Cổ phiếu “vua” chờ trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh rủi ro điều chỉnh với thị trường chung vẫn chực chờ, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá có nhiều triển vọng nhờ cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu có thể được kéo dài và tín dụng tăng trưởng mạnh.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tín dụng và ngân hàng được hưởng lợi. Gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tín dụng và ngân hàng được hưởng lợi.

“Cây đũa thần” xử lý nợ xấu còn hiệu lực

TS Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital đánh giá, tuy có sự điều chỉnh theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán, song nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá triển vọng khi lợi nhuận tăng trưởng 25 - 30% hàng năm, kể cả trong khó khăn của đại dịch Covid-19. Nợ xấu của ngành có xu hướng tăng trong đại dịch, nhưng không phải là điều quan ngại, do các nhà băng sớm trích dự phòng.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) đến hết năm 2023, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, bà Hồng cho biết, Nghị quyết 42 có tác dụng rất rõ rệt trong xử lý nợ xấu. Dù vậy, sau gần 5 năm thực hiện, số nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến hết năm 2021 vẫn ở mức cao là 412.6700 tỷ đồng.

Trường hợp Nghị quyết số 42 không được tiếp tục thực hiện, số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý (bao gồm số nợ xấu phát sinh mới) dự kiến có thể lên đến 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Bởi lẽ, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020-2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm đáng kể do tác động của dịch.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành rà soát, xem xét nghiên cứu việc tiến hành luật hóa việc xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) khẳng định, trước bối cảnh nguy cơ nợ xấu tăng cao khi nợ cơ cấu đến hiện tại đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới hàng triệu tỷ đồng thì việc kéo dài Nghị quyết 42, xa hơn là những quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trong các luật liên quan hoặc một luật riêng về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Trong khi đó, theo dự báo của nhóm nghiên cứu BIDV, tình hình nợ xấu sẽ vẫn là một thách thức lớn trong năm 2022 đối với các TCTD và việc gia hạn Nghị quyết 42 sẽ giúp các tỷ lệ nợ xấu này vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, các TCTD.

Hưởng lợi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất

Sau giai đoạn biến động mạnh của thị trường chứng khoán vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có xu hướng hồi phục trở lại nhờ một số thông tin hỗ trợ khá tích cực. Đặc biệt, việc Chính phủ chính thức tung gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp mới đây, cộng thêm thông tin nới “room” tăng trưởng tín dụng đã thu hút sự chú ý trở lại của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu này.

Một số cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá tích cực, đi ngược với xu hướng chung của thị trường nhờ lực đỡ của khối ngoại như HDB, VCB, CTG, STB, SSB, TPB…

Ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên gia Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô thuận lợi. Nền kinh tế đang phát triển nhanh, nguồn vốn FDI dồi dào, tình hình chính trị ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do…, qua đó, giúp ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông Tuấn cũng lưu ý về chiến lược chủ động đảm bảo chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại, khi nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao (như Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 424%, VietinBank

có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 200%...) và trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54.800 tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23.600 tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý); sử dụng dự phòng rủi ro (14.200 tỷ đồng, 25,9%), bán nợ cho VAMC (11.400 tỷ đồng, 20,9%).

Trong khi đó, nhóm chuyên gia phân tích Agriseco nhận định, ngân hàng là một trong ba ngành sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần.

Riêng nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đã tích cực đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có đợt nới room tăng trưởng tín dụng mới trong thời gian tới cho các ngân hàng thương mại.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định tăng trưởng tín dụng của ngành ở mức cao, 5 tháng đầu năm tín dụng đạt 8,03% và cả năm ít nhất đạt 14% là nhờ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao hơn.

Ngoài ra, thu nhập từ phí ổn định, kiểm soát tốt chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các ngân hàng trong năm 2022.

Dự báo, các ngân hàng sẽ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong hai năm nhờ tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và kiểm soát tốt chi phí tín dụng.

Các yếu tố trên được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên triển vọng giá của nhóm cổ phiếu “vua” trên sàn. Việc thị trường điều chỉnh trong thời gian gần đây đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Theo số liệu tổng hợp từ VNDirect, định giá P/B (Thị giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu) dự phóng năm 2022 của ngành ngân hàng đã điều chỉnh xuống 1,46 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích cũng lưu ý, do chất lượng tài sản của một số ngân hàng đã bị suy giảm bởi dịch Covid-19. Vì vậy, nhà đầu tư cần chọn lọc các cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt, khả năng bao phủ nợ xấu cao để đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng tích cực thời gian tới.

Nhà đầu tư có thể nghiên cứu một số cổ phiếu ngân hàng quản trị tài sản tốt, khả năng sẽ được nới room tín dụng sắp tới.

TS Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital

Thực tế cho thấy, quý I/2022, một số ngân hàng công bố biên lợi nhuận tốt, duy trì mặt bằng như năm ngoái dù lãi suất huy động tăng, nhưng vẫn có một số ngân hàng có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản.

TS Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Gragon Capital khuyến nghị các nhà đầu tư có thể nghiên cứu một số cổ phiếu ngân hàng quản trị tài sản tốt, khả năng sẽ được nới room tín dụng sắp tới khi Ngân hàng Nhà nước triển khai gói cấp bù lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp…

Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, theo giới chuyên gia, ngành ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, như nguy cơ lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc vào tháng 6/2022. Tâm lý vẫn dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này giúp cải thiện tính minh bạch, bền vững thị trường trong dài hạn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ