Nỗi lo đè nặng doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá một số loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và thép, vừa có đợt tăng “sốc” thứ hai trong năm 2021, khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng lại “đứng ngồi không yên”.
Thép chiếm khoảng 32 - 33% chi phí xây dựng; với công trình nhà chung cư xây thô, con số này dao động trong khoảng 29 - 30%. Thép chiếm khoảng 32 - 33% chi phí xây dựng; với công trình nhà chung cư xây thô, con số này dao động trong khoảng 29 - 30%.

Nguy cơ “vỡ trận”

Trong vòng chưa đầy 2 tuần, giá xi măng tăng thêm 80.000 - 100.000 đồng/tấn. Than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng, nên việc giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu DO dùng để đốt khi sấy lò tăng trên 10% và một số phụ gia khác dùng trong sản xuất xi măng tăng giá là lý do khiến giá xi măng gần đây tăng mạnh.

Không chỉ giá xi măng, trong bản báo cáo mới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) ghi nhận nguy cơ “vỡ trận” với các nhà thầu khi mặt bằng giá thép cũng tăng mạnh.

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Thép Thái Nguyên, Việt Đức... đã điều chỉnh giá bán thêm 200 - 860 đồng/kg, tùy từng chủng loại và thương hiệu.

Trước đó, giai đoạn đầu năm 2021, giá thép tăng vọt so với năm 2020 khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác hạ nhiệt, rồi điều chỉnh giảm dần, nhưng đến nay lại bước vào đợt tăng mới.

Giá thép ở mặt bằng cao đã giúp các doanh nghiệp ngành thép ghi nhận lợi nhuận đột biến trong giai đoạn vừa qua, nhất là khi có hàng tồn kho giá rẻ từ trước. Ngược lại, các nhà thầu xây dựng “méo mặt” vì chi phí tăng vọt.

Trong những chia sẻ gần đây, ban lãnh đạo của hai doanh nghiệp lớn ngành xây lắp là Coteccons và Hòa Bình Corp bày tỏ mối lo ngại đặc biệt với tình hình giá nguyên liệu gia tăng đột biến, vì chi phí bị đội lên cao. Các doanh nghiệp khác như Ricons, Fecon, Hưng Thịnh Incons, Vinaconex hay Phục Hưng Holdings cũng đều quan ngại trước tình trạng giá nguyên vật liệu tăng mạnh.

Trong đợt tăng giá “sốc” nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng chủ động làm việc với những nhà cung cấp lớn về điều kiện hợp đồng thanh toán, mua dự trữ trước theo kế hoạch thi công…, nhưng các biện pháp này chỉ góp phần làm giảm một phần thiệt hại, bởi chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng quá lớn.

Theo tính toán sơ bộ của một số nhà thầu, thép chiếm 32 - 33% chi phí xây dựng; với công trình nhà chung cư xây thô, con số này dao động trong khoảng 29 - 30%; tính đến khi căn hộ hoàn thiện thì thép chiếm 10 - 15% tổng chi phí xây dựng. Giá thép tăng vọt, trong khi phần lớn các doanh nghiệp xây lắp ký hợp đồng cố định, nên tình hình hoạt động dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quý IV này.

Trong quý III/2021, ảnh hưởng bởi giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19 cùng giá nguyên vật liệu ở mức cao, không ít doanh nghiệp ngành xây lắp có lợi nhuận lao dốc như Hòa Bình Corp chỉ lãi 5,2 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí Coteccons lỗ gần 12 tỷ đồng.

Trước tình hình khó khăn của ngành xây dựng cùng mâu thuẫn lợi ích với các thành viên Ban điều hành cũ, Coteccons quyết định sẽ không tập trung toàn lực cho mảng cốt lõi là xây dựng, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng, tài chính xây dựng, cơ điện (M&E), cơ sở hạ tầng…

Đại diện một số doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng cho biết, trong 2 tuần vừa qua đã có 2 lần thông báo điều chỉnh tăng giá tới các nhà thầu. Không ít nhà thầu rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không dám ký hợp đồng mới.

Giá nguyên vật liệu tăng cao khiến không ít dự án xây lắp có thể lỡ tiến độ bàn giao cho chủ đầu tư vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ số giá xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như thép xây dựng, nhựa đường, xi măng… và các mức tăng không phù hợp với quy luật thông thường.

Giá thép có khả năng duy trì ở mức cao

Trong báo cáo khảo sát mới nhất, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một trong các nguyên nhân được cho là Trung Quốc đang cắt giảm dần sản lượng sản xuất để giảm lượng khí thải carbon trong dài hạn, với mục tiêu giữ sản lượng sản xuất thép dưới mức 1,07 tỷ tấn/năm, khiến các nhà thầu nước này phải đi tìm nguồn cung thép từ nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, giá than tăng mạnh trong tháng 9/2021 chủ yếu do nhu cầu năng lượng tăng vượt dự báo, cùng với việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than từ Úc cũng như sản lượng khai thác than nội địa tăng lên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, việc Trung Quốc có mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng/GDP và giá than tăng cao đã đẩy giá điện đi lên, gây khó khăn cho việc sản xuất thép và làm tăng giá thành sản xuất thép dựa trên điện như cán thép và lò hồ quang điện (EAF).

Ở thời điểm hiện nay, giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép tăng lên gây áp lực cho giá thép xây dựng trong 2 tháng cuối năm 2021.

Đặc biệt, đây là thời điểm nhu cầu sử dụng thép xây dựng gia tăng do hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân thường tăng mạnh vào dịp cuối năm và các dự án bất động sản lớn dự kiến được triển khai trở lại sau thời gian giãn cách.

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản có trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng và thiếu hụt lao động của các nhà thầu đòi hỏi chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải tính lại bài toán xây dựng nếu muốn tiếp tục triển khai dự án. Vì vậy, tiến độ của các dự án bất động sản có thể sẽ bị chậm lại.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục