, MST, APS, IDJ, TVC, MBS, HDA, SRA, còn SHS, CEO, PVC bị đẩy xuống tham chiếu.

Thanh khoản phiên này PVS vẫn cao nhất với 17,22 triệu đơn vị, ngay sau là SHS với 5,06 triệu đơn vị, CEO khớp 3,56 triệu đơn vị, HUT khớp 3,4 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu đáng chú ý khác như DST và THD khi đều vọt lên giá trần tại 7.200 đồng và 50.600 đồng. Trái lại là BII, SDA, MAC khi giảm sàn, trong đó, BII khớp hơn 1,37 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đuối dần ngay khi bước vào phiên chiều, khi nhiều mã hạ thấp độ cao, dù vậy, chỉ số này vẫn đóng cửa ở trên tham chiếu khi sắc xanh vẫn chiếm đa số trên bảng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,60 điểm (+0,68%), lên 89,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,9 triệu đơn vị, giá trị 1.226,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị 44,8 tỷ đồng.

Phiên này, cổ phiếu BSR giao dịch vượt trội, chiếm tới hơn một nửa thanh khoản UpCoM với 26,57 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu thu hẹp so với phiên sáng, chỉ còn +3,5% lên 32.200 đồng.

Các cổ phiếu khác còn tăng có VGT, QTP, LTG, DDV, LMH, NED, SSH, FTM, DRI, trong khi OIL, ABB, PAS bị đẩy về tham chiếu.

Cổ phiếu SSB, VHG, C4G đảo chiều xuống sắc đỏ, với SSB -4,1%, VHG -2,4% C4G -3,1%, thanh khoản chỉ đứng sau BSR với khối lượng khớp lệnh từ 1,65 triệu đến 3,07 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2206 đáo hạn hôm nay đã tăng 34,7 điểm, tương đương +2,77% lên 1.286 điểm, khớp lệnh hơn 284.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 27.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng mã CHPG2117 giao dịch sôi động nhất với 1,27 triệu đơn vị lại chỉ có giá tham chiếu 20 đồng/cq.

Các mã theo sau như CMWG2202 tăng 19,9% lên 2.950 đồng/cq, CVHM2204 tăng 6,3% lên 170 đồng/cq, CPOW2201 tăng 16,7% lên 210 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục