Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/11: Các mã vừa và nhỏ vẫn đang mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức ép từ nhóm bluechip khiến thị trường có phiên chao đảo khá mạnh, nhưng không vì thế giao dịch ảm đạm, mà dòng tiền vẫn rất sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt sóng bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, khi đang mang lại hiệu suất tốt nhất trên thị trường.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/11: Các mã vừa và nhỏ vẫn đang mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

Thị trường sau phiên sáng đầy cảm xúc với thanh khoản bùng nổ đã bước vào phiên chiều có phần thận trọng hơn, khi dòng tiền chậm lại và phân hóa.

Diễn biến chia làm đôi ngả, với dòng tiền vẫn miệt mài tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã giúp VN-Index nhích dần lên trên mốc 1.470 điểm, nhưng sau đó nhóm bluechip quay trở lại gây sức ép khiến chỉ số đảo chiều nhanh xuống dưới tham chiếu về gần 1.460 điểm. Tại đây, chỉ số mới ngừng rơi và đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Dòng tiền toàn thị trường không chỉ tốt mà là quá tốt với thanh khoản rất cao, đạt trên 38.000 tỷ đồng riêng sàn HOSE, nếu cộng toàn thị trường thì đạt mức khoảng 46.000 tỷ đồng (2 tỷ USD), nhưng thị trường vẫn không tăng điểm, đó là điểm trừ. Điểm trừ này là bởi nhóm mã lớn với rổ VN30 có tới 22 mã giảm điểm, thép, dầu khí và ngân hàng là 3 nhóm cản trở nhiều nhất tới đà tăng của thị trường.

Nếu loại trừ 3 nhóm kể trên thì thị trường có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn, số mã tăng điểm tương đương với số mã giảm điểm, trong đó có tới 34 mã trên HOSE và 27 mã trên HNX đóng cửa ở giá trần, chủ yếu là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhiều nhà đầu tư bắt đáy phiên sáng đã có "quà" khi phiên chiều kết thúc.

Về diễn biến chung của phiên giao dịch hôm nay, phần đáng nói đã nói ở phiên sáng, còn phiên chiều không có quá nhiều điểm nhấn. Về tổng thể thị trường, đây là phiên thứ tư VN-Index đi ngang với biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.365 điểm, trong xu thế tăng chung của toàn thị trường thì xu hướng sideway này được coi là giai đoạn tích lũy chờ động lực tăng mới.

Về mặt kỹ thuật, ngưỡng 1.365 điểm là vùng tương đương với khu vực Fibo mở rộng 23,6%, việc tích lũy thành công quanh ngưỡng điểm này cho phép kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tăng điểm để lên vùng cao hơn là 38,2%, tương đương với 1.493 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang khá phù hợp cho kịch bản tăng này.

Chốt phiên, sàn HOSE có 229 mã tăng (34 mã tăng trần) và 238 mã giảm, VN-Index giảm 2,67 điểm (-0,18%), xuống 1.462,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.265,4 triệu đơn vị, giá trị 38.134,77 tỷ đồng, tăng hơn 31% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn hơn 58,5 triệu đơn vị, giá trị 2.287 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phiên này khá tiêu cực khi một số mã lớn nới đà giảm, mặc dù biên độ cũng không quá lớn, nhưng trên diện rộng với 22 mã giảm trong rổ VN30 là tác nhân chính kéo lùi chỉ số.

Trong đó, HPG “đóng góp” tới 1,5 điểm giảm cho VN-Index khi mất 2,4% xuống 54.000 đồng, tiếp theo là VHM -1,3% xuống 81.500 đồng, góp” 1,2 điểm tiêu cực.

Đáng kể khác là STB -2,6% xuống 27.700 đồng, TBP -2,3% xuống 43.000 đồng, BVH -2% xuống 63.200 đồng, VRE -1,9% xuống 30.300 đồng, nhóm SSI, GAS, ACB, POW, MBB, CTG mất từ 1,2% đến 1,7%.

Các mã giúp chỉ số thu hẹp đà giảm đến từ GVR +1,9% lên 41.900 đồng và VCB +0,7% lên 98.300 đồng, “thu hồi” 1,5 điểm tích cực trở lại cho VN-Index. Cùng với đó, hai mã lớn khác hỗ trợ khác là PLX +2,6% lên 59.800 đồng, MWG +2,7% lên 135.000 đồng.

Ngoài ra, hai cổ phiếu bất động sản trong nhóm có mức tăng tốt là KDH +3,1% lên 49.800 đồng, PDR +3% lên 91.900 đồng.

Trên bảng chính, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sự phân hóa tương đối mạnh, đặc biệt ở các mã có thanh khoản cao.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì không ít cổ phiếu, nhất là các mã bất động sản, xây dựng vẫn có hiệu suất vượt trội, với HHS, TTA, TNI, OGC, CTI, HU3, CII, DIG, NLG, QCG, NHA, ITA, TCH, VRC, EVG, VNE đều đã tăng lên mức giá trần khi đóng cửa.

Trong khi đó, hàng loạt những cổ phiếu quen thuộc khác và thanh khoản cao như CRE, KBC, HDC, LGL, VPH, LDG, FLC, FDC, SGR, , DLG có mức tăng từ 4% đến 6,3%. Tăng hơn 3% cũng còn khá nhiều như C47, SCR, TNT, PXI, TDC, CCL, SAM, CKG, VCG, HAR, ROS, HPX…

Một số cổ phiếu liên quan đến nguyên vật liệu, nông nghiệp khởi sắc với NAV, DAG, APC, IDI, TTF tăng hết biên độ, cổ phiếu HAG +6,4% lên 7.130 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HPG với hơn 3,8,7 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu liên quan là HNG +3% lên 8.880 đồng, khớp 20,3 triệu đơn vị.

Các mã khác như TNC +5,4% lên 35.300 đồng, ABT +36.800 đồng, ANV +4,5% lên 39.400 đồng, AAM +3,5% lên 14.800 đồng…

Nhóm vận tải, cảng biển phân hóa hơn với SFI, VNS tăng trần, STG +6,6% lên 36.400 đồng, HVT +3,8% lên 16.600 đồng, trong khi VOS, HAH, TMS chìm trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu thép chịu sức ép lớn, ngoài HPG thì HSG -2,2% xuống 52.800 đồng, TLH -3,3% xuống 21.850 đồng, NKG -3,4% xuống 47.350 đồng, POM, VIS cũng giảm hơn 1%.

Hai cổ phiếu đầu ngành phân bón cũng giảm tương đối, với DPM -2,2% xuống 52.800 đồng, DCM -3,3% xuống 37.200 đồng.

Các cổ phiếu giảm đáng chú ý khác còn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng top sau như MSB -3,9% xuống 23.600 đồng, khớp hơn 13,8 triệu đơn vị, LPB -2,8% xuống 22.450 đồng, khớp 12,49 triệu đơn vị, OCB -3,5% xuống 26.350 đồng, khớp hơn 11,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật lên trên tham chiếu ngay sau giờ nghỉ trưa và tăng nhanh sau đó, nhưng áp lực bán về cuối phiên đã khiến chỉ số hạ thấp độ cao khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 147 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,11%), lên 438,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 181,8 triệu đơn vị, giá trị 4.286,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,85 triệu đơn vị, giá trị 434,7 tỷ đồng.

Bảng điện tử HNX khá phân hóa, nhưng đà tăng tốt của một số đáng ghi nhận như CEO, khi có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, +9,7% lên 18.100 đồng, khớp hơn 13,1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu bất động sản khác là NDN bùng nổ với thanh khoản khớp lệnh cao nhất từ trước tới nay với hơn 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh, và dù để mất sắc tím, nhưng kết phiên vẫn tăng mạnh 8,9% lên 25.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu nhỏ khác như DST, PVL, MAC, TVD, TC6, SPI, SD6, PV2 và VC9 đóng cửa ở mức giá trần, khớp từ 0,85 triệu đến 4,65 triệu đơn vị.

Phần còn lại chia đôi ngả với KLF, ART, HHG, DL1, TVC, KVC, APS tăng điểm, còn PVS, TNG, MBS, IDC BII giảm, trong khi SHS, AMV, AAV, HOM đứng giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp hồi đáng kể trong phiên chiều, tuy nhiên, khi chưa chạm tham chiếu đã bị đẩy ngược trở lại và kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,41%), xuống 109,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 136,6 triệu đơn vị, giá trị 2.681,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 26,71 triệu đơn vị, giá trị 341,4 tỷ đồng, với đóng góp lớn từ hơn 11,81 triệu cổ phiếu TLP, trị giá 276,4 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, nhóm cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất phân hóa, với BSR, HHV, BVB, VGT, OIL TVN, ABB, NED giảm. Còn một số SSB, VHG, KSH, QTP, G36, C4G, KHB, DRI tăng điểm.

Trong đó, BSR vươn lên dẫn đầu về thanh khoản với 11,51 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 2% xuống 24.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2111 mất 16,3 điểm (-1,07%), xuống 1.513 điểm, khớp lệnh hơn 181.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CHPG2111 hôm nay khớp lệnh tới hơn 3,67 triệu đơn vị, giảm 7,2% xuống 2.040 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục